'Người dưng nước lã' lại hóa người thương

Trong cuộc sống, chẳng thiếu gì những 'người dưng nước lã' lại đối xử với ta tốt hơn nhiều so với những người được coi là anh em ruột thịt.

Gió sao gió mát sau lưng

Dạ sao dạ nhớ người dưng thế này?

Tự nhiên lại nhớ người dưng quả là chuyện không bình thường. Cũng bởi người dưng vốn là "người không có quan hệ họ hàng, thân thích gì" để cho ta làm quen, kết bạn chứ chưa nói gì đến quan hệ thân thiết. Vậy mà cái “nhớ” tưởng như bâng quơ kia lại làm nên chuyện đó.

Đọc câu ca dao này làm cho ta nhớ đến thành ngữ "người dưng nước lã". Nghĩa của "người dưng" được hình thành từ 2 thành tố: người + dưng.

"Người" thì ta đã rõ. Đó là từ chỉ "động vật tiến hóa nhất, có khả năng nói, tư duy, sáng tạo và sử dụng công cụ trong quá trình lao động xã hội" " [Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020]. “Người” ở đây chỉ một thành viên, một cá thể trong xã hội loài người.

Còn "dưng" có nghĩa tự thân là "không có gì, không liên quan gì" [Từ điển đã dẫn]. Từ đây, tiếng Việt có thêm các từ láy "dửng dưng" (thờ ơ, tỏ ra không hề quan tâm, không có một cảm xúc gì), "dửng dừng dưng" (như "dửng dưng", nhưng ý mạnh hơn). Như vậy, "dưng" nằm trong nét nghĩa chính là "không liên quan, liên đới gì".

Vậy cho nên "người dưng" được đem ví với "nước lã", là "nước ngọt tự nhiên, chưa qua đun nấu, xử lý" [Từ điển đã dẫn], là một chất lỏng thiên nhiên sẵn có ở khắp mọi nơi trên trái đất này (hồ, ao, sông, suối...). Nó quá nhiều, quá thông dụng, dễ kiếm nên giá trị của nó không được đề cao. Người ta thường nói: "Nước lã mà vã nên hồ/ Tay không mà nổi cơ đồ mới ngoan"; hay "Mọi chuyện rồi như nước lã ra sông";...

Ảnh: CTV

Ảnh: CTV

Ở câu ca dao trên "Dạ sao dạ nhớ người dưng" để nói về một tình cảm bất chợt của ai đó, tự nhiên đem lòng nhớ nhung một người nào đó trong thiên hạ, chả có quan hệ gần gũi với mình (như trong gia đình hay trong một cộng đồng gắn bó nào đấy). Chính cái "dửng dưng" kia lại là điều đáng nói.

Người đâu gặp gỡ làm chi/ Trăm năm biết có duyên gì hay không? (Truyện Kiều). Mọi sự tác thành, làm nên cuộc sống lứa đôi đều bắt nguồn từ hai "người dưng" từ “hai phương trời xa lạ”, gắn kết họ lại, nên duyên thành vợ thành chồng.

Sự sắp đặt ngẫu nhiên của tạo hóa kia hóa ra lại là mối cơ duyên xây thành mái ấm gia đình, cho hạnh phúc lứa đôi bền vững trăm năm. Cái “tế bào xã hội” đó thể hiện đầy đủ những gì mà đời thường muôn mặt cần có. Từ tế bào hạt nhân vững chãi này mà chúng ta có một xã hội vững mạnh đó.

"Người dưng có ngãi thì đãi người dưng/ Anh em không ngãi thì đừng anh em". Thật là xót xa khi nghe câu ca dao này. Bởi "giọt máu đào hơn ao nước lã" mà ta lại từ bỏ cả giọt máu quý giá đó để đổi lấy gáo nước lã tưởng nhạt nhẽo mà lại hóa mặn mà.

Trong cuộc sống, chẳng thiếu gì những "người dưng nước lã" lại đối xử với ta tốt hơn nhiều so với những người được coi là anh em ruột thịt.

Lẽ nào mà giọt máu đào

Không bằng nước lã trong ao nhà mình?

PGS-TS. Phạm Văn Tình

(Hội Ngôn ngữ học Việt Nam)

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nguoi-dung-nuoc-la-lai-hoa-nguoi-thuong-39175.html