Người dùng Việt quan tâm gì nhất trên không gian mạng quý II/2025?
Báo cáo xu hướng tìm kiếm quý II/2025 do Cốc Cốc công bố hé lộ những chuyển động đa chiều trong mối quan tâm của người dùng Việt Nam trên không gian mạng. Từ các vấn đề chính trị - xã hội, an toàn thực phẩm, đến các trào lưu văn hóa và công nghệ

Ảnh minh họa
Sáp nhập tỉnh, thành và lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước thu hút sự chú ý
Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 202/2025/QH15 và Kết luận 127-KL/TW về việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh, lượng tìm kiếm liên quan đến “sáp nhập tỉnh, thành” đã tăng 100%. Đặc biệt, từ khóa “bản đồ hành chính mới” tăng tới 172%, cho thấy người dân chủ động cập nhật và tra cứu thông tin về địa giới hành chính mới theo quy định.
Bên cạnh đó, lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/2025) không chỉ thu hút sự quan tâm sâu rộng mà còn được “Gen Z hóa” qua cụm từ “concert quốc gia” lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội. Lượng tìm kiếm liên quan đến “diễu binh/diễu hành” tăng vọt 4.059%, phản ánh cách tiếp cận lịch sử mới mẻ, hiện đại và gần gũi với giới trẻ.
Báo cáo không chỉ là con số mà còn là bức tranh sống động về suy nghĩ và hành vi của người Việt trên không gian mạng
Ngoài ra, người dùng cũng đặc biệt quan tâm đến các vụ việc liên quan đến an toàn thực phẩm như “kẹo rau củ Kera” hay nghi vấn “lợn bệnh”, khiến lượng tìm kiếm về hàng giả tăng mạnh đến 560%. Các từ khóa liên quan đến thiên tai như “bão Wutip” và “động đất Myanmar” cũng bùng nổ, cho thấy người dùng chủ động theo dõi rủi ro thiên tai trong và ngoài nước để có phương án phòng ngừa.
Một điểm thú vị khác là hiện tượng ngôn ngữ Gen Z với các từ lóng như “khối nghỉ hè” và “khối nghỉ hưu” lan truyền rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội, ghi nhận mức tăng trưởng tìm kiếm bùng nổ lên tới 13.315% trên công cụ tìm kiếm Cốc Cốc.
AI chuyên môn hóa và sự gia tăng quan tâm đến chính sách thuế, tài chính
Trong lĩnh vực công nghệ, AI tiếp tục là chủ đề nóng khi các công cụ chuyên biệt như Leonardo AI, Remaker AI, Pixverse AI và Veo3 được người dùng Việt chú ý nhờ khả năng tạo video, thay đổi khuôn mặt và huấn luyện mô hình cá nhân hóa. Điều này cho thấy người dùng đang kỳ vọng nhiều hơn vào AI ứng dụng thực tiễn thay vì chỉ đơn thuần đối thoại. Sự cố “ChatGPT sập” khiến từ khóa này tăng tới 133%, phản ánh sự phụ thuộc ngày càng lớn vào AI trong đời sống số.
Song song đó, từ khóa “Telegram bị cấm tại Việt Nam” tăng đột biến 810%, kéo theo sự quan tâm đến các nền tảng thay thế như mạng xã hội nội địa “Lotus”. Người dùng không chỉ tìm kiếm giải pháp thay thế mà còn ưu tiên các nền tảng tin cậy, tuân thủ pháp luật trong nước.

Ảnh minh họa
Về mặt chính sách, quý II/2025 chứng kiến sự gia tăng rõ rệt về lượng tìm kiếm các nội dung liên quan đến thuế và tài chính. Các từ khóa như “truy thu thuế” tăng 44%, “giảm thuế GTGT” tăng 82%, “sử dụng số định danh cá nhân thay mã số thuế” tăng 77%, và “thuế chuyển khoản cá nhân” tăng mạnh 267%.
Đặc biệt, cụm từ “sàn thương mại điện tử nộp thuế thay người bán” tăng 41% trong bối cảnh Nghị định 117/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, yêu cầu các sàn thương mại điện tử khấu trừ và nộp thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân thay cho người bán ngay khi giao dịch hoàn tất.
Ngoài ra, người dùng cũng quan tâm đến các quy định mới về chi tiêu tiền mặt, với từ khóa “quy định chi tiêu tiền mặt dưới 5 triệu được khấu trừ thuế GTGT” tăng tới 764%. Điều này cho thấy ý thức pháp lý và nhu cầu minh bạch tài chính đang ngày càng gia tăng trên không gian số, cả ở người dân lẫn doanh nghiệp.
Báo cáo xu hướng tìm kiếm quý II/2025 của Cốc Cốc được xây dựng dựa trên các truy vấn tìm kiếm và dữ liệu duyệt web trên trình duyệt Cốc Cốc theo thiết bị, phản ánh chân thực những vấn đề, sự kiện và xu hướng nổi bật trong đời sống xã hội cũng như hành vi người dùng Việt trên không gian mạng. Qua đó, doanh nghiệp và các nhà quản lý có thể nắm bắt kịp thời tâm lý, nhu cầu và sự thay đổi của người dùng để điều chỉnh chiến lược phù hợp.