Người được lựa chọn
Nghe Nhà hát chèo Hà Nội dựng vở An Tư công chúa, bất giác hỏi Thu có vai không, cô cười giòn tan: Em giờ phải là mẹ của An Tư rồi chứ. Nữ diễn viên đóng An Tư tìm đến Thu nhờ chỉ dẫn, truyền nghề một điều cô hai điều con, cảm giác giữa Thu và những nghệ sĩ trẻ đã là hàng thế hệ. Sân khấu luôn đòi hỏi sự thanh tân, nhưng cũng cần hơn cả những chín, những đằm, những sắc nước hương trời mà thời gian dẫu hờn ghen cay nghiệt, cũng khó bề xóa dấu vết. Gần 20 năm sau tuổi 17 Thị Mầu làm xiêu đình đổ quán chiếu chèo cổ ở Hạ Long, NSƯT Hoài Thu vẫn là một đào chèo đắt giá của sân khấu Hà Nội...
Nghe Nhà hát chèo Hà Nội dựng vở An Tư công chúa, bất giác hỏi Thu có vai không, cô cười giòn tan: Em giờ phải là mẹ của An Tư rồi chứ. Nữ diễn viên đóng An Tư tìm đến Thu nhờ chỉ dẫn, truyền nghề một điều cô hai điều con, cảm giác giữa Thu và những nghệ sĩ trẻ đã là hàng thế hệ. Sân khấu luôn đòi hỏi sự thanh tân, nhưng cũng cần hơn cả những chín, những đằm, những sắc nước hương trời mà thời gian dẫu hờn ghen cay nghiệt, cũng khó bề xóa dấu vết. Gần 20 năm sau tuổi 17 Thị Mầu làm xiêu đình đổ quán chiếu chèo cổ ở Hạ Long, NSƯT Hoài Thu vẫn là một đào chèo đắt giá của sân khấu Hà Nội...
Tiết thu, trời hanh hao gió, thiếu phụ xinh đẹp lẫn vào dòng người, thoăn thoắt lái xe đưa con đi học đón con về, săm sắn toan lo cho một đại gia đình đông đúc. Chỉ tới khi ngồi trước màn gương hóa trang, xống áo lớp lang, bước ra sân khấu, thiếu phụ thị thành thoắt biến hình thành nàng Kiều Loan khắc khoải tìm chồng trong nhung nhớ. Thu trăn trở với Kiều Loan bao năm, đồng cảm thân phận nữ nhi giữa thời tao loạn mà thi sĩ Hoàng Cầm dồn bao tâm huyết đắp bồi nên. Cơ hội đến khi năm 2019, Nhà hát chèo Hà Nội dàn dựng vở diễn Kiều Loan, Hoài Thu đã là sự lựa chọn đương nhiên. Những vật vã giằng xé trong tưởng tượng lâu nay được trút hết vào vai diễn, để hiển hiện trên sàn gỗ một nàng Kiều Loan tột cùng đau khổ nhưng không hề bi lụy, một phận mỏng cánh chuồn giữa bối cảnh xã hội đầy những nhiễu nhương thật giả khó lường mà vẫn vẹn nguyên sự quyến rũ đàn bà... Hoài Thu đủ bản lĩnh lẫn từng trải ở đời để sáng tạo nên một Kiều Loan của riêng mình, không hề bị lạc vào những đàn chị đi trước. Để gánh được vai diễn phức tạp nội tâm đa dạng sắc thái, ngoài bản năng trời cho, nghệ sĩ sân khấu phải nuôi dưỡng được cảm xúc tươi mới để thăng hoa trong mỗi buổi sáng đèn màn mở. Từ năm 15 tuổi, bước chân vào Nhà hát chèo Thái Bình - một trong những chiếng chèo nổi tiếng nhất Bắc Bộ - học nghề, cô con gái gia đình nông dân thuần phác đã ý thức đủ đầy trách nhiệm: trau dồi nội tâm mình, sao cho dư sức chứa chở những vai diễn trĩu nặng thân phận của kiếp người, đậm chất trữ tình vốn là đặc trưng của chèo truyền thống...
Hạ Long Quảng Ninh năm 2001, Liên hoan nghệ thuật chèo truyền thống đã trình làng với công chúng, bạn nghề một sắc vóc rờ rỡ của chèo cổ, vẻ đẹp mặn mòi vốn bao năm bị xáo trộn lấp vùi trong những bộn bề của đời sống giai đoạn đầu mở cửa. Hàng loạt vở diễn mẫu được các nhà hát, đoàn nghệ thuật đem ra đua tài. Rất nhiều Thị Kính, Thị Mầu cùng khoe sắc, rất nhiều Súy Vân, Đào Huế... cùng đua độ tinh xảo của ca và diễn..., Hoài Thu 17 tuổi trở thành Thị Mầu trẻ nhất hội thi, được yêu mến nhất, giành nhiều giải thưởng nhất giữa các liền chị sẵn tên tuổi hơn mình. Thiếu nữ mới hai năm học chèo, học chèo cũng chỉ là lựa chọn tình thế đơn giản bởi gia cảnh lúc đó khó khăn, bố mẹ lớn tuổi khó lòng nuôi cô con gái út xinh đẹp hát hay múa giỏi ăn học lên cao nữa. Hoài Thu đã tiến bộ vượt bậc. Tạm biệt Hạ Long với đầy ắp niềm vui, trở thành nhân vật khách mời đặc biệt của chương trình truyền hình Dành cho người hâm mộ đang “hot” lúc bấy giờ, Hoài Thu thênh thang trên đường băng rộng dài đầy hứa hẹn. Nhưng rồi giữa lúc sự nghiệp đang phơi phới, cô sựng lại, đùng đùng lấy chồng, sinh một lèo ba đứa con, những tưởng đã đoạn tuyệt với chèo, vĩnh viễn chia tay ánh đèn sân khấu, vui vầy với bổn phận làm mẹ, làm vợ, chăm sóc ngôi nhà đầy tiếng cười trẻ con và chim chóc, hoa lá lẫn chó mèo... Số phận đẩy đưa, hoặc chèo với Hoài Thu đã là nghiệp tổ không dễ bề nói thôi là thôi bỏ là bỏ, khi Nhà hát chèo Hà Nội dựng vở Vương nữ Mê Linh tái hiện cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vào mùa xuân năm 40, đúng dịp kỷ niệm 2000 năm sinh bà Trưng Trắc, giám đốc Thúy Mùi đã thuyết phục Thu quay trở lại sân khấu, quay trở lại với chèo, nhận vai đinh của vở diễn. Những khát vọng thời son rỗi, “mối tình đầu” đã bị nhấn chìm vào quên lãng bỗng trỗi dậy mãnh liệt khi Thu tới nhà hát, ngồi dưới hàng ghế khán giả, chứng kiến các bạn từng là đồng nghiệp mình thổn thức trong tiếng trống thúc giục liên hồi. Cũng kiên quyết như khi bỏ nghề, Hoài Thu nhận lời trở lại Nhà hát, trở lại với chèo, trở lại với nghiệp tổ đã như vận vào cô từ tiền kiếp. Gần 10 năm không làm nghề, Thu vẫn linh hoạt xinh tươi trên sân khấu, vẫn vang rền nền nẩy và nhận về những thành quả cả giấy trắng mực đen lẫn tiếng vỗ tay cổ vũ của khán giả cho vai diễn bề thế Nữ tướng Trưng Trắc.
Sau thành công của Trưng Trắc trong Vương nữ Mê Linh, Hoài Thu vàng son rực rỡ cùng nhiều vai diễn đinh trong các vở diễn lớn của Nhà hát chèo Hà Nội, nhất là vào các dịp kỷ niệm trọng đại, như Cánh chim trắng trong đêm nhân 60 năm giải phóng Thủ đô. Có cả thanh lẫn sắc, luôn chủ động trong công việc của mình, không hề dựa dẫm và cũng không thể dựa dẫm vào người chồng nức tiếng tài hoa và khó tính - NSND đạo diễn Lê Hùng, Hoài Thu âm thầm học, chắt chiu rèn cặp chính bản thân mình mỗi ngày. Cô lẳng lặng học lỏm nghề từ chồng, học từ những lúc theo anh tới các sàn tập, xem anh đọc kịch bản... rồi tự đắp bồi tích lũy cho mình. Khác những người thường, cô luôn phải nỗ lực gấp đôi gấp ba, luôn nhủ mình ngăn nắp sắp đặt trước hết nghĩa vụ của một người phụ nữ trong gia đình, rồi mới bước ra đường, xênh xang các vai diễn. Yêu gia đình, yêu chồng con, yêu chèo, cô luôn vắt kiệt sức mình cho những tình yêu ấy mà không hề so đo toan tính... Diễn trên sân khấu không đủ bung tỏa năng lượng tràn trề của Thu, không chất đủ tình yêu của cô với nghệ thuật sân khấu, cô quyết định đi học đạo diễn. “Một mình Thu đóng cả ba vai chèo”, với gia đình, với nghiệp diễn xuất và nghề đạo diễn, vai nào cũng tròn đầy, sắc sảo..., NSƯT Hoài Thu đang sung sức hơn bao giờ hết. Gắn bó cùng chèo vào giai đoạn lao đao bĩ cực của loại sân khấu truyền thống này, với một thiếu phụ đã đủ đầy ổn thỏa cuộc sống riêng, chỉ có thể là yêu, là bị bỏ bùa, là thương... và muốn chia sẻ, muốn gánh vác để cùng nhau đi qua khúc đoạn trường. “Trót mang lấy nghiệp vào thân”, ánh đèn sân khấu vẫn có sức hút ma mị cám dỗ bao số phận, bao nhan sắc lao theo dù biết sự nổi tiếng nếu có cũng thuần là hư danh mà khó mang lại vật chất, tiền bạc. Nhưng chính những đeo đuổi ít toan tính, không màng vụ lợi kiểu này đã giúp chèo và các loại hình sân khấu truyền thống vẫn tồn tại năm này qua tháng khác, vẫn tiếp lửa theo dòng thời gian, vẫn góp phần làm nên một văn hóa Việt Nam giàu bản sắc. Hoài Thu đã là người được lựa chọn và cô cũng thênh thang hào hứng, một lòng một dạ thủy chung son sắt với lựa chọn của mình, mặc những giông gió bủa vây trong bao hình hài lúc nào cũng chực chờ rình rập...
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/vanhoa-nghethuat/nguoi-duoc-lua-chon-622434/