Người được mệnh danh là 'ông tổ' thuốc Nam và mở đầu cho nền y dược cổ truyền của Việt Nam
Thiền sư Tuệ Tĩnh được mệnh danh là ông tổ của nghề thuốc Nam. Trong suốt cuộc đời của mình, ông đã để lại nhiều đóng góp to lớn cho nền y học cổ truyền, góp phần đưa nền y học của Việt Nam lên một tầm cao mới.
Ông tổ của nền y học cổ truyền Việt Nam
Y học Cổ truyền Việt Nam hay còn gọi là thuốc Nam (thuốc ta) là một ngành y học thuộc Đông y có nguồn gốc từ xa xưa, được bắt nguồn từ Việt Nam.
Người đã đặt nền móng cho Y học cổ truyền Việt Nam là Danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh (tác giả của câu nói nổi tiếng "Nam dược trị Nam nhân" - thuốc Nam dùng chữa bệnh cho người Nam). Ông cũng được coi là người sáng lập ra nghề thuốc Nam, sau này Hải Thượng Lãn Ông là người tuyên truyền thực hiện có hiệu quả cao về nghề thuốc dân tộc này.
Danh Y Tuệ Tĩnh (1330 – ?) có tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, người làng Nghĩa Phú, huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương). Tuệ Tĩnh được coi là vị thánh thuốc Nam, là ông tổ của ngành y học cổ truyền của Việt nam. Ông là tác giả của những tập sách nổi tiếng “Nam dược thần hiệu” và “Hồng nghĩa giác tư y thư”.
Mồ côi cha mẹ từ khi 6 tuổi, Nguyễn Bá Tĩnh được các nhà sư chùa Hải Triều và chùa Giao Thủy nuôi cho ăn học. Với tài năng và sự chăm chỉ của mình, năm 22 tuổi, ông đậu Thái học sinh dưới triều vua Trần Dụ Tông, nhưng không ra làm quan mà ở lại chùa đi tu lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. Những ngày đi tu cũng là những ngày ông chuyên học thuốc, làm thuốc, chữa bệnh cứu người.
Năm 55 tuổi (1385), Danh y Tuệ Tĩnh bị đưa đi cống cho triều đình nhà Minh. Sang Trung Quốc, ông vẫn làm thuốc, nổi tiếng và được vua Minh phong là Đại y Thiền sư. Sau đó ông qua đời tại Giang Nam, Trung Quốc và không rõ năm nào (theo nhiều nguồn tài liệu Danh y Tuệ Tĩnh mất vào năm 1400).
Thuốc Nam dùng chữa bệnh cho người Nam
Đối với Tuệ Tĩnh, ông học y, hành y, không chỉ đơn giản là cứu người mà còn tổ chức, viết sách để lưu truyền những bài thuốc Nam đến với nhân dân. Ông dạy nhân dân cách trồng thuốc chữa bệnh cho đến chăm sóc sức khỏe, phòng tránh bệnh tật. Có thể nói đây là tư tưởng cực kỳ tiến bộ của y học, chủ động phòng bệnh, tận dụng thảo dược thiên nhiên, phát huy thế mạnh của toàn dân sẽ tạo ra sức mạnh, tài sản quý báu cho các thế hệ sau.
Tuệ Tĩnh phân tính rõ biện chứng tổng quát về dược lý chủ yếu là hướng điều trị từ 630 vị thuốc để chữa các bệnh như: Ngoại cảm lục dâm, lao lực, trúng độc, uất khí, hỏa tích, đờm,… Bên cạnh đó, ông cũng phân tính thêm, Việt Nam là quốc gia nằm trong khu vực có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm thường xuyên. Chính vì vậy, dân thường mắc các bệnh thiên về nhiệt, đờm hỏa hoặc khí hư yếu nên cần tìm những bài thuốc Đông y điều trị tả hỏa, hóa đàm, thanh nhiệt,…
Quan điểm hành nghề, nguyên tắc điều trị của ông không chỉ xuất phát từ lý tính mà còn có sự kết hợp giữa y đức, lòng yêu nước thương dân. Ông luôn lo lắng con dân phải chết vì bệnh tật. Do vậy, ông đã cố gắng, dày công kiếm tìm những cây thuốc quanh mình để đưa vào chữa bệnh. Ngoài ra, ông còn kết hợp sử dụng các phương pháp như xoa bóp, châm cứu, bấm huyệt với chủ trương: “Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình”.
Đến nay những phương pháp, châm ngôn hành nghề y của Tuệ Tĩnh vẫn được lưu truyền, áp dụng thành công, thậm chí trở thành kim chỉ nam cho những danh y sau này trong đó điển hình nhất là Hải Thượng Lãn Ông.
Thành tựu y học của Danh y Tuệ Tĩnh
Những năm ở trong nước, Tuệ Tĩnh đã chăm chú nghề thuốc: Trồng cây thuốc, sưu tầm kinh nghiệm chữa bệnh trong dân gian, huấn luyện y học cho các tăng đồ. Ông đã tổng hợp y dược dân tộc cổ truyền trong bộ sách giá trị là bộ “Nam dược thần hiệu” chia làm 10 khoa. Đặc biệt, ông có bộ “Hồng nghĩa giác tư y thư” (2 quyển) biên soạn bằng quốc âm, trong đó có bản thảo 500 vị thuốc nam, viết bằng thơ Nôm Đường luật, và bài “Phú thuốc Nam” 630 vị cũng bằng chữ Nôm. Ngoài ra còn có một số bộ sách khác như “Dược tính chỉ nam” và “Thập tam phương gia giảm”… nhưng không còn nguyên vẹn do giặc ngoại xâm sang chiếm nước ta và phá hủy nhiều tịch thư lớn.
Năm 1972 nhà xuất bản Y học đã tiến hành in ấn, phát hành cuốn “Nam dược thần hiệu” với một bộ 11 cuốn, quyển đầu tiên nói về dược tính của 119 vị thuốc nam, 10 quyển còn lại mỗi quyển đi sâu về một khoa điều trị bệnh. Còn cuốn: “Hồng nghĩa giác tư y thư” của Tuệ Tĩnh cũng được in năm 1978 gồm 9 phần, dày gần 400 trang.
Từ bao đời nay, giới y học Việt Nam và nhân dân đều công nhận Tuệ Tĩnh có công lao to lớn trong việc xây dựng một quan điểm y học độc lập, tự chủ, sát với thực tế Việt Nam. Câu nói của ông: “Nam dược trị Nam nhân” thể hiện quan điểm đầy biện chứng về mối quan hệ mật thiết giữa con người với môi trường sống xung quanh. Quan điểm ấy dẫn dắt ông lên ngôi vị cao nhất của nền y học cổ truyền Việt Nam: “Ông Thánh thuốc Nam”. Trong trước tác của mình, ông không rập khuôn theo các trước tác của các đời trước, ông không đưa kim, mộc, thủy, hỏa, thổ lên đầu mà xếp các cây cỏ trước tiên. Ông cũng phê phán tư tưởng dị đoan của những người chỉ tin vào phù chú mà không tin thuốc. Ông đã nêu ra nhiều phương pháp khác nhau để chữa bệnh như: Châm, chích, chườm, bóp, xoa, ăn, uống, hơ, xông,…
Tuệ Tĩnh đã không dừng lại ở vị trí một thầy thuốc chữa bệnh, ông còn tự mình truyền bá phương pháp vệ sinh, tổ chức cơ sở chữa bệnh trong nhà chùa và trong làng xóm. Có tài liệu cho biết, trong 30 năm hoạt động ở nông thôn, Tuệ Tĩnh đã xây dựng 24 ngôi chùa, biến các chùa này thành y xá chữa bệnh. Ông tập hợp nhiều y án: 182 chứng bệnh được chữa bằng 3.873 phương thuốc. Ông cũng gây dựng được phong trào trồng cây thuốc trong gia đình để tự chữa bệnh, nhờ vậy mà năm 1533, với cây thuốc sẵn có mà dân chúng thoát khỏi bệnh sốt rét hoành hành, hay dịch tả tại Thái Nguyên năm Giáp Tuất (1574)... Ông cũng luôn nhắc nhở mọi người chú ý nguyên nhân gây bệnh, tìm biện pháp phòng bệnh tích cực. Tuệ Tĩnh nhấn mạnh tác dụng việc rèn luyện thân thể và sinh hoạt điều độ.
Không chỉ vậy, Tuệ Tĩnh còn tập hợp những bài thuốc chữa bệnh cho gia súc. Ông đã góp phần đặt cơ sở cho ngành thú y dân tộc của Việt Nam.
Có thể nói, Danh y Tuệ Tĩnh là người mở đầu trong sự nghiệp nghiên cứu các bài thuốc Nam, xây dựng nền móng cho Y học cổ truyền dân tộc Việt Nam. Những bài thuốc, kinh nghiệm quý báu của ông đã cứu sống hàng trăm nghìn người, thoát khỏi nỗi sợ bệnh tật. Đặc biệt, với những tài liệu, sổ sách để lại tạo cơ hội cho thế hệ sau thừa kế và phát huy những tinh hoa, giá trị cũ, đưa nền y học Việt phát triển bền vững.
Trải qua hàng thế kỷ tồn tại cùng với văn hóa, xã hội Việt Nam, y học cổ truyền đã và đang góp phần không nhỏ cùng y học hiện đại đẩy lùi nhiều bệnh tật, cứu sống hàng nghìn người bệnh. Một số nhóm bệnh nguy hiểm và phức tạp điều trị có hiệu quả như: Phong tê thấp, bệnh về tiêu hóa, tiết niệu, hư nhược cơ thể, bệnh về hô hấp, phụ khoa, nhi khoa và một số bệnh mạn tính....