Tư tưởng triết lý qua bài kệ Thị Tịch của Thiền sư Khuông Việt

Vì đạo Phật là một tôn giáo vô thần với ý nghĩa rằng mọi khổ đau hay hạnh phúc của con người đều do chính con người quyết định chứ không có một đấng tối cao nào có thể ban phước hay giáng họa.

Thiền sư Khuông Việt sinh năm 933, quê ở thôn Cát Lợi, huyện Thường Lạc, nay thuộc huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Ngài tên thật là Ngô Chân Lưu, lúc nhỏ theo học Nho giáo, lớn lên xuất gia và thọ giới với Thiền sư Vân Phong, thế hệ thứ IV dòng thiền Quan Bích, trụ trì chùa Khai Quốc.

Sư học rộng, hiểu biết sâu xa yếu chỉ thiền học. Năm 40 tuổi, danh tiếng vang dội đến triều đình, được vua Đinh Tiên Hoàng mời về kinh thăm hỏi, ban hiệu là Khuông Việt Đại sư và phong chức Tăng Thống.

Ảnh vẽ phác họa Khuông Việt Đại sư

Ảnh vẽ phác họa Khuông Việt Đại sư

Đến thời vua Lê Đại Hành, Sư được đặc biệt trọng dụng như Quốc sư. Năm 986, Sư và Pháp sư Đỗ Thuận được cử giao thiệp với Sứ giả nhà Tống là Lý Giác. Lúc Sứ giả trở về, Sư có tặng bài thơ “Vương Lang Quy” nổi tiếng cho tới tận ngày nay. Về cuối triều Lê, Sư già yếu xin từ quan về núi Du Hý, lập chùa trụ trì, người học tìm tới rất đông. Ngày 15 tháng 2 năm Thuận Thiên thứ 2 (1011) tức ngày 22/3/1011 dương lịch, Sư viên tịch, thọ 78 tuổi. Khi sắp cáo tịch, Sư truyền dạy cho Đa Bảo kệ rằng:

元 火
木 中 元 有 火
元 火 復 還 生
若 謂 木 無 火
鑽 燧 何 由 萌?

Phiên âm:

Nguyên Hỏa

Mộc trung nguyên hữu hỏa,
Nguyên hỏa phục hoàn sinh.
Nhược vị mộc vô hỏa,
Toản toại hà do manh?

Dịch nghĩa:

Trong cây vốn có lửa,
Tia lửa mới sáng lòa.
Nếu bảo cây không lửa,
Cọ xát sao lại ra?

Vì trong cây vốn có lửa nên khi ta dùng phương tiện cọ xát, cây sẽ nóng lên và phát ra lửa. Đó là một quy luật tất yếu, một sự thật hiển nhiên. Qua bài kệ, Thiền sư Khuông Việt đã mượn hình ảnh ẩn dụ cây và lửa để truyền tải một chân lý uyên thâm không những cho hàng đệ tử của Ngài mà cả hàng hậu học chúng ta cũng cần nên ngộ nhận ra chân lý ấy.

Lửa ấy là gì? Chính là Tính giác, là bản thể Chân như, là Phật tính. Trong cây vốn có lửa chính là Phật tính vốn luôn hằng hữu trong mỗi chúng ta. Nên trong kinh Pháp Hoa đức Phật đã dạy rằng, mục đích Ngài ra đời là “Khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến”. Phật là bậc đã giác ngộ và Ngài biết rằng tất cả chúng sinh đều có Tính giác nên cũng sẽ giác ngộ như Ngài, điều ấy được Ngài khẳng định “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”.

Thật vậy, ai ai cũng có bản tính giác thanh tịnh thuần khiết “Nhân chi sơ tính bổn thiện”, nhưng vì bóng tối của vô minh đã che mờ ánh sáng của tính giác ấy, để rồi lửa sân hận thiêu đốt hết những thiện căn và hố tham lam đưa con người quay cuồng trong vòng xoáy của biển khổ sinh tử. Đến khi khổ đau tột cùng thì lại đi tìm người cứu giúp, đi tìm chốn bình yên và nơi giải thoát. Nhưng biết đi tìm nơi đâu khi tâm ta mãi rong ruổi theo trần cảnh bên ngoài. Chỉ khi nào lòng ta yên tâm ta lặng thì khi đó khổ đau tự biến mất và Phật tính hiển bày. Vì Phật vốn ở trong nhà chứ không phải ở đâu xa - Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch, nên chớ có đi tìm kiếm sự bình an hay hạnh phúc ở bên ngoài. Nếu trong ta không có Phật tính thì dù có tinh tấn tu tập bao nhiêu cũng không thể nào đạt được sự giải thoát.

“Nhược vị mộc vô hỏa, Toản toại hà do manh?”- Câu hỏi mang tính giả thuyết này vừa là lời khẳng định Phật tính vốn có trong mọi người, vừa là lời thức tỉnh hàng đệ tử nên trở về với hải đảo của chính mình, tự lực phát huy tiềm năng sẵn có chứ đừng ỷ lại hay dựa dẫm vào tha lực của đấng thần linh nào dù đó là Phật.

Vì đạo Phật là một tôn giáo vô thần với ý nghĩa rằng mọi khổ đau hay hạnh phúc của con người đều do chính con người quyết định chứ không có một đấng tối cao nào có thể ban phước hay giáng họa. Chính đức Phật cũng đã dạy các đệ tử hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, Ngài chỉ là người dẫn đường chứ Ngài không thể tu giúp ai được. Đây là triết lý sâu sắc của Phật giáo, chính triết lý này đã đề cao vai trò trách nhiệm và giá trị tiềm năng vốn có của mỗi người.

Giá trị tiềm năng ấy chính là bản tính thanh tịnh, chân thật, nhất như trong chúng ta, là ngọn lửa tiềm ẩn trong cây chỉ cần cọ xát thì nó sẽ phát sáng. Cũng vậy chỉ cần chúng ta buông bỏ mọi cố chấp bảo thủ, chuyển hóa tâm niệm thì ánh sáng của bản tâm sẽ xuất hiện. Chúng ta hãy tin vào khả năng giác ngộ của mình. Phật tính vốn bình đẳng nên ta và Phật đều như nhau chỉ khác ở chỗ mê và ngộ. Đức Phật đã giác ngộ, còn chúng ta vẫn còn vào ra trong sự mê ngộ đó mà không hay biết. Cho nên cần phải thức tỉnh và tự có trách nhiệm với cuộc đời mình bằng chính những ý nghĩ, lời nói, hành động mỗi ngày của chúng ta.

Hãy tự vẽ nên bức tranh sống động cuộc đời mình bằng của báu vốn sẵn có chứ đừng chờ đợi vào tha lực nào bên ngoài. Chư vị Tổ sư cũng đã luôn sách tấn hàng hậu với những lời dạy thâm thúy “Nam nhi tự hữu xung thiên chí” hay “Bỉ ký trượng phu ngã diệc nhĩ”. Trước những khích lệ đó chúng ta không thể nào sống qua loa cho qua ngày đoạn tháng để rồi lãng phí một kiếp người. Chúng ta phải biết tận dụng viên minh châu đáng quý của mình đừng để nó bị vùi lấp mãi trong bóng tối. Hãy khơi dậy nó để thể nhập những chân lý nhiệm mầu của Chính pháp rồi chiếu soi vào đời nhằm đem lại lợi lạc hạnh phúc cho đời.

Tóm lại, qua bài kệ vừa trình bày chúng ta thấy rằng Thiền sư Khuông Việt đã truyền trao tư tưởng triết lý về Phật tính, về khả năng giác ngộ mà ai cũng có. Dù tại gia hay xuất gia, chỉ cần chúng ta nỗ lực tu tập thực hành đúng như lời Phật dạy thì sẽ đạt được sự giải thoát như Ngài. Nguyện cầu cho tất cả mọi người sẽ sớm trở về với hải đảo tự thân, thể nhập được tính giác tâm linh của chính mình, để có thể cảm nhận được sự tương giao với đức Phật.

Tác giả: Huệ Đức

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/tu-tuong-triet-ly-qua-bai-ke-thi-tich-cua-thien-su-khuong-viet.html