Người được Tổng Bí thư dạy chữ: Phải đứng bằng đôi chân của mình
Nếp sống học từ 'người anh lớn' Nguyễn Phú Trọng đã trở thành phương châm giáo dục của ông Tính cho các con, đó là 'con người nếu không đứng bằng đôi chân của chính mình sẽ không làm được điều gì cả.'
Ngày 24/7, nhóm phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus có cơ duyên gặp ông Nguyễn Đình Tính, ở xóm Hai, xã Vạn Thọ (Đại Từ, Thái Nguyên) - người được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu quý và coi như “em trai” trong thời gian ông cùng Khóa 8 Khoa Ngữ Văn, trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học-Xã hội-Nhân văn Hà Nội) về sơ tán học tập (năm 1965-1967).
Truyền cảm hứng vào từng "con chữ"
Tại căn lán tạm đơn sơ ở một quảng trường đang thi công, ông Nguyễn Đình Tính, một công nhân xây dựng có nước da nâu bóng, đầy rắn rỏi ở tuổi 69 niềm nở đón khách.
Trong câu chuyện, ông cho biết gia đình mình đã rất may mắn đón bốn nam sinh viên ở trọ học vào thời gian đó. Trong đó, có sinh viên Nguyễn Phú Trọng.
“Khi đó, tôi 10 tuổi và bác Trọng 22 tuổi, cách nhau đúng một giáp. Hàng ngày, ngoài giờ đi học, bác Trọng dành thời gian dạy tôi luyện viết chữ. Bác nhắn nhủ viết chữ rất quan trọng và kiên trì, bình tĩnh, nhẹ nhàng chỉ bảo cho tôi. Cứ như vậy, hai anh em cùng nhau ôn bài và luyện từng con chữ dưới ánh đèn dầu mỗi tối. Bác Trọng thường giao bài tập bằng cách viết chữ mẫu và yêu cầu tôi tô trên các quyển vở ô ly. Tôi sai đâu, bác sẽ hướng dẫn lại và phương pháp dạy rất dễ nghe,” ông Tính rưng rưng nhớ lại.
Với ông Tính, Tổng Bí Nguyễn Phú Trọng là "người anh lớn" với lòng ngưỡng mộ sâu sắc về tấm gương học tập, rèn luyện nhân cách. Những lời bảo ban: “Chỉ có học mới thành người, phải ra sức học tập, chuyên cần lao động; Không có ai lười học, không chuyên cần lao động mà thành người” của "anh Trọng" được ông Tính luôn khắc ghi trong lòng. Chính vì vậy, ông Tính đã chăm chỉ học tập, nhờ đó chương trình 7 năm học phổ thông được kết thúc trong 6 năm (1 năm được xét đặc cách nhờ các thành tích đi thi vở sạch chữ đẹp tại các cấp).
Phải đứng trên đôi chân của mình
So với các bạn học, ông Tính chia sẻ sinh viên Nguyễn Phú Trọng là người rất giản dị và chỉ có hai bộ quần áo gụ thay đổi thường xuyên. Hai anh em thường cùng nhau bắt cua, đánh lươn để cải thiện cho các bữa ăn. Là một thanh niên đến tuổi trưởng thành, chàng trai Nguyễn Phú Trọng khi đó đã rất năng nổ, nhiệt tình cùng các sinh viên trong khóa học giúp bà con làm mương, đi cấy và tăng gia sản xuất. Bằng sự quyết tâm và quá trình rèn luyện không mệt mỏi, Nguyễn Phú Trọng là sinh viên duy nhất của khóa học được kết nạp Đảng tại xóm Hai, xã Vạn Thọ vào ngày 19/12/1967.
Noi gương tinh thần đó, ông Tính quyết tâm vào bộ đội và nỗ lực rèn luyện, phấn đấu. Kết quả là sau hơn 1 năm tham gia quân ngũ (từ cuối năm 1979 đến năm 1981), ông Tính đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Tính xúc động chia sẻ những món quà ấm ấp được "người anh lớn" Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao tặng.
Năm 2005, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội) đã về thăm xã Vạn Thọ nhân kỷ niệm họp lớp. Hai anh em gặp nhau bằng cái ôm nhau thật chặt, tình cảm quá nghẹn ngào và nước mắt cứ thế rơi. Ngày đó, bác Trọng có tặng cho ông Tính một cái màn tuyn và ông vẫn trân trọng cất giữ cho đến nay.
Khi bác Trọng chuẩn bị ra về, ông Tính đi tiễn và hỏi vui: “Sao anh không cho em tiền, mà cho cái màn?” Bác Trọng đáp với ý rằng: Anh cho em bao nhiêu tiền em cũng tiêu hết. Anh cho em chiếc màn là chắn muỗi cho em và mỗi khi đi ngủ, em nhìn lên chiếc màn sẽ luôn nhớ có anh.
Về cuộc sống hiện tại, mặc dù ông Tính có nghề trồng nấm với thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm, song đặc thù trồng nấm có một khoảng thời gian nông nhàn nên ông xin làm công nhân xây dựng có thêm thu nhập 300.000 đồng/ngày. Theo ông Tính, tình yêu lao động được hình thành qua những năm tháng tuổi trẻ với sự chỉ bảo từ "người anh lớn" Nguyễn Phú Trọng. Và, quá trình lao động chăm chỉ đó đã cho ông một cuộc sống vững chãi và một sức khỏe dỏe dai, ở tuổi xấp xỉ 70 vẫn có thể lao động chân tay nhanh nhẹn.
Ông Tính cũng bảo rằng khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng, ông có thêm cơ hội rèn giũa trở thành người có những phẩm chất tốt hơn. Và, nếp sống học từ bác Trọng đã trở thành phương châm giáo dục của ông để truyền đạt cho các con của mình sau này. Đó là “con người nếu không đứng bằng đôi chân của chính mình sẽ không làm được điều gì cả.” Nhờ vậy, những người con của ông Tính đến này đều là những đảng viên và có những công việc phù hợp với năng lực của họ.
"Ngày 19/7, nghe tin anh Trọng bị bệnh không qua khỏi, tôi rất bàng hoàng và tiếc nuối. Sau cuộc gặp mặt vào năm 2005, anh Trọng có hẹn về khi hưu, hai anh em sẽ gặp mặt và hàn huyên, nhưng điều mong đợi đó đến nay đã không thể thực hiện. Là một công dân của nước Việt Nam, tôi luôn kính trọng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người lãnh đạo rất có tâm, có tố chất và tầm nhìn với phong cánh nhã nhặn, khiêm tốn và giản dị!," ông Tính nghẹn lời.../.