Người gánh chữ

Mới bão đầu mùa mà trường học, nhà cửa trên ấy đã bị đổ nát, bị cuốn trôi hết rồi. Thôi tính đường khác đi con à. Không theo nghề giáo thì theo nghề khác. Thiếu gì nghề hái ra tiền nuôi sống bản thân. Gì cứ phải là cái nghề gõ đầu trẻ cơ chứ!

- Nhưng con học 4 năm Sư phạm cũng chỉ vì mơ ước muốn được đứng trên bục giảng, được đem kiến thức mình học truyền lại cho các em học sinh. Giờ vì cái khó, cái khổ trước mắt mà từ bỏ thì sao nỡ hả mẹ?

- Là mẹ lo cho con nên mới nói thế. Nhà mình không giàu có nhưng cũng chẳng nghèo đến nỗi bắt con phải lận đận gánh chữ lên tận vùng sâu vùng xa khỉ ho cò gáy ấy, rồi có khi đánh mất cả tuổi thanh xuân tươi đẹp trên ấy cũng nên.

- Thôi mà bà! Cứ để con nó đi. Nghề nó chọn. Mơ ước bấy lâu của con... Tuổi trẻ mà. Cứ đi đi con à! Khó khổ cũng là thêm trải nghiệm cho mình trưởng thành. Cuộc sống phải như thế mới ý nghĩa chứ, bằng phẳng quá thì nhạt lắm! Mà nhạt thì còn có ý nghĩa gì nữa. Cứ như bố đây này... ngày xưa bố cũng như con bây giờ. Ông Hảo nhìn con rồi quay về nhấp chén trà, miệng chép chép, vẻ trầm ngâm. Những câu cửa miệng của bà Thảo đã thành quen mỗi khi thấy bố con ông Hảo đỡ lời cho nhau lại tiếp tục được thốt lên, nào là “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, hay “Giỏ nhà ai quai nhà nấy” rồi thì “Cha nào con nấy”...

- Xin phép bố mẹ, sáng mai con lên trường. Bão qua, các em học sinh trên ấy chắc đang mong các thầy cô ở dưới xuôi lên lắm. Với lại, năm học mới gần đến rồi, mọi thứ cũng phải được chuẩn bị. Chứng kiến bản nghèo bấy lâu đã đáng thương nay lại bị bão lũ tàn phá thê lương, làm sao những người thầy như chúng con lại có thể chỉ biết đứng nhìn. Hưng nói như phân trần với bố mẹ.

Hưng theo học nghề Sư phạm vì mong được như ông Hảo, bố anh. Nhưng thời của ông Hảo khác bây giờ. Ngày xưa, sau khi trở về từ chiến trường, ông Hảo thi vào trường Sư phạm và gắn bó gần 40 năm với bục giảng. Thời ấy học ra là có việc làm ngay, bởi đất nước sau chiến tranh cần nhiều những thầy cô dạy học. Ông Hảo được phân công dạy ở phố. Ông lấy vợ phố và lập nghiệp luôn ở phố. Còn bây giờ nghề gì học xong ra cũng phải chạy vạy đi xin việc. Sinh viên học ra trường có khối người phải đi phụ hồ, làm công nhân may mặc, bốc vác,... Hiếm ai may mắn được biên chế với nghề đã chọn. Trừ phi những vùng sâu vùng xa, vùng nghèo khó, chỉ mới nghe đến thôi, biết bao người đã lắc đầu, chậc lưỡi “Thà bỏ nghề chứ nhất quyết không bao giờ lên vùng đất chó ăn đá gà ăn sỏi, quanh năm chỉ quen với tiếng chim kêu vượn hú, ngay cả điện đài, mạng internet có khi cũng là quá xa xỉ. Ở trên ấy lâu rồi cũng thành “người rừng”...

Thế mà... cách đây một năm, Hưng cầm trong tay tấm bằng Cử nhân Sư phạm loại khá đi nộp hồ sơ thi khắp nơi, nhưng đều trượt. Ban đầu, cũng như suy nghĩ của bà Thảo, mẹ Hưng, anh cũng mong có công việc ổn định ở dưới phố. Nhưng hơn ba lần thi công chức đều không đậu, Hưng quyết định nộp hồ sơ thi vào một trường miền núi. Thế rồi, Hưng đậu và có giấy gọi lên nhận việc. Trong suy nghĩ của vợ chồng ông Hảo, Hưng hãy cứ dạy học ở trên đó một hai năm. Ðợi sau này có cơ hội, ông bà sẽ xin cho con về dưới phố.

Vợ chồng ông Hảo chỉ có hai đứa con. Hoa, chị gái Hưng thì lấy chồng, theo chồng vào Nam lập nghiệp. Còn mỗi Hưng là con trai, giờ lại công tác xa nhà. Thương con vất vả, lại lo cho tương lai sau này của con, đâm ra nhiều lúc bà Thảo đứng ngồi không yên.

Ðoạn đường từ nhà lên trường bình thường Hưng đi xe máy mất khoảng 3 tiếng đồng hồ. Vậy mà hôm nay, xuất phát từ nhà lúc 5 giờ sáng, giờ đã gần 12 giờ trưa, Hưng vẫn cùng chiếc xe máy chỉ mới dắt díu nhau đi đến nửa đường vào bản. Sau lũ, đường núi sạt lở. Xe máy thay vì chở người thì giờ người phải dắt xe. Cả hai nhích từng bước qua đoạn ngập bùn đất bê bết. Mệt bở hơi tai, Hưng vẫn cố gắng để cả người lẫn xe vượt qua được con dốc dài ngoằng trước khi vào bản.

- Thầy giáo đã lên với dân bản đấy à? Nhà chúng tôi bị cuốn trôi hết rồi. Trường học cũng bị sập. Lấy nơi đâu mà ở, mà học nữa! Một người dân bản đang đứng trước ngôi nhà tan hoang của mình, đôi mắt buồn rầu, vô vọng, buông lời hờ hững khi thấy Hưng khó nhọc vượt dốc.

- Rồi chúng ta sẽ lợp lại nhà, sẽ xây lại trường. Các bác sẽ lại có nhà ở. Các em học sinh sẽ lại được đến trường. Hưng mỉm cười, nói với giọng khích lệ, an ủi. Chỉ còn một đoạn ngắn nữa, Hưng sẽ đến điểm trường anh dạy. Từ xa, Hưng nhìn thấy thấp thoáng mấy em học sinh đang đứng tụm nhau nơi đầu dốc. Chúng í ới gọi tên anh. Hai, ba đứa còn lội bùn xuống tận nơi để đẩy xe cho thầy chúng. Ðứa cười vì được gặp lại thầy. Ðứa nghẹn ngào, mếu máo. Ðứa chỉ im lặng nhìn. Thằng Quá vốn là đứa nói nhiều nhất lớp, cũng là đứa thay mặt mấy đứa còn lại đưa ra thông báo với thầy:

- Thầy ơi, lũ to lắm. Trường bị sập hết rồi. Sách vở bị cuốn trôi hết rồi. Làm sao đi học được đây?

- Thầy ơi, nhà em bị lũ tràn vào trong đêm. Ðôi dép cũng chẳng còn nữa. Thầy xem này. Thằng Lếnh nghe Quá phân trần với thầy, nó cũng trở nên mạnh dạn. Nó còn không quên giơ bàn chân trần lấm lem bùn đất lên cho thầy thấy. Với cái áo mỏng dính, cái quần ngắn cũn đến tận bẹn, đôi mắt buồn thương của nó nhìn về phía Hưng khiến anh không khỏi bùi ngùi. Hưng bất chợt nhìn về phía con bé Vuông đang ngồi buồn thiu bên bãi cỏ ven đường, đôi mắt của nó nhìn xa xôi vào dòng nước xa xa dưới chân núi, đầu nó chít khăn tang trắng. Thấy Hưng, nó không cất tiếng chào, chỉ nhìn chằm chằm một lát rồi quay đi. Mặt thằng Quá, thằng Lếnh sụ xuống:

- Chắc con Vuông không học nữa đâu thầy ơi! Bố nó bị lũ cuốn trong đêm. Nhà nó cũng bị cuốn rồi. Mẹ và em nó giờ đang còn ở tạm trên lán kia kìa! Quá nhìn Vuông rồi nhìn thầy Hưng sau đó nó chỉ tay về phía mấy cái chòi xa xa, nơi những gia đình có nhà cửa bị lũ cuốn trôi, phá nát đang trú tạm; tiếng mấy đứa trẻ con nheo nhóc, khóc lóc vì đói, tiếng những người đàn bà, đàn ông trệu trạo bằng ngôn ngữ của người đồng bào, trên gương mặt ai nấy bơ phờ, rệu rã không muốn nhếch môi cười.

- Rồi sẽ qua thôi Vuông ạ. Em cố gắng lên! Hưng bước lại vỗ nhẹ vào vai con bé như một lời khích lệ động viên khiến nó cứ thế thút thít khóc.

Cả mấy thầy trò cùng đẩy chiếc xe máy bám đầy bùn đất vào tận sân trường. Trước mắt mấy thầy trò là cảnh hoang tàn, đổ nát. Cây cối ngả nghiêng, bật gốc, đứt cành. Mấy gian phòng học lâu nay vốn được làm tạm bằng gỗ ván ghép, mái prô xi măng giờ bị bão cuốn phăng. Hưng nhớ đến cảnh tượng của ngôi trường cách đây một năm, lần đầu tiên Hưng lên nhận việc. Ngày ấy, trong trí nghĩ của một giáo viên trẻ mới ra trường, Hưng đã từng có ý định trở về xuôi nhưng rồi chính nụ cười thơ ngây, câu nói ngô nghê cùng mong ước được học chữ của các em học sinh đã níu giữ chân Hưng ở lại. Và cả ở tấm lòng của người dân vùng núi qua những lon gạo, củ sắn, nải chuối chín; ván gỗ, bạt, giấy báo,... được mọi người quyên góp để xây dựng trường. Còn bây giờ, cảnh tượng trường học hiện tại còn thê lương gấp mấy lần năm trước. Hưng nhìn quanh trường một lượt, mọi thứ lặng lẽ đến lạnh người.

- Thầy Hưng lên rồi! Tôi cứ tưởng thầy sẽ không lên với bản nữa. Thầy Tánh, hiệu trưởng của trường dáng người gầy ốm đang lúi húi một mình dọn đống đổ nát, thấy Hưng liền bước đến, giọng buồn bã.

- Bão đến bất ngờ quá. Bà con không ai lường trước được. Trong bản hiếm có nhà nào còn nguyên vẹn. Thầy Tánh nói thêm.

- Mùa tựu trường sắp đến rồi. Chúng ta phải chung tay dựng lại ngôi trường để kịp cho các em học sinh đến lớp thầy ạ. Hưng nói bằng giọng quyết tâm.

- Nhưng...

- Có chúng tôi. Cả chúng tôi nữa! Từ ngoài cổng trường, thầy Thạnh, thầy Long, cô Hiền, một số phụ huynh và cả các em học sinh nữa đang cùng nhau bước vào. Trên tay, người cầm dao, người cầm rựa, cuốc, xẻng,... Thầy Tánh xúc động:

- Thế mà tôi... Thôi... thế bây giờ chúng ta cùng bắt tay vào việc! Lớn làm việc nặng, nhỏ làm việc nhẹ, tùy theo sức của mình! Thầy Tánh vừa hô hào, cả thảy mọi người cùng chung sức chung lòng. Vui nhất vẫn là mấy cô cậu học sinh vùng bản. Nhìn các em rạng rỡ vui cười, Hưng tin rằng sau cơn mưa trời lại sáng.

- Vuông! Vuông, chờ thầy đã.

- Mẹ không cho em học nữa đâu. Em phải ở nhà trông em cho mẹ lên rẫy mót ngô, mót sắn. Mẹ bảo cái ăn còn chưa đủ thì cái học không cần bây giờ. Thầy về đi!

- Em có thể cõng em đến trường học cùng mà. Thầy sẽ nói chuyện với mẹ em. Mẹ em sẽ đồng ý thôi.

- Nhưng em... em không có tiền mua sách. Em không có quần áo mặc đi học. Em... em không muốn gặp lại các bạn đâu.

- Thầy và các thầy cô trong trường sẽ giúp đỡ em. Chỉ cần em đến lớp thôi Vuông à! Vuông nép sau tấm phên che tạm nói vọng ra phía thầy giáo Hưng đang đứng. Quần xắn lên tận đầu gối, chân dính đất đỏ quạch, hai tay xách dép, Hưng mừng vì lần thứ ba tìm đến nhà Vuông, con bé mới chịu nói chuyện. Khi ló đầu ra khỏi tấm phên, thấy bóng thầy đã nhỏ dần phía con đường mòn men con suối nhỏ, Vuông mới cõng em bước ra. Nó nhìn mãi theo bóng thầy, đôi mắt rưng rưng như chực khóc.

Cũng gần một tháng ở bản, mãi bận với việc khắc phục lại trường học; đến từng nhà để vận động các em học sinh đi học lại, cả việc giúp đỡ bà con vùng đồng bào dựng lán, chòi, nhà mới, Hưng không liên lạc về nhà. Chiều nay, Hưng cuốc bộ một đoạn đường khá xa để ra được bưu điện xã, nơi có sóng điện thoại để gọi về hỏi thăm bố mẹ. Từ đầu dây bên kia, bà Thảo, mẹ Hưng hỏi han con trai đủ chuyện. Bà bảo:

- Dưới này, mẹ đi quyên góp được một ít sách vở, quần áo cũ. Sáng mai, nhân có đoàn thiện nguyện của Ðoàn thanh niên tỉnh mình lên bản, mẹ sẽ gửi lên cho con và các cháu học sinh trên ấy.

- Dạ. Con cảm ơn mẹ!

Niềm vui đến với những cô cậu học trò trường bản trong ngày tựu trường một sáng đầu thu. Tuy vẫn còn đó rất nhiều những khó khăn nhưng chính sự chung tay góp sức của nhà trường và người dân bản đã mang đến cho các em niềm tin và hạnh phúc. Những đôi dép mới, cặp mới; những bộ quần áo, sách vở dù đã cũ,... cùng những cái nắm tay, những nụ cười trao nhau khiến ai nấy đều cảm thấy ấm lòng. Trong số rất nhiều những nụ cười lấp lánh ấy, có cả con bé Vuông. Tay nó ôm chồng sách vở, nó nhoẻn miệng cười nhìn Hưng:

- Em sẽ cố gắng học tốt! Hưng nhìn cô bé, nhìn những cô cậu học sinh của mình trong niềm vui phơi phới, lòng anh bỗng rộn lên tình yêu thương, ấm áp trở lại.

Truyện ngắn củaThu Ðình

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/van-hoa/171996/nguoi-ganh-chu