Người ghi hình ảnh ngày chiến thắng

Mùa xuân thứ 45 kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Với Nghệ sĩ nhân dân Đặng Xuân Hải - người sở hữu những thước phim quý giá của một thời đạn bom, ký ức còn vẹn nguyên. Ông chia sẻ, ông được tiếp lửa từ chính những tháng ngày vào sinh ra tử vác máy quay trên vai, ghi lại từng khoảnh khắc nơi chiến trường, đặc biệt là ngày chiến thắng 30-4-1975. Và nay, ông vẫn say sưa với nghề làm phim, cống hiến hết mình trên cương vị Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam.

24 giờ vác máy trên vai

Xúc động biết bao khi cùng Nghệ sĩ nhân dân Đặng Xuân Hải mở lại những thước phim lịch sử quý giá mà ông ghi được trong những tháng năm lăn lộn ở khắp các chiến trường. Dù còn đang tất bật nhiều công việc của hội, nhưng người nghệ sĩ - chiến sĩ ấy vẫn sẵn lòng dành cả buổi chiều để chia sẻ về những bước chân với đôi vai nặng trĩu máy quay cùng thiết bị đi kèm tiến vào miền Nam 45 năm trước.

“Qua Tết Nguyên đán Ất Mão 1975, khi đang công tác ở Điện ảnh Quân đội nhân dân, biết có nhiều đoàn quay phim từ Hà Nội lên đường vào các chiến trường, tôi cũng có phần sốt ruột… Đã vào tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, rồi vào Quảng Trị năm 1972, tôi mong tiếp tục ghi lại những thời khắc lịch sử của cuộc kháng chiến… Thế rồi cuối tháng 3, tôi được lệnh cùng đồng nghiệp dưới sự chỉ huy của đồng chí Trần Việt, khi ấy là quyền Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân, hành quân vào Nam. Tuy chưa biết điểm đến cụ thể, song ai cũng hừng hực khí thế, sẵn sàng quân trang, máy quay và các thiết bị lên đường”, Nghệ sĩ nhân dân Đặng Xuân Hải hồi tưởng.

Được bố trí đi bằng hai xe tiến thẳng vào miền Nam nên nhà quay phim Đặng Xuân Hải đoán rằng sẽ vào khu vực trọng điểm. Khi đến Lộc Ninh (Bình Phước), ông chắc chắn mình đi dần đến mục tiêu đầu não, nên luôn chú ý chuẩn bị chu đáo máy quay, phim, ắc quy… Từ ngày 27-4-1975, đoàn chia làm nhiều tổ, trong đó tổ của Nghệ sĩ nhân dân Đặng Xuân Hải mà ông là quay phim chính, cùng 2 đồng nghiệp, theo Đoàn 232 (Binh đoàn Cửu Long) tiến vào Sài Gòn. Dọc đường đi, ông quay được nhiều thước phim quý và cảm động, như cảnh bộ đội và người dân làm bè gỗ, trải cây đước lót đường cho đoàn xe tăng của ta vượt qua khu vực đầm lầy của sông Vàm Cỏ; người dân chèo thuyền chở bộ đội sang sông; cảnh bốt địch bị tiêu diệt... Đêm 29-4-1975, mỗi người được phát một nắm cơm để hành quân cùng bộ binh. “Cảm nhận những thời khắc trọng đại đang đến gần, từ lúc ấy, tôi luôn vác sẵn máy trên vai để có thể bắt được mọi hình ảnh”, nhà quay phim chiến trường cho biết.

Hành quân suốt đêm, đến hơn 8h ngày 30-4-1975, đoàn vào đến cầu Bông - huyết mạch giao thông nối liền Sài Gòn và Gia Định khi đó, thì đụng độ với địch. Các chiến sĩ dàn trận chiến đấu và nhà quay phim Đặng Xuân Hải đã ghi được hình ảnh quân ta phá tan chốt chặn cầu Bông, tiến thẳng vào Sài Gòn. Lúc này, xe của tổ quay phim dưới sự chỉ huy của Nghệ sĩ nhân dân Trần Việt hướng đến ngã tư Bảy Hiền, rồi Bộ Tổng tham mưu quân lực chính quyền Sài Gòn.

Trên đường đi, nghệ sĩ Đặng Xuân Hải đã thỏa thuê quay cảnh người dân đổ ra đường vẫy chào, bộ đội ta kéo vào từ các ngả, có cả cảnh quần áo, tư trang của quân đội Sài Gòn vứt la liệt trên đường… Ông chia sẻ: “Khí thế ấy, tôi đã chắc quân ta chiến thắng rồi, niềm xúc động, sung sướng dâng trào, chỉ muốn quay thật nhiều hình ảnh mà mình biết sẽ đi vào lịch sử”.

Vì lần đầu vào Sài Gòn, không ai biết đường, nên tổ quay phim hỏi mãi mới đến được Dinh Độc Lập. Lúc ấy là 12h30 ngày 30-4-1975, xe tăng của Quân giải phóng đã húc đổ cổng, hiên ngang giữa Dinh Độc Lập. Đến giờ, nhà quay phim Đặng Xuân Hải vẫn tiếc vì không đến kịp để quay cảnh trọng đại ấy. Bù lại, ông và nhà quay phim Bùi Xuân Thiện đã ghi được những hình ảnh về Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh và toàn bộ nội các sau khi họ đầu hàng vô điều kiện.

Song thú vị nhất, theo Nghệ sĩ nhân dân Đặng Xuân Hải, là cả chiều 30-4-1975 được gặp gỡ người dân, quay cảnh bà con đổ ra khắp các ngả đường chào đón bộ đội. “Nhiều nhất là thanh niên, họ hò reo, vẫy tay ríu rít. Có nhiều người háo hức chạy lại để “xem” bộ đội giải phóng như thế nào. Họ hỏi han, ồ à rằng không nghĩ anh giải phóng “lại trắng trẻo, thư sinh thế”. Rồi họ mời chúng tôi uống nước, sờ mũ sao vàng, níu áo rất vui vẻ”, ông kể.

Say sưa, vội vã quay phim suốt từ đêm hôm trước, quên cả ăn uống, đến tối 30-4-1975, tạm hài lòng về những hình ảnh ghi lại, tổ quay phim được mời về một gia đình cơ sở để ăn cơm. Bữa cơm đầu tiên ngày giải phóng chỉ có canh chua miền Nam và cơm nóng, nhưng với Nghệ sĩ nhân dân Đặng Xuân Hải và đồng đội, đồng nghiệp của ông, đó là bữa cơm ngon và đáng nhớ nhất trong cuộc đời.

Những thước phim đi cùng năm tháng

Nghệ sĩ nhân dân Đặng Xuân Hải sinh năm 1944, quê ở Xuân Trường, Nam Định. Xuất thân trong một gia đình có nhiều thế hệ tham gia hoạt động cách mạng, nên trong ông thấm đẫm tinh thần yêu nước, mong muốn được góp sức cho hòa bình, thống nhất đất nước. Nghệ sĩ nhân dân Đặng Xuân Hải gia nhập quân đội trong hàng ngũ bộ binh, tham gia chiến trường Trị Thiên từ năm 1964. Vì được người thân chỉ cho biết về máy ảnh từ nhỏ, nên khi đơn vị cần người biết chụp ảnh, ông xung phong chụp và tráng rửa những bức ảnh chất lượng tốt. Vì vậy, đơn vị giao cho ông nhiệm vụ chụp ảnh, quay phim ở chiến trường sau khi được tập huấn chuyên môn 3 tháng. Nghệ sĩ nhân dân Đặng Xuân Hải chia sẻ: “Trưởng thành từ bộ đội bộ binh, nên khi vác máy quay trên vai, tôi vận dụng phản xạ, động tác của chiến sĩ, từ lăn, lê, bò cho đến di chuyển, ẩn nấp, tiến công…”.

Cùng trong những đoàn quay phim chiến trường tham gia và ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh vào ngày 30-4-1975 lịch sử, Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh cho biết: “Có lăn lộn nơi chiến trường ác liệt đầy bom đạn mới hiểu được ý chí, tâm huyết, sự quả cảm của những người quay phim. Nghệ sĩ nhân dân Đặng Xuân Hải ghi được nhiều thước phim giá trị như thế, chắc chắn đã phải vất vả, hy sinh rất nhiều. Ông xứng đáng được tôn vinh”.

Thế nhưng, nhà quay phim Đặng Xuân Hải vẫn cho rằng, mình là một người may mắn, chỉ bị thương một lần ở chiến trường Trị Thiên năm 1968, còn lần nào cũng được tạo điều kiện từ các đơn vị, chiến sĩ giải phóng, đồng nghiệp, bà con để hoàn thành công việc ý nghĩa nhất của người làm điện ảnh - quay những thước phim chân thực, giá trị, chất lượng.

Mỗi khi hồi tưởng lại những năm tháng chiến tranh khốc liệt, nhà quay phim Đặng Xuân Hải lại thấy bồi hồi. Ông kể rằng, đêm 30-4-1975 ấy, ông không sao ngủ được. Vui vì miền Nam được giải phóng, đất nước hòa bình, ông cũng hoàn thành nhiệm vụ với nhiều thước phim giá trị. Song, ông cũng rất buồn khi nghĩ về những đồng nghiệp, đồng đội đã hy sinh trong khi tham gia chiến đấu để đất nước được có ngày thống nhất…

Chính vì thế, sau này, Nghệ sĩ nhân dân Đặng Xuân Hải đã trở thành đạo diễn, nhà làm phim chuyên về đề tài chiến tranh cách mạng. Có thể kể đến các phim ông thực hiện với vai trò đạo diễn là “Thị xã vẫn yên tĩnh”, “Nước mắt nụ cười”, “Đường mòn Hồ Chí Minh - Đường Trường Sơn”, “Mùa xuân toàn thắng”, “Cột mốc vàng Điện Biên Phủ”… Ngoài làm phim, ông còn là Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân giai đoạn 1995-2005 và giữ cương vị Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam đã 2 nhiệm kỳ nay.

Vừa xem lại từng thước phim ngày chiến thắng, Nghệ sĩ nhân dân Đặng Xuân Hải vừa thuyết minh và kể thêm nhiều kỷ niệm. Với ông, mỗi khi nhớ về mùa xuân 45 năm trước, lại như có một ngọn lửa hồng len lỏi, thôi thúc ông tiếp tục cống hiến. Giờ đây, ở tuổi 75, ông vẫn đau đáu với điện ảnh nước nhà. Nghệ sĩ nhân dân Đặng Xuân Hải cho biết, chừng nào còn sức khỏe, ông còn muốn hỗ trợ những người hoạt động điện ảnh bây giờ làm ra những bộ phim hay, nhất là phim về đề tài chiến tranh cách mạng.

Yên Nga

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/956209/nguoi-ghi-hinh-anh-ngay-chien-thang