Người ghi nhật ký tác chiến trong những ngày đại thắng

Cứ mỗi độ tháng Tư về, trong lòng ông Nguyễn Hoàng Vỵ, nguyên là cán bộ trực ban tác chiến tại Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh lại trào lên những cảm xúc khó diễn tả thành lời. Ông Vỵ là người đã ghi chép sổ trực ban chiến dịch, theo sát từng diễn biến của những ngày đại thắng mùa xuân 1975. Đã 40 năm trôi qua, trong ông vẫn vẹn nguyên cảm xúc vỡ òa khi nhận tin chiến thắng.

Ông Vỵ trở lại căn cứ Căm Xe.

Ông Vỵ trở lại căn cứ Căm Xe.

Bất cứ khi nào có cơ hội là ông Vỵ lại trở lại thăm căn cứ Căm Xe (thuộc xã Minh Thắng, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương), nơi đặt Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh. Căn cứ Căm Xe năm nào đã được phục dựng lại với những dãy nhà lá, chòi canh, hầm chỉ huy, tất cả như nguyên vẹn. Mọi thứ đơn sơ đến mức khiến người tham quan khó có thể hình dung được những người lãnh đạo quật cường đã một thời ở một nơi như thế này mà có thể chiến thắng đế quốc Mỹ. Ngắm nghía những kỷ vật một thời đã gắn bó, ông Vỵ kể cho chúng tôi nghe về những ngày mà ông gọi là "trước cửa bình minh chiến thắng".

Suốt những ngày diễn ra chiến dịch, ông Vỵ đã ở căn cứ Căm Xe với nhiệm vụ trực ban tác chiến, ghi chép, tổng hợp tình hình mới nhất để phục vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo của cấp trên. Đó là những đêm gần như không ngủ, đặc biệt là khi các đơn vị ngày càng áp sát Sài Gòn, tất cả mọi người hầu như thức trắng đêm bởi lo lắng trước con số thương vong của bộ đội khi gặp sự phản kháng quyết liệt của địch, hay vì vui sướng khi quân ta báo tin thắng trận.

Khi các các đơn vị chưa kịp báo cáo, ông lại chủ động gọi điện, xem đã hành quân đến đâu, đánh những khu vực nào. Trong đó, có những số liệu cụ thể, thời gian cụ thể và những thời điểm giải phóng từng mảnh đất, từng địa phương. Ông đã cùng đồng đội ghi lại những giờ khắc thiêng liêng nhất. Cứ như vậy, có hôm đến tận sáng vì 6 giờ phải có đầy đủ thông tin báo cáo Bộ Chỉ huy vạch phương án tác chiến.

Ông Vỵ nhớ như in giây phút nhận tin báo ngày 30-4-1975. Ngay tại căn hầm chỉ huy này, 9 giờ 30 phút sáng hôm đó, ông là người đầu tiên ở Sở chỉ huy nhận được điện báo từ Phòng Tình báo, Bộ Tư lệnh Miền về việc Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh đã đầu hàng. Sau phút trấn tĩnh, ông đã đi như chạy vào phòng chỉ huy để báo cáo. Ông đứng đó báo cáo mà nước mắt như muốn trào ra vì hạnh phúc. Cả hội trường lặng đi, rồi như nhận ra đây là sự thật, tất cả mọi người đều đứng dậy, vỗ tay hoan hô và ôm nhau, nhiều người đã bật khóc.

Bút tích của ông Vỵ trong cuốn sổ trực ban tác chiến của Sở chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh.

Bút tích của ông Vỵ trong cuốn sổ trực ban tác chiến của Sở chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh.

Một "lễ liên hoan" đã diễn ra ngay tại hầm Sở chỉ huy. Ngay sau giây phút ăn mừng chiến thắng, Bộ Tư lệnh chỉ huy chiến dịch đã thảo lệnh chỉ đạo các cánh quân tiếp tục tấn công buộc địch đầu hàng, không chấp nhận bàn giao chính quyền. Theo ý của đồng chí Lê Đức Thọ thì "Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, nhưng yêu cầu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam vào bàn giao là vô lý, bởi họ còn gì mà bàn giao, bây giờ mình đã chiến thắng. Chúng ta phải yêu cầu Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện".

40 năm sau ngày đất nước thống nhất, ông Nguyễn Hoàng Vỵ tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ tại nhiều đơn vị khác nhau. Người lính năm xưa, nay chân đã chậm, mắt đã mờ, sức khỏe giảm sút bởi những vết thương chiến tranh để lại, nhưng ký ức về chiến thắng 30-4 trong ông vẫn vẹn nguyên. Mỗi lần nhớ lại, kể lại hoặc trở lại căn cứ Năm Xe, ông đều cảm thấy tự hào biết bao khi mình được sống trong những giây phút lịch sử hào hùng của đất nước.

Bởi vậy, ông luôn trân trọng những kỷ vật đã gắn bó với ông trong suốt thời gian công tác bằng việc lưu giữ nhiều kỷ vật liên quan đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đến năm 2006, ông đã bàn giao toàn bộ số kỷ vật ấy cho Bảo tàng Quân khu 7, nay là Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ.

Đại tá Nguyễn Duy Thiệu, Giám đốc Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ cho biết: Hằng năm, Bảo tàng đón hàng ngàn du khách đến tham quan, trong đó có rất nhiều du khách quốc tế, những cựu quân nhân đã từng chiến đấu tại Việt Nam. Mỗi dịp đất nước kỷ niệm ngày thống nhất nước, Bảo tàng không chỉ đón khách là các cựu binh, mà còn rất nhiều các cháu thanh, thiếu niên đến tìm hiểu về truyền thống vẻ vang mà cha ông mình đã sống và chiến đấu.

Nhà lưu niệm khu di tích Căm Xe hiện còn lưu giữ nhiều kỷ vật, tư liệu liên quan đến chiến dịch Hồ Chí Minh. Đó là những bức ảnh quý ngày 30-4-1975 tại Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong bức ảnh này, các đồng chí Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng và các cán bộ của Sở chỉ huy chiến dịch đang lắng nghe Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng từ chiếc đài cát-xét nhỏ.

Còn đây là cuốn sổ trực ban chiến dịch Hồ Chí Minh. Cuốn sổ dày 54 trang đã úa màu thời gian, chứa đựng tất cả những thông tin về tình hình chiến sự quân ta và quân địch, tình hình lương thực, vũ khí, các mũi tấn công, các mục tiêu chính tại Sài Gòn trong 6 ngày cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh, từ ngày 26-4 đến 30-4-1975. Cuốn sổ này do chính ông Nguyễn Hoàng Vỵ và ông Lê Bá Han tổng hợp từng ngày... Đó là những tư liệu vô cùng quý giá minh chứng cho lịch sử hào hùng của dân tộc gửi đến bạn bè trên thế giới và cho các thế hệ trẻ mai sau.

Trúc Hà - Băng Tâm

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nguoi-ghi-nhat-ky-tac-chien-trong-nhung-ngay-dai-thang/