Người già, trẻ nhỏ nhập viện gia tăng khi trời rét đậm, rét hại
Miền Bắc đang trải qua những ngày lạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay, có nơi xảy ra rét đậm, rét hại. Trong những ngày này, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh phải nhập viện điều trị tăng hơn so với bình thường.
Người cao tuổi đến khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.
Bệnh đường hô hấp, tim mạch gia tăng...
Trời rét những ngày này làm gia tăng trẻ nhập viện do cúm A. Chỉ tính từ tháng 10-2020 cho đến đầu tháng 12-2020, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi trung ương) tiếp nhận 820 trẻ nhập viện vì bị cúm nặng. Đa phần trẻ dưới 3 tuổi mắc bệnh và chưa được tiêm vắc xin phòng cúm.
Trẻ nhỏ mắc cúm được điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi trung ương).
Tiến sĩ Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội nhiễm, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, để phòng lây nhiễm chéo, trung tâm đã dành riêng nhiều phòng để điều trị bệnh nhân cúm, cách ly với những ca bệnh khác.
Cũng theo Tiến sĩ Đỗ Thiện Hải, bệnh cúm mùa (cúm A và B) có thể gây dịch theo vùng hoặc diện rộng, gây viêm đường hô hấp với các biểu hiện, như: Sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng... Bệnh có thể tự khỏi sau 3-5 ngày. Tuy nhiên, những trẻ có bệnh mạn tính, như: Hen phế quản, viêm phế quản co thắt, bệnh chuyển hóa, thiếu máu, suy giảm miễn dịch... dễ diễn biến nặng, gặp nhiều biến chứng và có thể tử vong. Ngoài biến chứng gây viêm phổi, viêm não, gần đây trung tâm bắt đầu ghi nhận những ca biến chứng viêm cơ tim. Bệnh nhi bị viêm cơ tim sau cúm thường có biểu hiện sốt cao, đau ngực, bụng, buồn nôn, nhịp tim nhanh và tử vong đột ngột.
Không chỉ trẻ nhỏ mà trong những ngày lạnh như hiện nay, người già nhập viện cũng gia tăng. Bệnh viện Lão khoa trung ương đã tiếp nhận khoảng 300 bệnh nhân cao tuổi điều trị nội trú/ngày, trong đó có khoảng 100 người điều trị tại Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực. Trong số đó, có 30% bệnh nhân gặp các vấn đề về hô hấp, 35% bệnh liên quan đến tim mạch, 25% xương khớp và những bệnh khác. Đặc biệt, tại Bệnh viện Lão khoa trung ương, số người nhập viện do đột quỵ vào mùa đông chiếm 70-80% tổng số bệnh nhân điều trị trong năm.
Còn tại Bệnh viện Hữu Nghị, số lượng bệnh nhân cao tuổi nhập viện tăng 15-20% so với ngày bình thường, chủ yếu là bị bệnh viêm đường hô hấp, như: Viêm họng, viêm mũi dị ứng, hen suyễn, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính.
Các cách phòng bệnh cho trẻ khi trời lạnh
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đắc Hanh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, không khí lạnh sẽ làm niêm mạc đường thở hanh khô, là điều kiện thuận lợi cho vi trùng, vi rút dễ thâm nhập nên trẻ dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp. Do vậy, để phòng bệnh, cần cho trẻ uống nước đầy đủ để niêm mạc đường thở luôn có độ ẩm. Ngoài ra, cần giữ ấm cho trẻ bằng cách mặc ấm, tránh bị gió lùa. Nên cho trẻ rửa tay thường xuyên để phòng bệnh viêm đường hô hấp. Một điều cũng cần lưu ý nữa là không để trẻ tiếp xúc với những người đang bị bệnh.
Không chỉ với trẻ nhỏ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đắc Hanh lưu ý, trong các bệnh mà người cao tuổi dễ mắc phải khi trời lạnh, như: Cảm lạnh, viêm họng, viêm phổi, hen suyễn, đau khớp, tim mạch... thì cần cảnh giác với bệnh cúm. Người cao tuổi có bệnh nền, như: Đái tháo đường, bệnh thận, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)... nếu mắc thêm cúm dễ dẫn đến nguy cơ biến chứng, thậm chí tử vong.
"Trong những ngày trời lạnh, các cụ không nên tản bộ hoặc đi thể dục ngoài trời quá sớm hoặc quá muộn, không nên tắm và gội cùng thời điểm. Người già nên tắm ở nơi kín gió và tránh tắm quá lâu. Khi cơ thể có những dấu hiệu bất thường, như: Sốt, người gai lạnh, thân nhiệt tăng hay hạ... cần phải đến gặp bác sĩ để có những chỉ định hợp lý", bác sĩ Nguyễn Đắc Hanh khuyến cáo.
Để phòng tránh bệnh cho trẻ khi trời lạnh, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) nhấn mạnh, trẻ nhỏ, nhất là với trẻ sơ sinh, cần được giữ đủ ấm miệng, mũi, cổ và chân. Vấn đề chăm sóc dinh dưỡng, tiêm chủng, rửa tay sạch sẽ cho trẻ luôn phải được quan tâm. Khi trẻ bị ho kéo dài cần đưa trẻ đến phòng khám chuyên khoa để được bác sĩ can thiệp, không nên tự điều trị tại nhà. Nhiều trường hợp trẻ nhiễm vi rút nhưng người lớn tự ý cho dùng kháng sinh khiến bệnh không đỡ mà còn nặng lên vì không được điều trị đúng cách. Ngoài ra, cần chú ý không ủ ấm trẻ quá mức khiến mồ hôi túa ra, ngấm ngược vào người, dễ gây viêm phổi.
Bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ (Bệnh viện Lão khoa trung ương) cho biết, thời tiết lạnh là mối nguy hàng đầu với người cao tuổi có tiền sử tăng huyết áp, nguy cơ dẫn đến tai biến, đột quỵ, tử vong, nếu không xử trí kịp thời. Nguyên nhân là do người già sức đề kháng suy giảm, nên cơ chế điều hòa mạch máu não kém, nhiều khi ngồi dậy đột ngột, kết hợp thời tiết lạnh nửa đêm về sáng, dẫn đến đột quỵ. Ngoài ra, những người mắc bệnh mạn tính, nhất là tăng huyết áp cần nhớ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Người cao tuổi cần tránh ra ngoài trời lạnh hay đột ngột từ phòng ấm ra ngoài trời lạnh, vì nhiệt độ chênh lệch đột ngột dễ khiến người cao tuổi đột quỵ.