Người 'giải cứu' các thiên thần
Chứng kiến nỗi đau của nhiều sản phụ phải từ biệt đứa con bé bỏng ngay cả khi chúng chưa chào đời, bác sĩ Nguyễn Thị Sim cùng các y sĩ, bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội quyết tâm làm điều gì đó để có thể cứu các em bé ngay từ trong bào thai.
Thành công từ trăn trở
Năm 2017, khi nhận Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử và kỹ thuật laser quang đông ở thai phụ mắc hội chứng truyền máu song thai và dải xơ buồng ối”, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khi đó là GS. Nguyễn Duy Ánh cùng các cộng sự, trong đó có TS. Nguyễn Thị Sim, dù rất vui mừng vì từ đây sẽ mở ra cánh cửa cứu sống nhiều em bé trong bụng mẹ, song cũng rất trăn trở, lo lắng bởi chưa có cơ sở nào trong nước thực hiện kỹ thuật này.
Kỳ vọng lớn, kéo theo áp lực nặng nề, song không vì thế mà các y, bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nản chí. Để chuẩn bị nhân lực trực tiếp thực hiện kỹ thuật, tháng 5/2017, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cử TS. Nguyễn Thị Sim đi học tập, chuyển giao kinh nghiệm về can thiệp bào thai một thời gian dài tại những bệnh viện hàng đầu của Pháp.
Theo chia sẻ của nữ bác sĩ tài ba, bản thân là chị trải qua hai lần sinh nở với muôn vàn khó khăn. Một lần bị băng huyết, tính mạng nguy cấp; lần khác thì hết ối, sinh non. Hơn ai hết, chị thấu hiểu nỗi đau của các sản phụ không may mắc biến chứng khi mang thai. “Khi được Bệnh viện cử đi học, tôi rất vui và tự hào. Tôi đã dành hết thời gian, tâm sức để tiếp thu kiến thức, với hy vọng, khi về nước sẽ đem những điều mình học được giúp ích cho các sản phụ”, TS. Sim xúc động nhớ lại.
TS. Sim chia sẻ, dẫu tràn đầy hy vọng, song kiến thức lý thuyết này còn quá mới mẻ, chưa được thực hành ở Việt Nam, khiến chị cũng có chút hoang mang.
Tinh thần học tập nghiêm túc của nữ bác sĩ trẻ được các giáo sư tại Pháp rất yêu quý, sẵn sàng tặng những giáo trình rất quý giá, thậm chí cung cấp cả những bộ dụng cụ can thiệp đắt tiền, từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng để thực tập.
Đặc biệt, chị được GS. Yves Ville, Khoa Sản và Y học bào thai (Bệnh viện Necker - Enfants Malades Paris) - người đầu tiên can thiệp y học bào thai bằng nội soi - cho phép tham gia cùng ê- kip tiến hành các ca mổ. Đây là niềm tự hào lớn của chị trong quá trình học tập tại quốc gia có nền y học phát triển bậc nhất này.
Sau 3 tháng học tập, thực hành dưới sự cầm tay chỉ việc của đội ngũ chuyên gia can thiệp bào thai hàng đầu thế giới, TS. Nguyễn Thị Sim tự tin làm chủ kỹ thuật và càng say mê lĩnh vực này hơn. Ngay khi trở về nước, chị bắt tay ngay vào công tác triển khai ứng dụng kỹ thuật can thiệp bào thai tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Để bắt đầu hành trình nhân văn, TS. Sim đã làm việc suốt ngày đêm để kịp hoàn thành bản báo cáo dày hơn 200 trang, đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt Đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử và kỹ thuật laser quang đông ở thai phụ mắc hội chứng truyền máu song thai và dải xơ buồng ối”.
Hiệu quả đạt được của chúng tôi ngang tầm thế giới, với 84,9% bé được cứu sống. Sản phụ sau can thiệp được theo dõi rất sát tới khi sinh con. Các em bé không chỉ được chào đời khỏe mạnh, mà còn được đánh giá về sức khỏe bằng thăm khám sau từng tháng chào đời. Chúng tôi còn chụp MRI để xem bé có tổn thương sơ sinh nào không.
-TS. Nguyễn Thị Sim, phụ trách Trung tâm Sàng lọc (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội)
Đây không chỉ là một bước tiến của kỹ thuật sản phụ khoa tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và cả nước, mà còn thể hiện tinh thần nhân văn sâu rộng, ý nghĩa to lớn, nhằm tăng cơ hội được cứu sống, điều trị cho các thai nhi ngay từ trong bụng mẹ. Nhận được cái gật đầu của hội đồng, tập thể Bệnh viện đặt quyết tâm cao nhất phải chinh phục bằng được đỉnh cao này.
Sau nhiều chuẩn bị, chiều ngày 4/10/2019, kíp mổ gồm các giáo sư hàng đầu châu Âu (đến từ Pháp) và các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã thực hiện thành công hai ca phẫu thuật trong buồng ối cho hai sản phụ mang song thai chung bánh rau. Hai sản phụ được lựa chọn đầu tiên đều mang song thai và mắc hội chứng truyền máu, trong đó một ca ở giai đoạn muộn.
Trước đó, rất nhiều sản phụ đành chịu mất cả hai con khi gặp bệnh lý này, hoặc nếu giữ được một thai thì cũng có nhiều biến chứng. Với kỹ thuật mới, các bác sĩ đã cắt đứt tình trạng truyền máu để điều trị khỏi biến chứng nguy hiểm đó.
Qua thời gian, nhờ sự nỗ lực của ê-kíp, đến nay, đã có hơn 100 ca bệnh được các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, trong đó có TS. Nguyễn Thị Sim, cứu sống kỳ tích từ khi còn trong bụng mẹ. Rất nhiều ca nặng, điển hình của hội chứng truyền máu song thai, dải xơ buồng ối được can thiệp thành công.
Nỗ lực “vén” bức màn bí ẩn của khoa học
Hơn 15 năm theo ngành sản khoa, đỡ đẻ cho hàng ngàn sản phụ, nhưng với TS. Nguyễn Thị Sim, phụ trách Trung tâm Sàng lọc (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội), những bào thai cứu sống bằng can thiệp qua buồng ối luôn là những đứa con đặc biệt mà chị luôn theo dõi, đồng hành trong suốt hơn 3 năm qua.
Trong số hàng trăm sản phụ đến với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội được can thiệp thành công, có rất nhiều trường hợp mà cơ hội làm mẹ mong manh như ngọn đèn trước gió do gặp nhiều bệnh lý. Vì thế, họ chỉ còn con đường cuối cùng là can thiệp bào thai để cho các bé một cơ hội sống.
Trao đổi với phóng viên, nữ tiến sĩ cho biết, bà rất nhớ ánh mắt của một sản phụ đã vô sinh tới 10 năm và lần đầu tiên có cơ hội hy vọng làm mẹ, thì lại rơi vào tình trạng thiểu ối. Buồng ối như bị hút chân không, em bé không thể cựa quậy. Sức ép khiến tuần hoàn của em bé bị đảo ngược và đứng trước cửa tử.
Chứng kiến sự tuyệt vọng của sản phụ, nữ bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội quyết tâm, nhưng không dám hứa hẹn vì áp lực quá lớn. Nếu chị không làm gì, thai sẽ chết lưu, người mẹ ở tuổi khá cao, hầu như không còn hy vọng. Và có lẽ nhờ sự quyết tâm của các bác sĩ và gia đình đã cho bé cơ hội được sống thêm lần nữa. Ca can thiệp truyền ối vào bào thai thành công hơn cả kỳ vọng.
“Cả ê-kíp mừng đến phát khóc, khi thai bắt đầu cử động lại, uống nước ối ừng ực và tuần hoàn dây rốn hết chèn ép. Hơn thế nữa, em bé đã giữ được đủ tuần thai để chào đời”, TS. Sim xúc động kể lại.
Hạnh phúc của người làm nghề sản khoa chính là được nhìn những sinh linh bé bỏng phát triển từng ngày. Và càng hạnh phúc hơn khi chị nhận được không biết bao nhiêu tin nhắn cảm ơn, bày tỏ sự yêu quý, trân trọng của các gia đình có con được chị và các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cứu sống thần kỳ.
Sau khi cứu các em thoát khỏi lằn ranh sinh tử, quá trình chăm sóc các con cũng được nữ bác sĩ và nhân viên y tế tại đây theo sát từng ngày. Theo đó, các em bé can thiệp bào thai đều được Bệnh viện hẹn tái khám định kỳ để theo dõi. Các bé còn được thăm khám chuyên sâu, thậm chí chụp MRI để xem não bộ bé có bị ảnh hưởng sau khi can thiệp không. Bác sĩ sản còn kiêm luôn cả bác sĩ dinh dưỡng để tư vấn cho các bà mẹ về thực đơn dinh dưỡng, về sản phẩm sữa, thuốc tốt nhất cho các bé nhằm hỗ trợ thêm cho các bé phát triển khỏe mạnh.
Thực hiện kỹ thuật đỉnh cao, nhưng tâm niệm của nữ bác sĩ là luôn mong có thêm nhiều bác sĩ khác thực hiện được, từ đó có thêm nhiều thiên thần được chào đời. Trong quá trình đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, TS. Sim luôn nhấn mạnh, không phải cứ học kỹ thuật can thiệp là có thể tiến hành phẫu thuật trong bào thai cho sản phụ. Các bệnh viện cần chuẩn bị tốt từ công tác nhân sự, cơ sở vật chất và hơn hết là cái tâm vì sản phụ của các y, bác sĩ.
Thiết nghĩ, với mỗi bác sĩ, tâm niệm nghề y là cứu người, nên khi cứu được bất kỳ thai nhi nào đứng ở cửa tử, họ đều hạnh phúc hơn hết, vì có thêm một sinh linh được có cơ hội sống. Sự chào đời khỏe mạnh của một bào thai không chỉ là câu chuyện của một số phận con người, mà còn là câu chuyện của cả một thế hệ. Những bước đi chập chững, nụ cười giòn tan của các bé được can thiệp bào thai ngày nào là lời cảm ơn ý nghĩa nhất dành cho các y, bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nói chung và nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Sim nói riêng. Và hạnh phúc của những người làm nghề y như TS. Nguyễn Thị Sim đôi khi chỉ giản đơn như vậy.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nguoi-giai-cuu-cac-thien-than-d208767.html