Người giao tiếp kém nên lựa chọn học ngành nào?
Những người giao tiếp kém thường gặp nhiều khó khăn khi đưa ra quyết định lựa chọn ngành học phù hợp với bản thân.
Đến thời điểm hiện tại vẫn còn không ít bạn trẻ gặp phải trở ngại trên con đường tìm ngành học phù hợp với bản thân. Đặc biệt là người có khả giao tiếp yếu hơn những người xung quanh.
Để biết được ngành nghề nào phù hợp với những bạn trẻ không giỏi trong khoản giao tiếp, chúng ta hãy cùng tham khảo nội dung bài viết dưới đây.
Ngành Luật
Nếu bạn là người không giỏi trong giao tiếp nhưng học tốt các môn khối C có thể lựa chọn theo học nhóm ngành Luật. Sau khi ra trường bạn có thể làm tại vị trí pháp chế hay hành chính nhân sự, các công ty, doanh nghiệp Luật... Đây là một trong những ngành học được nhiều thí sinh học khối C lựa chọn nhất.
Một số chuyên ngành nhỏ trong ngành Luật, học sinh có thể tham khảo: Luật thương mại, Luật dân sự, Luật hành chính, Luật Quốc tế, Luật hình sự.
Hiện nhiều trường đào tạo ngành Luật với chất lượng giảng dạy được nhiều sinh viên đã và đang theo học đánh giá cao: Trường Đại học Luật Hà Nội, trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội), Học viện Tòa án, trường Đại học Luật (Đại học Huế), Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), trường Đại học Luật TP.HCM.
Dịch thuật
Công việc dịch thuật chủ yếu chuyển đổi văn bản từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Người làm dịch thuật không chỉ đòi hỏi thông thạo ngôn ngữ mà còn cần tới sự tập trung cao độ để tránh sai sót. Vì vậy, công việc này nên làm việc độc lập, hạn chế giao tiếp với người xung quanh.
Nếu thực sự đam mê và mong muốn làm ngành nghề này, bạn có thể lựa chọn theo đuổi các ngành ngôn ngữ tại một số trường đại học như: trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Học viện Ngoại giao, trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng), trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, trường Đại học Sư phạm TP.HCM.
Công nghệ thông tin
Công việc của những người làm trong ngành Công nghệ thông tin chủ yếu là nghiên cứu, thiết kế, sửa chữa, tối ưu hóa các phần mềm nên không đòi hỏi quá nhiều về mặt giao tiếp nên những người trầm tính có thể đảm nhận được.
Đến năm 2025, nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông mỗi năm tăng 13%. Theo đó, lĩnh vực Công nghệ thông tin ở Việt Nam cần đến 1 triệu lao động.
Bạn có thể lựa chọn theo học ngành này tại một số trường đại học như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.
Ngành nông nghiệp
Những người ngại giao tiếp thường có thiên hướng không thích sự huyên náo, ồn ào. Làm việc tại các nông trại gần gũi thiên nhiên là một gợi ý đáng cân nhắc đối với người có khả năng giao tiếp không tốt.
Đồng thời, nhu cầu sử dụng nông sản sạch, thực phẩm an toàn ngày càng được mọi người quan tâm. Ngành nông nghiệp đang dần mở ra nhiều con đường phát triển vững mạnh cho tương lai.
Bạn có thể lựa chọn ngành học liên quan đến nông nghiệp như: Nông học, Khoa học cây trồng, Khuyến nông, Bảo vệ thực vật, Nông nghiệp sinh thái và Nông nghiệp đô thị, Công nghệ thực phẩm và Chế biến.
Những ngành trên đang được nhiều trường đại học đào tạo: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế), trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên), trường Đại học Trà Vinh.
Công nghệ ô tô
Công nghệ ô tô được xem là ngành học nhận được nhiều ưu tiên trong thời điểm đất nước đẩy mạnh phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Khi làm công việc này bạn chủ yếu tiếp xúc với máy móc, động cơ và ít phải giao tiếp với người khác.
Với các vị trí làm việc trong ngành này, chỉ cần có bằng trung cấp, cao đẳng bạn dễ dàng tìm kiếm được môi trường làm việc mức lương từ 6 - 7 triệu/tháng khi mới bắt đầu. Với những vị trí yêu cầu bằng đại học trở lên, mức lương dao động từ 7 - 12 triệu/tháng.
Để có thể theo đuổi nghề Công nghệ ô tô bạn có thể tham khảo một số cơ đào tạo có chất lượng như: Đại học Bách Khoa Hà Nội, trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, trường Đại học Công nghệ TP.HCM.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/nguoi-giao-tiep-kem-nen-lua-chon-hoc-nganh-nao-ar835403.html