Người giàu Nga chọn 'đường tắt' xin thị thực sang Mỹ
Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố lệnh động viên cục bộ, các công ty có dịch vụ đăng ký thị thực tại Nga đã gấp rút tìm kiếm cơ hội kinh doanh.
“Grenada được gọi là Thụy Sĩ nhỏ bé. Đó là một chương trình hợp túi tiền cho cả gia đình”, công ty United Passport viết trong một tin nhắn trên kênh Telegram vào ngày 25-9. Theo đó, chỉ với 150.000 USD, người Nga có thể trở thành công dân của Grenada. Nhưng một lá cờ Mỹ trên nền quảng cáo gợi ý rằng, giá trị nhất chính là một thị thực Mỹ.
Gần đây, sau lệnh động viên mà ông Putin công bố, hàng nghìn người Nga đã đặt vé máy bay đến các quốc gia miễn thị thực nhập cảnh như Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia, Georgia và Serbia. Tuy nhiên, không ít người Nga có nhu cầu chuyển đến nước Mỹ. Trên ứng dụng Telegram, công ty dịch vụ United Passport đã quảng cáo khả năng đến Mỹ bằng thị thực E-2, một loại thị thực không định cư thường kéo dài trong 5 năm nhưng có thể được gia hạn thoải mái. Người Nga chỉ có thể xin thị thực E-2 bằng việc có quốc tịch tại một quốc gia có ký hiệp ước với Mỹ, trong đó có Grenada.
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Grenada đã dừng việc cấp quốc tịch cho người Nga muốn đầu tư tại nước này. Ông Karline Purcell, Giám đốc điều hành của Chương trình Đầu tư theo Quốc tịch Grenada cho hay, hạn chế này đã được dỡ bỏ vào tháng 7 và được thay thế bằng tăng cường giám sát đối với các ứng viên Nga.
Grenada là quốc gia nhỏ nhất vùng Caribe, với dân số khoảng 112.000 người - ít hơn bất kỳ thành phố nào trong 270 thành phố lớn nhất của Mỹ. Đây là thuộc địa của Pháp và Anh trước khi giành được độc lập từ Vương quốc Anh vào tháng 2-1974. Grenada đã chứng tỏ là một địa điểm hấp dẫn cho những ai muốn thư giãn tại các khu nghỉ dưỡng sang trọng và trên nhiều siêu du thuyền đi quanh các hòn đảo của nó. Những người giàu của Nga có nhiều lựa chọn khác nhau, nhưng đăng ký quốc tịch Grenada một “đường tắt” cho một cuộc sống mới ở Mỹ. Xin thị thực E-2 thông qua quốc tịch Grenada rẻ hơn, nhanh hơn và dễ dàng hơn so với các lựa chọn khác.
Trong một so sánh, một trong những con đường phổ biến nhất để đến được Mỹ là thị thực “vàng”, nhập cư bằng hình thức đầu tư, gọi tắt là EB-5. Gần đây, quy trình này trở nên phức tạp khi Đại sứ quán Mỹ tại Matxcơva đình chỉ các dịch vụ thị thực không phải thị thực ngoại giao. Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ định Đại sứ quán Mỹ ở Warsaw, Ba Lan là điểm đăng ký xin thị thực cho người Nga, nhưng Ba Lan đã đóng cửa biên giới với Nga vào giữa tháng 9-2022. Ngay cả trước khi xảy ra xung đột ở Ukraine, lộ trình cấp EB-5 để nhập cư vào Mỹ cũng thường mất ít nhất 2 năm để xử lý. Theo Sở Di trú và Nhập tịch Mỹ, 20% trường hợp chưa được giải quyết sau 52 tháng.
Trên thực tế, thị thực EB-5 khá tốn kém, với yêu cầu đầu tư vốn tối thiểu là 1,05 triệu USD hoặc khoản tiền 800.000 USD vào một khu vực việc làm. Trong khi đó, sau khi có hộ chiếu Grenada, một khoản đầu tư vào Mỹ ít nhất 50.000 USD là cần thiết để đơn đăng ký thị thực E-2 được xem xét nghiêm túc. Tổng chi phí thực tế với mỗi người Nga muốn “săn” thị thực Mỹ bằng cách này chỉ mất khoảng 200.000 USD. Do đó, xin thị thực E-2, sử dụng Grenada làm bàn đạp, là một phương thức tiết kiệm cả thời gian và tiền bạc.
Gary Kalman, Giám đốc điều hành của Tổ chức Minh bạch quốc tế, một tổ chức tập trung vào tài chính bất hợp pháp cho rằng, sẽ là một vấn đề “cực lớn” khi có một hệ thống nhập cư cho phép những người giàu có “lách luật”. “Đó không phải là một chính sách nhân đạo. Đó là một chính sách đang mời gọi một số người giàu nhất ở Nga, nhiều người trong số họ có thể đã kiếm được tiền thông qua những khoản lợi bất chính”, ông Kalman nói và nhấn mạnh rằng việc cấp thị thực có một bên trung gian là Grenada sẽ làm cho quá trình thẩm định nguồn gốc tiền đầu tư thêm phức tạp.