Người giàu nghị lực và tình thương

Nhóm thợ may tại xưởng may Tưởng Hà (thôn Duyên Yết, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) đang hớn hở làm việc, bỗng 'sếp' đến. Họ liền kéo 'sếp' vào trò chuyện, cười vui rôm rả.

"Sếp" là anh Phan Văn Tưởng (53 tuổi). Anh bị teo chân trái từ nhỏ, đi lại phải dùng nạng nhưng là người giàu nghị lực và tấm lòng nhân hậu, vui tính nên được mọi người rất kính phục, yêu quý.

Quyết tâm học nghề

Nghe có khách đến, anh Phan Văn Tưởng liền bỏ dở công việc ra tiếp. Người đàn ông chống nạng, phần dưới cơ thể di chuyển lắc lư gần như không có liên kết.

Rót trà mời khách, anh thều thào: “Xin lỗi anh! Nãy tôi ngồi làm lâu, bị tê người nên đứng dậy hơi khó, đi lại chậm và đã để anh phải đợi”.

Phan Văn Tưởng vốn sinh ra bình thường. Khi được 10 tháng tuổi, Tưởng bị ốm nặng, sốt cao, di chứng của trận ốm khiến chân trái bị teo, đến tuổi đi học, vì sợ con mặc cảm nên bố mẹ cho Tưởng ở nhà. Mỗi ngày, nhìn bạn bè tung tăng cắp sách đến trường, trong lòng Tưởng rất háo hức, nằng nặc xin được đi học. Phải đến khi 8 tuổi, Tưởng mới vào lớp 1.

Trường học ở xa, mỗi lần đi, về, Phan Văn Tưởng đều phải phụ thuộc vào bố mẹ hoặc anh trai đưa đón. Những lúc phải ở lại cuối cùng, bị bạn bè trêu đùa, châm chọc, Tưởng rất tự ti.

Do là con út nên khi Tưởng lớn, bố mẹ đã già yếu. Từ lâu, anh đã suy nghĩ rằng, rồi bố mẹ sẽ rời xa mình, các anh chị sẽ có cuộc sống riêng, không thể nương tựa mãi được. Bởi vậy, anh quyết chí học lấy một cái nghề để tự nuôi bản thân và đã chọn nghề may.

Thời gian đầu, anh học nghề may bên làng Cổ Châu, cách nhà vài cây số. Việc đi học hằng ngày đều nhờ cả vào anh trai. Nhưng, thấy anh trai thường phải thu xếp công việc để đón, đưa mình, Phan Văn Tưởng đã học đạp xe bằng một chân. Để đỡ vướng và va vào chiếc chân bị teo, anh đã tháo một bên bàn đạp xe ra. Anh kể: “Khi ấy, tôi lo nhất là lúc đi bị nghiêng xe về bên trái, chân không trụ được. Tuy nhiên, may mắn sau mấy lần ngã, tôi vẫn bình an và không gây thương tích đến ai”.

Anh Phan Văn Tưởng tỉ mỉ hướng dẫn những thợ may mới ở xưởng.

Anh Phan Văn Tưởng tỉ mỉ hướng dẫn những thợ may mới ở xưởng.

Học được một thời gian, Phan Văn Tưởng được bố đưa lên Hà Nội học nâng cao. Tuy nhiên, đi đến 4 xưởng, họ đều từ chối nhận. Rầu rĩ nhưng không bỏ cuộc, lần thứ 5, một chủ xưởng đã nhận anh vào làm với điều kiện “phải làm ngang ngửa với người bình thường, nếu chậm hơn thì sẽ không nhận nữa”.

Cánh cửa đầu tiên mở ra, Phan Văn Tưởng quyết chí học nghề cho bằng được. Sau hơn một năm tự bươn chải xa nhà, năm 1987, anh đã thành thạo nghề và về quê lập nghiệp.

“Vết chân tròn” trên con đường lập nghiệp

Sau khi đã thạo nghề, Phan Văn Tưởng về quê mở một hiệu may đo nhỏ trong làng. Do tay nghề cao, lại cẩn thận, lấy công rẻ và niềm nở với khách hàng nên anh làm không hết việc. Năm 2004, anh kết hôn. Sau khi sinh được hai cháu, tưởng chừng vợ chồng sẽ dồn sức vào làm ăn thì bỗng nhiên vợ anh bị u não. Anh dốc tiền chạy chữa cho người bạn đời, nhưng chị đã không qua khỏi. Buồn rầu sau sự ra đi của vợ, sức khỏe của anh đi xuống rõ rệt, có lúc cân nặng chỉ còn hơn 40kg. Rồi anh lại phát hiện mình bị viêm đại tràng co thắt. Mỗi lúc ngồi xuống máy may là cơn đau quằn quại, nhưng anh vẫn nén đau, chăm chỉ lao động để nuôi hai con thơ.

Năm 2012, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, Phan Văn Tưởng quyết định mở xưởng sản xuất chuyên gia công quần áo công sở, áo sơ mi và các loại đồng phục. Anh lặn lội đi khắp nơi tìm mua máy cũ, tìm nguồn nguyên liệu, vay mượn ngược xuôi, dạy nghề cho thợ. “Hằng ngày, tôi đều dậy từ 4 giờ làm việc, 23 giờ mới đi ngủ, cả năm không biết đến ngày nghỉ, chỉ mong nhận được về nhiều việc, anh chị em trong xưởng có việc làm đều đặn. Có thời điểm, xưởng có hơn 60 lao động, trong đó có 16 lao động là người khuyết tật”, anh tâm sự.

Những người thợ may đều là người sống quanh vùng. Khi đến với xưởng của anh, họ đều có điểm chung là chưa biết may và cần có một công việc lâu dài. Từ người khuyết tật, trung niên hay một vài người chỉ xác định làm thời vụ, anh đều nhận vào làm việc và dạy nghề miễn phí. Không khí xưởng làm việc lúc nào cũng vui như hội, tiếng máy khâu “xoành xoạch” liên hồi.

Chị Vũ Thị Hằng, tổ trưởng ở xưởng may Tưởng Hà, cho biết: "Tôi làm việc ở đây đã 12 năm nhưng chưa bao giờ tính chuyện nghỉ việc. Bởi ở đây có một người "sếp" rất tuyệt vời. "Sếp" chỉ bảo tận tình mọi công việc, sai thì sửa, lỗi thì khắc phục, có nguyện vọng gì cứ đề xuất, nhà có việc đột xuất cần ứng tiền, "sếp" mở tủ lấy cho ứng luôn. Tôi luôn coi anh như người thân bởi tấm lòng, lối sống tình cảm và không ngại khó ngại khổ của anh”.

Hiện nay, xưởng may của Phan Văn Tưởng đã được mở rộng với diện tích gần 300m2. Một năm, trừ chi phí, xưởng thu lãi từ 250 đến 300 triệu đồng. Mức lương anh trả cho công nhân luôn ở mức ổn định, khởi điểm từ 7 triệu đồng, tăng ca có thể lên tới 12 triệu đồng/tháng.

Luôn động viên thợ giàu hơn mình

Không giống như nhiều ông chủ khác, Phan Văn Tưởng luôn mong muốn người thợ có thể tự mở xưởng để... giàu hơn mình. Anh cho biết: “Tôi luôn muốn anh chị em có thể tự mở một xưởng may riêng, phát triển nghề nghiệp và có thu nhập tốt hơn đi làm công. Tôi sẵn sàng hỗ trợ kinh nghiệm và vốn. Tôi từng rất khó khăn để học việc, xin việc và khởi nghiệp. Vậy nên, tôi luôn muốn giúp anh chị em vượt lên".

Ngưỡng mộ trước ý chí và lối sống tình cảm của Phan Văn Tưởng, chị Hà-một thợ làm công đã đem lòng thương và nên duyên với anh vào năm 2016. Lúc đưa ra quyết định đồng ý lấy anh, nhiều người bảo chị "bị điên", bởi chị Hà là người bình thường, nhan sắc có mà lại chọn anh. Chị bảo, chị bị “điên tình”. “Điên” vì một người đàn ông giàu nghị lực, yêu chị thật lòng, chăm chỉ lao động dù cơ thể không hoàn thiện. Đến nay, anh chị đã có thêm cháu Phan Nguyễn Minh Khôi (sinh năm 2017).

Ngồi nghe anh Tưởng tâm sự về chuyện đời, tôi luôn thấy nụ cười nở trên môi anh. Anh luôn lạc quan và yêu đời cho dù phải đối mặt với không ít áp lực trong công việc. Nói về thành quả của mình, anh rất khiêm tốn và khẳng định “mình phải cố gắng nhiều hơn nữa”.

Khi nhắc đến Phan Văn Tưởng, ông Đồng Văn Hiến, Trưởng thôn Duyên Yết nhận xét: "Anh Tưởng là tấm gương tiêu biểu về nghị lực vươn lên trong cuộc sống, không đầu hàng số phận. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh còn luôn đau đáu tạo công ăn việc làm cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, anh thường xuyên quyên góp, ủng hộ các quỹ và hoạt động thiện nguyện tại địa phương".

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CÔNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-13/nguoi-giau-nghi-luc-va-tinh-thuong-695768