Người giàu tranh mua nhà ở xã hội, ngăn chặn thế nào?
Nhà ở xã hội vốn tạo ra để dành cho những người có thu nhập thấp, thế nhưng, không ít người có điều kiện kinh tế, thậm chí là giàu có lại tìm cách để tranh mua nhà ở xã hội, cướp đi giấc mơ của người nghèo.
Dự án chung cư nhà ở xã hội (NƠXH) ở Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside, TP Đà Nẵng vừa mở bán đã phát hiện nhiều người giàu đăng ký mua nhà, khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết vừa có văn bản yêu cầu chủ đầu tư 2 dự án nhà ở xã hội trên địa bàn rà soát lại hồ sơ người đăng ký mua. Hai đơn vị được yêu cầu rà soát là Công ty Cổ phần Địa ốc Xanh Sài Gòn Thuận Phước và Công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng.
Người giàu tước đoạt giấc mơ của người nghèo
Theo LS Nguyễn Thanh Sơn (Hội luật gia Hà Nội), khoản 7 điều 3 Luật nhà ở xã hội quy định, Nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở. Theo đó, nhà nước sẽ hỗ trợ cho các dự án nhà ở xã hội, người mua nhà sẽ được hưởng mức giá ưu đãi hơn so với những căn hộ thuộc diện thương mại.
Để được mua NƠXH, người mua nhà phải đáp ứng được cả điều kiện cần và đủ. Trong đó, điều kiện cần thiết là người mua nhà phải thuộc 01 trong 09 đối tượng thuộc quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở năm 2014: Người có công với cách mạng, hộ nghèo và cận nghèo, hộ thu nhập thấp, hạ sĩ quan, công nhân, học sinh, sinh viên...
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người dù không thuộc diện được mua NƠXH vẫn tìm cách “chen chân”. Cụ thể, Dự án Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside mở bán ngày 8/5 mới đây, trong số hàng trăm người xếp hàng từ mờ sáng có rất nhiều “cò” bất động sản.
Chỉ vài ngày sau khi hồ sơ mua bán nhà ở xã hội được tiếp nhận, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng phát hiện dấu hiệu một số cá nhân có điều kiện kinh tế, thuộc diện phải đóng thuế thu nhập cá nhân nhưng vẫn nộp hồ sơ mua.
Tương tự, tại dự án nhà ở xã hội Hòa Khánh, Sở Xây dựng phối hợp Cục Thuế TP Đà Nẵng rà soát xác định một số trường hợp có mã số thuế và thuộc diện đang đóng thuế thu nhập cá nhân.
Điều đáng nói, đây không phải là câu chuyện mới ở Đà Nẵng. Trước đó, đã có nhiều trường hợp mua bán không đúng đối tượng.
Trước sự việc này, Sở Xây dựng yêu cầu Công ty Cổ phần đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng khẩn trương rà soát, lập danh sách các trường hợp đã được xét duyệt mua nhà ở xã hội tại hai dự án này.
Thực tế, việc người có thu nhập cao tranh mua NƠXH với người có thu nhập thấp đã tồn tại từ lâu, được dư luận và cả cơ quan nhà nước quan tâm.
Tại báo cáo công tác năm 2021 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) gửi tới kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, báo cáo chuyên đề việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị giai đoạn 2017-2020, Kiểm toán KTNN đã chỉ ra nhiều bất cập liên quan đến NƠXH, trong đó bao gồm việc nhiều đối tượng được mua NƠXH chưa đúng quy định, việc sử dụng căn hộ không đúng mục đích…
Ngay tại Hà Nội, qua kiểm tra, giám sát việc sử dụng NƠXH đã phát hiện và xử lý một số trường hợp các đối tượng mua, thuê NƠXH sử dụng không đúng mục đích như cho ở nhờ, cho thuê lại hoặc không sử dụng, điển hình như dự án NƠXH tại ngõ 622 phố Minh Khai có 57 trường hợp; khu NƠXH tại ô đất CC-1 khu đô thị Quốc Oai có 65 trường hợp; khu nhà ở cho người thu nhập thấp Ecohome 2 có 158 trường hợp; khu nhà ở cho người thu nhập thấp Ecohome 1 có 200 trường hợp...
Theo kết quả kiểm tra của Sở Xây dựng Bắc Ninh cách đây không lâu, Khu nhà ở Bắc Từ Sơn, phường Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn, do Công ty TNHH Môi trường xanh làm chủ đầu tư. Trong số 107 khách hàng ký hợp đồng mua bán nhà với chủ đầu tư chỉ có 33 hợp đồng hợp lệ được gửi danh sách về Sở Xây dựng, còn có tới 74 hợp đồng không hợp lệ. Kiểm tra 33 hợp đồng hợp lệ, đoàn kiểm tra phát hiện, một số trường hợp không đúng đối tượng được mua.
Tương tự tại Khu nhà ở xã hội Cao Nguyên 3, phường Tân Hồng do Công ty Cổ phần Cao Nguyên là chủ đầu tư. Dự án có 408 căn hộ, tại thời điểm kiểm tra, có 167 khách hàng đang sinh sống. Qua xác minh việc duyệt danh sách đối tượng, đoàn kiểm tra phát hiện 7 hợp đồng thuê nhà thực hiện không đúng, một số trường hợp không đúng đối tượng được mua nhà ở xã hội.
Biện pháp nào để ngăn chặn, xử lý?
Trong phiên trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng về nhiều vấn đề xử lý tình trạng đối tượng được mua NƠXH chưa đúng quy định, Bộ Xây dựng thông tin, Bộ đã nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2022 về quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.
Cụ thể, tại điểm b khoản 1, điểm b khoản 6 Điều 64 đã bổ sung và quy định cụ thể hành vi vi phạm về bán, cho thuê, cho thuê mua NƠXH không đúng đối tượng theo quy định và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi NƠXH và buộc hoàn trả bên mua, bên thuê mua số tiền mua, thuê, thuê mua NƠXH.
Trao đổi với báo chí, đại diện Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh cho biết, khi bán nhà ở xã hội không đúng đối tượng thì doanh nghiệp phải đàm phán với người mua để thu hồi lại, không còn cách nào khác.
Theo đại diện Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh, việc bán nhà không đúng đối tượng chỉ xảy ra ở giai đoạn trước, khi thực hiện theo Nghị định 100. Theo quy định của Nghị định 100, chủ đầu tư có trách nhiệm tổng hợp hồ sơ, làm đúng hay sai do chủ đầu tư chịu trách nhiệm. Sau đó chủ đầu tư gửi danh sách về cho Sở Xây dựng, Sở Xây dựng sẽ rà lại xem danh sách có bị trùng hay không.
Hiện nay, việc xét hồ sơ nhà ở thực hiện theo Nghị định 49 mới. Theo đó, chủ đầu tư phải gửi danh sách lên Sở Xây dựng. Sở Xây dựng sẽ phối hợp với cấp huyện và cơ quan thuế để xác minh về quyền sở hữu nhà trước đó và thuế đang đóng. Do đó, việc bán sai đối tượng là rất khó.
"Nếu như trước đây, cấp xã chỉ đóng vai trò xác nhận, xác nhận xong là xong. Thì nay, cấp xã lại đóng vai trò rà soát, trách nhiệm lớn hơn trong quá trình thẩm định hồ sơ mua nhà ở xã hội. Quy trình xét duyệt hồ sơ mua nhà ở xã hội hiện nay đã chặt chẽ hơn nhiều!", đại diện Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh khẳng định.