Người gìn giữ 'giấc mơ đêm trăng' trên đỉnh Trường Sơn

Già Đinh Xon là người có uy tín ở bản Cà Roòng 1 (xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) không chỉ vì sống gương mẫu, làm kinh tế giỏi mà còn vì luôn tâm huyết, gìn giữ truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Bấy lâu nay, già vẫn đau đáu về việc làm thế nào để con cháu đời sau vẫn thiết tha, duy trì được Lễ hội Đập trống- vốn được coi là linh hồn của người Ma Coong trên dải Trường Sơn này.

Lúc rảnh rỗi, già làng Đinh Xon lại hát cho con cháu nghe những bài của dân tộc mình. Ảnh: Trúc Hà

Lúc rảnh rỗi, già làng Đinh Xon lại hát cho con cháu nghe những bài của dân tộc mình. Ảnh: Trúc Hà

Già Đinh Xon năm nay đã ngoài 60 tuổi, sống cùng gia đình trong ngôi nhà sàn ở giữa bản Cà Roòng 1. Với già,“thứ giá trị nhất” trong nhà là chiếc trống đã vỡ được cất giữ cẩn thận trong buồng mà già luôn trân trọng như báu vật.

Chiếc trống được làm từ gỗ, 2 mặt trống làm bằng da hươu và được cuốn chặt bằng dây mây rừng. Trong Lễ hội Đập trống, những mong muốn, hy vọng của mọi người dồn vào cánh tay, đập thật mạnh cho đến khi mặt trống vỡ toang.

Trăng khuất bóng, thân trống được cất đi đợi đến mùa trăng sau sẽ thay lớp da khác và người Ma Coong lại bắt đầu lễ hội mới. Người Ma Coong không bao giờ làm trống mới hoàn toàn, chỉ thay những phần bị hỏng. Bởi vậy mà chiếc trống cứ thế đi qua những mùa trăng.

Với người Ma Coong thì Lễ hội đập trống là việc được chờ đợi nhất trong năm. Ngày 16 tháng Giêng, khi trăng trên đại ngàn Trường Sơn sáng nhất, xuyên qua cả những tán cây cổ thụ ấy là lúc người Ma Coong ở bản Cà Roòng 1 bắt đầu Lễ hội Đập trống. Trong đêm trăng ấy, tất cả cùng mơ về giấc mơ Giàng sẽ mang đến cho mọi người cuộc sống an lành, ấm no, hạnh phúc.

Già Đinh Xon bảo rằng: “Có nhiều tích nói về nguồn gốc của lễ hội này. Khi thì kể rằng, ngày xưa, vùng đất của người Ma Coong đang ở bỗng có một con khỉ thường đến phá nương rẫy. Mùa màng thất thu và nạn đói, bệnh dịch xảy ra khắp nơi. Không thể để tình trạng đó kéo dài thêm, người dân trong bản bàn cách đuổi khỉ bằng cách khua trống ầm ĩ.

Nghe tiếng trống, khỉ sợ quá bỏ chạy và không bao giờ quay lại. Từ ấy, người Ma Coong lại được thu hoạch những bông lúa trĩu hạt, bắp ngô vàng rộm trên nương. Mọi người tin rằng, tiếng trống cùng với sự giúp đỡ của Giàng nên khỉ đã phải rời xa vùng đất này. Lại có người kể rằng, ngày xưa, trong bản Cà Roòng có nhiều người cùng ốm đau nhưng đều có chung 1 giấc mơ.

Trong giấc mơ ấy, Giàng nói rằng hãy lấy cây rừng, da thú và dây mây làm trống. Mọi người hãy cùng nhau đập trống thật to, tiếng trống sẽ vang xa, Giàng biết để mà cứu giúp".

Với già Đinh Xon, Lễ hội Đập trống lại được gắn thêm với câu chuyện gia đình. Khoảng cuối những năm 60 thế kỷ 20, vì muốn chặt đứt con đường 20 Quyết Thắng - huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam mà giặc Mỹ thả không biết bao nhiêu bom đạn xuống vùng đất này. Người Ma Coong sợ hãi, buồn bã nên không còn đập trống. Không hiểu vì sao, thời gian ấy mùa màng thì thất bát, nhà nào cũng có người ốm. Người bác của già Đinh Xon cho rằng, phải làm lại lễ hội đập trống cúng Giàng. Thế là, đàn ông lại vào rừng chặt cây gạo, lấy dây mây, thuộc da hươu để làm trống.

Rằm tháng giêng năm ấy, tiếng trống lại nổi lên giữa rừng Trường Sơn. Từ ấy, cứ đến ngày 16 tháng Giêng, cả núi rừng Trường Sơn như rung lên theo mỗi nhịp trống. Tất cả cứ vui vẻ cho đến khi mặt trống bị đập vỡ toang. Không khí ồn ào, náo nhiệt của lễ hội cũng tan theo tiếng trống, biến mất vào trong tiếng suối, tiếng gió của đại ngàn. Lúc này, những đôi trai gái hẹn hò từ trước hoặc gặp trong lễ hội để rồi “ưng cái bụng” lại đưa nhau đến ngồi bên những tảng đá bên dòng Aky để tâm sự...

Khi nhắc già Đinh Xon, gần như cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cồn Roàng, BĐBP Quảng Bình ai cũng có câu chuyện để kể. Đại úy Phan Anh Tuấn, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cồn Roàng chia sẻ: “Ở vùng này, già Đinh Xon là người rõ về biên giới nhất. Điều ấy cũng không có gì khó hiểu bởi được sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, có ngọn núi nào mà già làng Đinh Xon chưa chinh phục".

Những năm triển khai phân giới cắm mốc, nhiều lần già dẫn đường cho các đoàn khảo sát. Khi những cột mốc hoa cương được hoàn thiện trên đường biên, già thấy tự hào vô cùng, bộ đội bảo trong đó có cả công của già. Đường lên biên giới ở vùng rừng núi nguyên sinh, chỉ cần qua vài trận mưa là cây mọc khuất những lối mòn vốn đã ít người qua lại.

“Đi rừng nhớ cây”, già Đinh Xon cứ nhìn cây mà nhớ vị trí từng cột mốc biên giới. Giờ đã ngoài 60 tuổi nhưng hễ có dịp là già Đinh Xon lại cùng đi tuần tra với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cồn Roàng.

Câu chuyện với già Đinh Xon trở nên thú vị hơn khi kể về 1 người lính Biên phòng mà già chỉ nhớ tên Trung, ở Hà Nội, đến ở cùng nhà cả tháng trời để tìm tư liệu cho luận án tiến sĩ về văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Hàng ngày, bộ đội Trung gặp gỡ, trò chuyện với mọi người trong bản, hỏi về những câu chuyện xa xưa của vùng đất này. Lúc nào, bộ đội Trung cũng mang theo sổ, bút để chép lại các bài hát, bài cúng và cả thơ của người Ma Coong.

Trước ngày trở về Hà Nội, bộ đội Trung chép lại 1 bản để tặng cho già. Gần 10 năm trôi qua, cuốn sổ đã úa màu nhưng già Đinh Xon vẫn giữ bên mình. Già bảo nhờ có nó mà già dạy cho những đứa trẻ ở Cà Roòng này để chúng biết, yêu phong tục, văn hóa của dân tộc mình.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nguoi-gin-giu-giac-mo-dem-trang-tren-dinh-truong-son-post434914.html