Người giữ ánh sáng cho những chiếc đèn Trung thu làng Hậu Ái

Làng Ái Hậu (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) từng được coi là thủ phủ đồ chơi trung thu truyền thống, nhưng giờ đây, chỉ còn lại một người phụ nữ vẫn đang miệt mài với nghề. Đó là bà Nguyễn Thị Tuyến. Bà Tuyến mong sẽ là người thắp sáng những chiếc đèn, cũng là ánh sáng hy vọng về bản sắc truyền thống được gìn giữ trước nguy cơ bị mai một…

Bà Nguyễn Thị Tuyến mong muốn gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ sau. Ảnh. P. Sỹ.

Bà Nguyễn Thị Tuyến mong muốn gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ sau. Ảnh. P. Sỹ.

Tôi gặp bà Nguyễn Thị Tuyến khi bà vừa làm đèn trung thu, vừa tranh thủ bán nước trước cổng nhà. “Tôi bán nước để có thêm thu nhập nuôi nghề làm truyền thống” - bà Tuyến nói.

Theo lời kể của bà Tuyến thì gia đình đã có 3 đời làm nghề đồ chơi dân gian và đến bà là đời thứ ba. Ngay từ lúc nhỏ bà đã được làm quen với nghề. “Nhà tôi 3 đời làm đồ chơi trung thu, từ đời các cụ, đến ông bà thân sinh rồi đến tôi là đời thứ 3. Tôi làm nghề này đến nay đã hơn 50 năm nay. Mỗi năm đến mùa Trung thu, trong lòng lại thấy chộn rộn” - bà Tuyến chia sẻ.

Từ đèn ông sao cho đến ông tiến sĩ giấy, mỗi sản phẩm đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh tế, khéo léo và hoàn toàn là làm thủ công, điều này thể hiện sự chăm chút và tâm huyết của người thợ đối với từng sản phẩm.

Nhiều người khi nhìn vào những đồ chơi đơn giản sẽ nghĩ đây là công việc nhẹ nhàng, nhưng khi chứng kiến từng công đoạn mới biết được những khó khăn, vất vả của người làm.

Nghe bà Tuyến kể tôi mới để ý, những ngón tay bà đều cuốn vải. Bà bảo làm như vậy để những thanh nứa không cứa vào tay, chảy máu.

Bà Tuyến chia sẻ, việc chọn lựa nguyên liệu luôn là bước quan trọng để làm ra một sản phẩm đẹp. Để có nguyên liệu làm đồ chơi trung thu truyền thống thì phải chuẩn bị ngay từ tháng 5 âm lịch.

“Chúng tôi phải đi hơn 30km để vào những khu chợ tìm mua và chọn lọc những bó nứa đạt tiêu chuẩn. Quá trình sơ chế và chuẩn bị nguyên liệu được thực hiện ngay sau đó. Sau khi lựa chọn được những bó nứa phù hợp, quá trình chặt thành nhiều đoạn và ngâm trong nước vôi để không bị mối mọt cũng rất công phu. Tiếp theo là chẻ nan, việc này đòi hỏi sự khéo léo và kinh nghiệm của người thợ” – bà Tuyến nói, đôi tay vẫn thoăn thoắt đan khung chiếc đèn ông sao, tỉ mỉ và cẩn thận vô cùng.

Cũng mừng là những bộ đồ chơi này đến nay vẫn được ưa chuộng. Các bậc phụ huynh mua về cho con em mình cũng là thể hiện ước mơ, niềm mong mỏi con cháu sẽ học giỏi, đỗ đạt cao.

Cầu kỳ, tỉ mẩn là thế, nhưng đến nay, mỗi sản phẩm đồ chơi truyền thống có giá thành rất rẻ. Giá một chiếc đèn ông sao chỉ khoảng 10.000-15.000 đồng. Một bộ ông tiến sĩ chỉ khoảng 30.000-35.000 đồng. Giá rẻ, lại phải cạnh tranh với những mặt hàng đồ chơi ngoại nhập, đó cũng là lý do vì sao cả làng giờ còn mỗi bà Tuyến gắn bó với nghề.

Bà Tuyến hướng dẫn học sinh làm đèn ông sao.

Bà Tuyến hướng dẫn học sinh làm đèn ông sao.

Bà trăn trở: “Ngày xưa trong làng có nhiều người gắn bó với nghề. Thế nhưng, dần dần mỗi người đi làm mỗi việc khác nhau. Ngày Trung thu cả làng không còn không khí nhộn nhịp như xưa. Các con tôi đều bảo, mặc dù trân trọng nghề truyền thống của làng nhưng chúng cũng không thể gắn bó bởi nguồn thu nhập quá ít ỏi. Tôi cũng chẳng trách được, vì có thực mới vực được đạo”.

Từ năm 2002, hàng năm Bảo tàng dân tộc học hay gần đây là Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội đã mời bà Tuyến tham dự lễ hội Tết Trung thu để hướng dẫn cho các em nhỏ làm đèn ông sao. Nhờ đó, mà bà bận rộn hơn. Nhiều đơn vị biết đến bà bắt đầu đặt mua đồ chơi truyền thống, chủ yếu là các trường học, các bảo tàng, những khu di tích trong phố cổ…

Ông Lê Ngọc Đông - Phó Chủ tịch UBND xã Vân Canh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho biết: Nhằm bảo tồn nghề truyền thống, hiện nay, địa phương cũng đang hướng dẫn cho bà Tuyến làm những thủ tục để được công nhận là nghệ nhân. Vào những dịp Tết Trung thu, xã cũng tổ chức cho các cháu học sinh ở một số cấp học đến nhà bà Tuyến trải nghiệm để các cháu hiểu và trân trọng nghề truyền thống của cha ông.

“Tôi luôn sẵn sàng truyền dạy, chỉ dẫn cho thế hệ trẻ cách làm đèn Trung thu truyền thống. Mỗi khi nhìn các cháu ngồi say mê với từng thanh nứa, tờ giấy màu để làm ra chiếc đèn ông sao, tôi như tìm thấy niềm vui và hạnh phúc” - bà Nguyễn Thị Tuyến tâm sự.

Phạm Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nguoi-giu-anh-sang-cho-nhung-chiec-den-trung-thu-lang-hau-ai-10290073.html