Người giữ đèn

1.Cơn mưa rào lúc xế chiều vừa tạnh. Đàn chim thiên di dáo dác rồi xoãi cánh bay về phía núi xa. Gió mang hơi lạnh từ ngoài sông, băng qua cánh đồng rồi quanh quẩn trên mấy vòm cây lá rụng gần hết, trơ ra những cành khẳng khiu... Trong khuôn viên nghĩa trang vắng vẻ, giữa những khu mộ nhấp nhô và mấy khóm hoa nở đỏ, vàng, thấp thoáng dáng người dong dỏng cao của ông Quảng. Người đàn ông ngoài sáu mươi đang lặng lẽ lau chùi, rồi châm dầu, thắp đèn, có khi đặt lên trên ngôi mộ một bó hoa tươi hay túi bánh. Đây là việc làm duy trì gần mười năm nay của người cựu chiến binh trở về từ chiến trường K. Thường mỗi chiều cuối tuần, không kể nắng mưa, sau khi đã xong việc nhà, ông cùng vợ dắt nhau trên con đường nhỏ dẫn vào nghĩa trang cách nhà non cây số.

2. “Người giữ đèn, sưởi ấm những linh hồn”. Dạo trước có nhà báo về phỏng vấn ông Quảng và viết vậy. Ông chỉ cười hiền, bảo chuyện nhỏ mà, thấm tháp gì so với sự hy sinh vĩ đại của cha ông, của những đồng đội ngoài chiến trường. Là ông khiêm tốn, chứ ai cũng biết, làm được như ông khó lắm. Cả hàng trăm ngôi mộ trong nghĩa trang này, ông Quảng đều thuộc họ tên, quê quán, nhớ cả những người thân của họ thường đến viếng vào thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, điều ông băn khoăn, lo nghĩ nhất là có nhiều ngôi mộ vô danh nằm quạnh hiu, cỏ dại mọc đầy, thỉnh thoảng ông phải nhổ, phải cắt. Những ngôi mộ này thường được ông để ý chăm chút và nhang khói thường xuyên hơn.

Chiều nay, bà Thảo vợ ông không đi cùng. Cách nay mấy hôm, bà bất cẩn khi mang bó củi khô bước lên bậc thềm, ngã trẹo chân. Suốt đêm, nghe bà than đau mà ông xót cả ruột. Ông định, tuần này sẽ không vào thăm nghĩa trang nhưng bà cứ giục, bảo chẳng hề hấn gì, lại nữa sắp đến ngày thương binh - liệt sĩ, ông cũng muốn mộ phần của đồng đội được quan tâm, chăm sóc tươm tất hơn. Thế là ông chuẩn bị nhang đèn và bó hoa huệ trắng.

Hoàng hôn bảng lảng chân trời. Những đám mây màu mỡ gà khi tản ra lúc đùn lại khiến bầu trời trở nên thấp dần và u ám. Mặt trời cũng vừa gác ngang chân trời, chỉ còn vài vệt sáng le lói. Sương mờ bắt đầu lan ra từ mọi ngả. Ông Quảng ngó nghiêng khắp lượt rồi trở về. Con đường nhỏ, hai bên mọc đầy hoa xuyến chi và cái lạnh cuối ngày len qua lớp quân phục cũ khiến ông thi thoảng rùng mình.

MH: VÕ VĂN

MH: VÕ VĂN

3.Một thời gian dài, nhất là từ khi về sống nơi này, tối ngủ ông Quảng hay mơ. Những giấc mơ dù đứt quãng nhưng lại rất rõ ràng, sáng ra đều nhớ và kể lại được. Một đợt tấn công bí mật trong đêm giữa mùa cây rụng lá vùng biên giới Xiêm Riệp. Một lần bị thương, lạc đồng đội, gặp được người dân Tà Sen ở phía nam tỉnh Preah Vihear. Họ cho ăn và dẫn ông theo lối mòn chênh vênh vách núi về với đơn vị... Bao giờ cũng thế, những giấc mơ không làm ông Quảng sợ hãi, giật mình mà như dòng suối mát miên man, vuốt ve từng kỷ niệm, đưa ông về ngày tháng còn là anh lính tình nguyện Việt Nam trên đất Campuchia. Để rồi, chính những giấc mơ ấy thôi thúc ông cùng đồng đội gặp nhau, lên kế hoạch kết hợp với cơ quan quân sự sang đất bạn quy tập hài cốt liệt sĩ đưa về nghĩa trang quốc gia hoặc nghĩa trang nơi quê nhà nếu hài cốt ấy có thông tin rõ ràng về lai lịch, thân nhân.

Cũng trong những lần như thế, ông Quảng khóc nghẹn khi biết người nằm dưới lớp lá mục bao năm ở cánh rừng heo hút kia là bạn đồng ngũ, từng chia nhau ngụm nước, miếng lương khô, hẹn ngày trở về sẽ giữ liên lạc và thăm nhau, ấy thế mà... Ông Quảng đã từng dò la, tìm kiếm, kể cả vào những nghĩa trang ở vùng biên giới. Ông đọc tên từng người gắn trên bia mộ, ông đứng lặng trước ngôi mộ có dòng chữ vô danh và những ngôi mộ gió sơ sài nằm lẻ loi bên đường cũng khiến ông chạnh lòng, thương nhớ.

Rồi một hôm thức dậy, ông Quảng thấy lòng thư thái, tỉnh táo hẳn ra. Những vụn ký ức chắp nối, những âm thanh của tiếng mưa, của tiếng suối, của tiếng súng khi gần khi xa, đặc biệt hình ảnh đồng đội xếp hàng chờ lệnh... hiện lên rõ mồm một không phải ở bên hông doanh trại mà ở ngay đài tưởng niệm của nghĩa trang... Ông nói chuyện với vợ về điều này. Và từ đó, chăm sóc phần mộ của đồng đội ở nghĩa trang đã trở thành một phần công việc không thể thiếu trong cuộc sống của ông.

4.Bầu trời tháng Bảy ngỡ rằng ngổn ngang những vầng mây màu bạc, bồng bềnh trôi qua những dặm dài của không gian đầy êm ái nhưng thực ra lại âm ỉ bên trong những cơn giông bất chợt, ầm ào. Trời tháng Bảy là thế, ban trưa có thể nắng như nung nhưng trở chiều lại trút giận bằng những trận mưa xối xả. Nhiều lần, đang làm đồng, sấm động, chưa kịp chạy về, áo quần hay ngô khoai phơi ngoài sân, ướt nhẹp.

Ông Quảng lại hay nhìn lên bầu trời vào những đêm đầy sao. Bà Thảo bảo ông già rồi mà còn lãng mạn. Ông đang ngắm những vì tinh tú hay tìm kiếm điều gì trong muôn vàn suy tư? Hẳn mình ông rõ. Thực tế, ông đang nhớ về đồng đội, những người từng sát cánh, no đói có nhau, bây giờ kẻ mất người còn. Ông lắc đầu. Mỗi con người đều có một vì sao chiếu mệnh. Mỗi số phận đều được định đoạt bởi vòng quay tạo hóa. Ông may mắn được trở về trong nước mắt của hạnh phúc, của đoàn tụ.

Tiếng súng ở biên giới đã im lặng hơn ba mươi năm. Mỗi sáng thức dậy, với ông Quảng là những âm thanh đời thường, bình dị được vang lên trong niềm hân hoan chào ngày mới. Tiếng gà nhảy ổ. Tiếng xe máy lướt qua. Tiếng trẻ con đòi mẹ quấy khóc. Tiếng í ới gọi nhau tới trường. Đầu ngõ, từ lâu mọc lên một khu chợ tạm. Người bán kẻ mua xôn xao từ mờ đất. Ông cùng vợ đi tập dưỡng sinh ở nhà văn hóa. Lúc nghỉ ngơi, bên chén trà, những câu chuyện rôm rả nổ ra. Đối với ông Quảng, bấy nhiêu là đủ, là bình yên. Đến nỗi, ông cứ nghĩ chiến tranh chưa từng xảy ra, chưa từng có chàng trai vừa tốt nghiệp đại học là tham gia lính tình nguyện, chưa từng có cảnh chui xuống hầm tránh bom hay những đêm thức trắng chờ lệnh.

Ông Quảng hay nhìn về nghĩa trang trầm tư suy nghĩ. Ông bảo chiến tranh chưa hề biến mất mà vẫn còn hiện diện đâu đó. Trong bức di ảnh của đồng đội trên bàn thờ. Trong những bữa ăn, người mẹ già tóc trắng, lưng còng vẫn còn nhắc đến đứa con trai. Những mất mát, đau thương của chiến tranh vẫn còn lặng lẽ bào mòn. Điều này ông hiểu để trăn trở, lo lắng, thấy lòng mình tựa như lửa đốt trước một ngôi mộ bị nứt vỡ, dòng chữ gắn trên bia bị mòn, hay đơn giản chỉ là nước mưa lênh láng ở lối vào giữa hai khu mộ.

Hầu như năm nào cũng vậy, mỗi khi tháng Bảy về, ông Quảng lại tất bật với những công việc không tên nhưng giúp cho những ngôi mộ đỡ phần lạnh lẽo. Những đợt mưa trái mùa mang theo khí lạnh vừa ngớt, ông đã đốt một đống củi to. Giữa màn đêm bao phủ, tiếng côn trùng rỉ rả, hoang sơ, người ta vẫn thấy người cựu binh ngồi lặng lẽ, trầm ngâm hoặc luôn tay cho thêm củi để ngọn lửa cháy bùng. Để rồi, những ngôi mộ luôn sáng đèn vào cuối tuần và vào ngày rằm, mùng một. Trước từng cơn gió tạt, dưới mưa tuôn, ngọn đèn có thể tắt nhưng rồi lại được thắp lên. Cứ thế, những khu mộ thẳng hàng, những ngọn đèn leo lắt nhưng đã soi sáng một phần đời tươi đẹp không thể nào quên của ông Quảng và đồng đội.

5.Hai bên con đường lát đá ong dẫn vào đài tưởng niệm, từ lâu xuất hiện một hàng rào thân thiện với môi trường. Là ông Quảng bảo thế. Và mọi người ở đây cũng thừa nhận thế. Đấy là hàng rào bằng hoa dâm bụt, tạo nên tiểu cảnh đẹp bởi sắc xanh của lá, bởi màu vàng, màu đỏ chen lẫn của hoa. Trong cái nắng trưa vùng gió Lào cát trắng, hàng rào dâm bụt trở thành một khoảng xanh, điều tiết được không khí, giúp cho ai đến đấy cũng thấy dễ chịu. Ông Quảng là người cuốc đất, giâm từng nhánh cây, chờ đợi từng ngày. Những chiếc lá đầu tiên xuất hiện, những bông hoa nhỏ bắt đầu nở rộ, luôn khiến ông vui sướng. Ông tỉa tót, tạo hình cho hàng rào. Có thời điểm, bò theo hàng rào là những dây bìm bìm tím ngát, là những sợi tơ hồng vàng óng. Không những thế, những khóm hoa đủ loại được trồng khắp các khu mộ và những vạt cỏ xanh được bàn tay ông Quảng tưới nước, chăm sóc cũng giúp nghĩa trang không còn khô nóng và buồn bã nữa.

Nhiều năm gắn bó công việc thầm lặng ở nghĩa trang, ông Quảng đã chứng kiến và khóc cười cùng những câu chuyện cảm động về tình đồng chí, đồng đội giữa những người lính ở hai thế giới âm, dương. Vào những dịp lễ, có rất nhiều đoàn cựu binh hành hương về nguồn viếng thăm, mong gặp lại những đồng đội thân yêu, thắp lên đài tưởng niệm nén nhang thơm tưởng nhớ. Đến với nghĩa trang, gặp được ông Quảng, dù là người lính khác chiến trường, có thể không cùng thế hệ nhưng bao ký ức xưa đã vọng về trong tâm tưởng những cựu binh với những câu chuyện một thời trai trẻ xông pha lửa đạn. Sau cuộc chiến, mỗi người có lối rẽ riêng. Người thì lãnh đạo, đảm đương nhiều trọng trách quan trọng. Người thì trở lại ruộng vườn, làm nông dân chân chất, mộc mạc. Người thì bươn chải đó đây, chăm lo cuộc sống. Nhưng khi gặp nhau, họ lại là đồng chí, là những chàng trai mười tám đôi mươi lạc quan và vui tính.

Ông Quảng ngừng tay, nhìn ra ngoài cổng nghĩa trang, nắm cỏ vừa cắt vẫn còn trên tay. Một nhóm lính trẻ vừa xuống xe đã xếp hàng ngay ngắn, quân phục chỉnh tề. Họ đang tiến vào đài tưởng niệm. Đi đầu là hai người nâng vòng hoa một cách trân trọng, thành kính. Ông Quảng dõi nhìn, lòng trào dâng bao cảm xúc. Xong mọi nghi lễ, nhóm lính tản ra, cầm nén nhang, chia nhau theo dọc những khu mộ. Nhiều người đến gần ông Quảng, lễ phép cúi chào. Một người lính trông chững chạc và già dặn, là chỉ huy đơn vị ân cần bắt tay ông. Dưới tán cây bằng lăng nở đầy hoa tím, ông Quảng ngồi giữa những người lính trẻ. Ông say sưa kể lại câu chuyện đời lính của mình. Chỉ hơn năm năm thôi nhưng thực sự là chuỗi ngày đáng nhớ...

Cứ thế, những câu chuyện về đời lính ở chiến trường K đã dẫn dắt nhóm lính trẻ đi qua nhiều cung bậc cảm xúc. Có người rưng rưng, xúc động. Có người lặng lẽ cúi đầu trước đài tưởng niệm.

Khi bóng đêm vừa xuống, khắp các khu mộ, đèn lại được thắp sáng.

SƠN TRẦN

Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/nguoi-giu-den-54956.htm