Người giữ hồn hiện vật

Ở huyện Phú Riềng, có một chàng trai trẻ đam mê sưu tầm hiện vật. Anh đã dành nhiều thời gian sưu tầm hiện vật, để gửi gắm những giá trị lịch sử và gìn giữ cho cả mai sau. Anh đang sở hữu hàng ngàn kỷ vật, hiện vật qua 6 bộ sưu tập theo từng chủ đề riêng. Đó là anh Nguyễn Văn Nghĩa (SN 1996) ở thôn 9, xã Long Hà.

Bén duyên với cổ vật từ năm học lớp 6

Cái duyên đưa thanh niên Nguyễn Văn Nghĩa đến với sưu tầm hiện vật từ khi còn là học sinh lớp 6. Tình cờ trong một lần đi suối chơi với gia đình, anh nhặt được viên đá có hình như chiếc rìu và một số mảnh gốm, anh mang về nhà. Sau này anh mới biết đó là đồ dùng của người tiền sử có niên đại hàng ngàn năm trước. Từ đó, anh bắt đầu có sự ham thích với những thứ của “người xưa”. Anh cũng tìm cách để sở hữu dần những vật dụng của cha ông qua các thời kỳ.

Chiếc áo của lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc được anh Nguyễn Văn Nghĩa sưu tầm - Ảnh: Như Nam

Anh Nghĩa chia sẻ: “Sau 15 năm miệt mài sưu tầm, gia tài của tôi đã hình thành 6 bộ riêng biệt, gồm: bộ tem, bộ tiền, bộ dụng cụ của người nguyên thủy, bộ gốm, kỷ vật chiến tranh và kỷ vật của bộ đội Việt Nam qua các thời kỳ. Trong đó, bộ nhiều hiện vật nhất là kỷ vật chiến tranh với trên 1.000 hiện vật, cộng thêm quân trang, quân dụng là 2.000 hiện vật”.

Viết thư tay để xin hiện vật

Năm 2018, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Nghĩa trở về địa phương. Thời gian trong môi trường quân ngũ đã giúp chàng trai nhút nhát, rụt rè năm nào được trau dồi bản lĩnh và mạnh mẽ hơn rất nhiều. Anh “như cá gặp nước” vì được tiếp cận nhiều quân trang, quân dụng hiện thời có thể bổ sung vào bộ sưu tập của mình. Và anh cũng nghiên cứu thêm về quân trang, quân dụng của các quân chủng, binh chủng Quân đội nhân dân Việt Nam... Tất cả đều được anh tìm cách sở hữu mỗi thứ một món.

Bộ sưu tập hiện vật thời chiến tranh

Bộ sưu tập hiện vật thời chiến tranh

Anh cũng nhiệt tình chia sẻ bí quyết để có thể sở hữu được những món hiện vật “hiếm có, khó tìm” sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương. “Hiện nhiều người đã không còn viết thư tay. Song để bày tỏ lòng chân thành và nguyện vọng muốn có được một món đồ quý bổ sung vào bộ sưu tập mà mình biết thủ trưởng đơn vị nào đó đang có, thì mình viết thư tay để xin. Có nơi, mình viết thư cho thủ trưởng đến 4 lần mới nhận được hồi âm và khi biết mục đích của mình thì cũng vui vẻ gửi cho” - anh Nghĩa chia sẻ.

Bảo tàng thu nhỏ

Nguyễn Văn Nghĩa là con út trong gia đình có 4 anh chị em. Anh vừa lập gia đình và cùng vợ sống với cha mẹ ruột. Nếu có dịp ghé thăm ngôi nhà này, bất cứ ai cũng phải ngỡ ngàng vì số lượng hiện vật được anh trưng bày tại đây. Một căn nhà lớn cùng khoảng sân rộng, với tổng hơn 1.000m2, được bố trí khoa học từng góc, từng nơi theo từng chủ đề, chủ điểm kèm ghi chú để người xem dễ hiểu, dễ nhớ. Tất cả đều là hiện vật được anh dày công tìm tòi, sưu tầm.

Bộ sưu tập hiện vật của người nguyên thủy - Ảnh: Nguyễn Văn Nghĩa

Chiếc rìu đá được anh Nguyễn Văn Nghĩa sưu tầm từ năm lớp 6 - Ảnh:Như Nam

Và để làm được những điều này, chắc chắn anh phải có hậu phương giúp đỡ vô điều kiện, đó là gia đình. Ông Nguyễn Quang Khải - bố của anh Nghĩa, cho biết: “Con tôi đam mê sưu tầm từ năm 8 tuổi. Lúc đó, gia đình đi thăm quê ở ngoài Bắc, thấy có mấy món đồ thời chiến tranh của các bác, các chú, Nghĩa xin làm kỷ niệm. Trong suốt những năm tháng tuổi thơ đến tận bây giờ, con vẫn miệt mài sưu tầm. Gia đình cũng tạo mọi điều kiện để con theo đuổi đam mê ấy”.

Gia tài của anh Nghĩa cũng là “địa chỉ đỏ” để Bảo tàng tỉnh kết nối, chia sẻ nhiều hiện vật quý hiếm đến với công chúng qua những lần trưng bày. Ngược lại, Bảo tàng tỉnh cũng là nơi anh có thể học hỏi, trao đổi thêm kiến thức, kinh nghiệm về bảo quản để gìn giữ giá trị hiện vật.

Nguyễn Văn Nghĩa là trường hợp khá hiếm trên địa bàn tỉnh, người trẻ mà đã có niềm đam mê lớn với việc sưu tầm, chịu khó tìm tòi và sở hữu nhiều món đồ có giá trị. Đó cũng là niềm động viên, khích lệ rất lớn với những người yêu thích công việc bảo tồn, lưu trữ hiện vật.

Ông PHẠM HỮU HIẾN, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Phước

Sưu tầm hiện vật không phải là công việc đơn giản mà là cả một quá trình. Với những gì anh Nghĩa tìm kiếm và lưu giữ cũng không sinh lợi nhuận kinh tế trước mắt. Vậy nhưng chàng thanh niên trẻ, Thôn đội trưởng, kiêm Bí thư Chi đoàn thôn này vẫn kiên trì theo đuổi và luôn cháy bỏng niềm đam mê sưu tập được nhiều hiện vật hơn nữa. Lý giải điều này, anh Nghĩa chỉ gửi gắm một thông điệp: “Tôi đam mê sưu tầm không phải chỉ cho bản thân mình mà mong muốn gìn giữ cho con cháu, thế hệ tương lai biết những giá trị lịch sử của ông cha ta qua từng thời kỳ, đặc biệt là lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam - cán bộ, chiến sĩ đã sử dụng những gì để chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc”.

Ly Na

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/136279/nguoi-giu-hon-hien-vat