Người 'giữ hồn' nghề khảm sành, khảm sứ
Giữa lúc nhiều nghề thủ công đang dần mai một, thầy giáo Nguyễn Quang Thuận (xã Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn bền bỉ gắn bó với nghề khảm sành, khảm sứ.

Thầy Nguyễn Quang Thuận đã có hơn 10 năm sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật từ mảnh sành, sứ vỡ.
Từng một thời thịnh vượng ở vùng đất Bình An, huyện Lộc Hà cũ, nay là xã Lộc Hà (Hà Tĩnh), nghề khảm sành, khảm sứ giờ đây chỉ còn là hoài niệm của những người cao tuổi. Giữa nhịp sống hiện đại, ít ai còn đủ kiên nhẫn để tỉ mẩn bên từng mảnh sành, sứ vỡ. Thế nhưng, trong nếp nhà nhỏ ở thôn Thống Nhất (xã Lộc Hà) vẫn có một người đang lặng lẽ gắn bó với nghề khảm sành, sứ bằng tất cả lòng yêu nghệ thuật. Đó là thầy Nguyễn Quang Thuận (SN 1983) - giáo viên mỹ thuật tại Trường Tiểu học Hồng Lộc. Thầy Thuận đã có hơn 10 năm mày mò, sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật từ mảnh sành, sứ vỡ.


Thầy Nguyễn Quang Thuận miệt mài khảm sành, tạo nên tác phẩm rồng sống động.
“Ban đầu chỉ là sự tò mò và yêu thích khi thấy những bức tường khảm ở đình làng, chùa miếu. Rồi mỗi lần đi qua những chỗ người ta đổ bát đĩa, lọ hoa vỡ, tôi lại nhặt về. Vừa tiếc, vừa thấy chúng có một vẻ đẹp riêng, cái đẹp của sự dang dở, gập ghềnh nhưng khi kết nối lại sẽ tạo nên một câu chuyện mới” - thầy Thuận chia sẻ.
Không qua trường lớp đào tạo chuyên nghiệp về điêu khắc hay khảm sành, sứ nhưng với nền tảng kiến thức hội họa sẵn có cùng tình yêu đặc biệt dành cho mỹ thuật dân gian, thầy Thuận đã tự học, tự mày mò từ những cuốn sách cũ, video trên mạng, từ lời kể của các cụ cao niên trong làng. Mỗi sản phẩm ra đời là kết quả của một quá trình vừa lao động thủ công, vừa sáng tạo nghệ thuật.
Theo thầy Thuận, công đoạn tạo ra một bức tranh khảm không hề đơn giản. Từ khâu rửa sạch, phân loại, đến việc lên bố cục, lựa chọn màu, phối hình… đều đòi hỏi sự chính xác, tỉ mỉ và cả linh cảm nghệ thuật. Thời gian hoàn thành mỗi sản phẩm tùy thuộc vào kích thước và các họa tiết của khách hàng yêu cầu. Về kinh phí cũng phụ thuộc vào kích thước các linh vật, dao động từ 5 đến 10 triệu đồng. Các sản phẩm khảm sành, khảm sứ chủ yếu được dùng các nhà thờ, các ngôi đền, mang kiến trúc cổ xưa.


Từng mảnh sành, sứ được thầy Thuận khéo léo xử lý từ các bình hoa, bát vỡ.
Thầy chia sẻ: “Với tôi, mỗi mảnh sành, sứ không đơn thuần là vật liệu. Khi ghép chúng thành hình ảnh như rồng, phượng hay các linh vật, tôi luôn cố gắng để chúng không chỉ hài hòa về màu sắc, hình khối mà còn gợi được cảm xúc, chiều sâu trong tâm thức người xem”.
Chủ đề mà thầy Thuận theo đuổi chủ yếu xoay quanh văn hóa truyền thống như linh vật, tranh phong cảnh... Đặc biệt, tạo hình rồng - biểu tượng quyền uy luôn là lựa chọn hàng đầu. Mỗi chi tiết như vảy, râu, mắt rồng đều được tính toán kỹ lưỡng để thể hiện nét sinh động, oai phong.
Việc lựa chọn những hình ảnh gắn với văn hóa truyền thống không chỉ thể hiện gu thẩm mỹ riêng mà còn gợi lại ký ức một thời nghề khảm từng hiện diện trong đời sống người dân địa phương.

Những tác phẩm độc đáo của thầy Thuận cho thấy nỗ lực hồi sinh những nghề cổ truyền thống, gìn giữ giá trị văn hóa dân gian của thế hệ hôm nay.
Ông Nguyễn Quang Nhân (thôn Thống Nhất, xã Lộc Hà) kể lại: “Hồi trước, quanh vùng này có nhiều người làm khảm sành, sứ lắm nhưng giờ nghề này gần như mất hẳn. Nhìn thầy Thuận cặm cụi làm, tôi thấy quý lắm bởi việc này như giữ lại một phần hồn quê, giúp con cháu sau này biết tới nghề truyền thống của địa phương”.
Chị Nguyễn Thị Hoa (phường Thành Sen) bày tỏ: “Tôi thật sự bất ngờ khi những mảnh sành, sứ vỡ lại có thể trở thành tác phẩm nghệ thuật sống động như vậy. Mỗi tác phẩm vừa có chiều sâu, vừa có sự gần gũi. Tôi cảm nhận được sự nghiêm túc và đam mê thực sự với nghề này của thầy Thuận.”

Cặp rồng khảm sành được thầy Thuận tỉ mỉ thực hiện trong suốt 1 tuần.
Trong khi nhiều người dần lãng quên những giá trị thủ công truyền thống thì thầy Nguyễn Quang Thuận lại chọn cho mình một hướng đi riêng khi cần mẫn làm nghề, bền bỉ giữ nghề khảm sành, sứ. Với thầy, mỗi mảnh sành, sứ được nhặt nhạnh, cắt ghép không chỉ để tạo ra một bức tranh đẹp mà còn để nối dài những giá trị cũ trong một hình hài mới, phù hợp với thời đại. Đặc biệt hơn, những tác phẩm độc đáo của thầy Thuận không chỉ truyền cảm hứng về sự sáng tạo mà còn cho thấy nỗ lực hồi sinh những nghề cổ truyền thống, gìn giữ giá trị văn hóa dân gian của thế hệ hôm nay.
Video: Thầy Nguyễn Quang Thuận bền bỉ giữ nghề khảm sành, sứ.
Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/nguoi-giu-hon-nghe-kham-sanh-kham-su-post292267.html