Người giữ hồn tranh gói vải độc đáo
Tranh gói vải là sự kết hợp độc đáo giữa hội họa và thủ công. Nghệ nhân Nam bộ tạo ra những bức tranh nổi (3D) sống động, để lại tiếng vang một thời.
Bỏ học chữ, theo học nghề
Tranh gói vải (còn gọi là tranh gói nổi) là dòng tranh “3D” thịnh hành nhất những năm 1956 - 1965. Sự kết hợp độc đáo giữa hội họa và thủ công, cộng với khối óc sáng tạo của nghệ nhân đã tạo ra những bức tranh vô cùng sống động như những loại tranh được tạo ra bằng kĩ thuật 3D hiện đại ngày nay.
Mặc dù đã 84 tuổi nhưng ông Hồ Văn Tai (còn gọi là ông Út Tai) vẫn chung thủy với cái nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và phải hết sức kiên nhẫn, kiên trì này. Ông được xem là truyền nhân cuối cùng của dòng tranh gói vải nổi tiếng nhất miền Nam giữa thế kỉ XX.
Theo ông Út Tai, dòng tranh gói vải này do ông Trần Văn Huy - một thầy giáo dạy thủ công ở trường tỉnh lị Sa Đéc xưa sáng lập năm 1948. “Năm đó tôi mới 16 tuổi, đang học lớp Tiếp liên (Cours Certifíe) tại trường Tỉnh lị Sa Đéc. Trong tiết học thủ công của thầy Huy phải dùng đến hồ dán nên lũ học trò chúng tôi mới kéo đến cửa hiệu Thủy Tiên của thầy để xin hồ. Tại đây, tôi thấy những bức tranh phong cảnh thầy làm rất đẹp. Mê quá nên quyết tâm phải theo cho bằng được”, ông Út kể về cơ duyên đến với nghề.
Thời bấy giờ, tại Sa Đéc có rất đông người Hoa sinh sống. Những dịp cúng chùa hoặc đám tang, họ đặt nhiều tấm lị (tấm vải đứng, chiều dài 2,2m, ngang 1m có dán 4 chữ Hán, dùng viếng đám tang thay cho vòng hoa ngày nay), tấm chấn (tương tự tấm lị nhưng dùng để viếng đình, chùa). Do đó, mỗi lần như thế, khách hàng đến đặt 200 - 300 tấm, các học viên tại cửa hiệu phải làm ngày đêm mới kịp giao hàng.
Thấy sản phẩm quá đơn điệu nên ông Huy đã nghĩ ra vẽ chữ lên giấy mỏng, rồi ướm vào giấy carton để tạo độ cứng cho chữ. Đồng thời, ốp vải phía ngoài để chữ đẹp hơn. Sau đó, ông thử độn thêm bông gòn vào trước khi ốp vải thì quả nhiên có sự khác biệt.
Với cách tương tự, chủ cửa hiệu Thủy Tiên còn làm thêm hình gói vải để điểm xuyến cho sản phẩm được sinh động, nổi bật và có hồn hơn. Cứ thế, tranh gói vải cải tiến từng ngày, từ chữ nổi, sang hình con vật và thậm chí tranh phong cảnh, hình chân dung người. Sự sáng tạo này đã mở ra một trào lưu nghệ thuật mới, một dòng tranh mới ra đời và thịnh hành nhất ở giữa thế kỉ XX.
Năm 1956, cửa hiệu Thủy Tiên dời về Sài Gòn, ông Út Tai cũng theo thầy đi lập nghiệp. Thời điểm đó, tiệm ăn nên làm ra, mỗi tháng ông Út Tai được trả lương 3 ngàn đồng, tương đương với một cây vàng. Tuy có công việc ổn định, lương lại cao nhưng niềm đam mê nghệ thuật trong chàng trai xứ hoa kiểng Sa Đéc chưa bao giờ ngừng nghỉ. Ông luôn tìm tòi, tiếp thu kiến thức mới để tay nghề mình càng ngày càng được nâng cao. Tình cờ, ông Út quen một người bạn đang theo học tại Trung tâm Hội họa - Điêu khắc Thế hệ của họa sĩ - điêu khắc gia Mai Lân và nghe nói có mở lớp dạy buổi tối nên ông đăng kí theo học.
Suốt thời gian đó, ban ngày ông miệt mài làm việc tại tiệm, ban đêm đi học vẽ. “Tôi ham học vẽ lắm nhưng đang đi làm tại tiệm, nếu học công khai thì bị đuổi việc. Vì vậy, cứ 18h tối là nói dối đi chơi nhưng thật ra là lén đi học. Học đến 22h rồi về ngủ nhờ nhà anh bạn. Sáng sớm hôm sau, lại lót tót chạy về cửa hiệu làm việc giống như hôm qua đi chơi cả đêm”, ông Út Tai kể.
Vang bóng một thời
Sau một năm rưỡi ròng rã, ông Út Tai tốt nghiệp lớp hội họa và ra mở cửa hiệu riêng. Năm 1960 cửa hiệu tranh gói vải Trúc Lam ra đời.
Tranh gói vải được làm từ vải, bông gòn, giấy mỏng, giấy carton và khung vải lụa trắng làm phông nền. Đầu tiên, nghệ nhân phác họa hình ảnh trên giấy mỏng, sau đó ướm vào giấy carton để cắt hình ra. Tiếp theo, bôi hồ keo lên bề mặt phần giấy đã cắt, rồi xé nhỏ từng miếng bông gòn dán vào cho đến khi đạt độ phồng mong muốn.
Vừa tỉ mỉ xé nhỏ từng miếng bông gòn để dán vào hình một con trâu vừa cắt xong, bà Nguyễn Thị Bạch Thủy (78 tuổi, vợ ông Út Tai) vừa nói: “Công đoạn này rất quan trọng, phải dán làm sao để khi ốp vải vào có bề mặt thật bằng phẳng, không bị lồi, lõm, nhăn nhúm thì con vật mới đẹp. Cái nghề này công đoạn nào cũng phải làm từng chút, từng chút một vậy đó. Phải kiên nhẫn, ai mà tính nóng, hấp tấp là không trụ cái nghề này được đâu”.
Bà Thủy (cư dân Sài Gòn) chưa từng học ngày nào về tranh gói vải nhưng chính dòng tranh này đã se duyên cho vợ chồng bà. Sau đám cưới, cửa hiệu Trúc Lam ngày càng đông khách và bắt đầu mở nhiều đại lí từ Nam ra Bắc. Lúc bấy giờ, có 7 - 8 người học trò xin theo học nghề của ông Út. Những năm 60 rất thịnh hành tranh về Phật giáo. Có khi cả tuần thầy trò phải thức trắng gói mấy chục vị Phật để giao cho khách. Bà Thủy kể: “Đêm nào tiệm cũng sáng đèn. Lúc quán cơm bình dân ở đối diện chuẩn bị dọn hàng ra bán thì tụi tôi mới đi ngủ”.
Chẳng được bao lâu thì thời cuộc loạn lạc. Năm 1965, vợ chồng ông Út Tai về lại quê nhà ở Sa Đéc. Tại đây, nghệ nhân vẫn làm tranh gói vải nhưng không còn ánh đèn điện, không học trò phụ trợ, mà chỉ chong đèn lọ mọ làm một mình. Bà Thủy tâm sự: “Hồi trước, tôi chỉ lo cơm nước, con cái trong nhà thôi chứ đâu có làm tranh. Rồi thấy chồng ban đêm ngồi bên đèn dầu thui thủi làm nên tôi bắt đầu học gói vải và cùng làm với ổng cho đến bây giờ”.
Đón lấy hình con trâu vừa được vợ dán bông gòn xong, ông Út dùng miếng vải đen ướm thử lên con vật, rồi cắt cẩn thận. Đôi mắt của ông lão U90 đã không còn tinh anh. Đôi tay thoắt thoắt ngày nào giờ run run không cầm vững. Thế nhưng ông vẫn khéo léo quết hồ bôi lên mặt sau phần giấy carton hình con trâu, rồi cắt nhỏ phần rìa miếng vải để xốc nét (tạo những chi tiết nổi - chìm) các bộ phận như đùi, tay, nếp nhăn… cho con vật được mềm mại.
Tiếp đó, ông căng mảnh vải lụa trắng làm tiếp một bức tranh gói nổi hoa sen, loài hoa đặc trưng của quê hương ông. Lúc này, ông Út Tai không chỉ là một nghệ nhân thủ công, mà còn là họa sĩ thực thụ, tay cầm cọ lấy màu, rồi chấm phá từng nét như thổi hồn cho tác phẩm thêm sống động.
Đang mải mê vẽ, ông bỗng dừng lại, rồi thở dài: “Tôi nghĩ nghề này sẽ thất truyền, bởi ít có người đam mê. Mặt khác, thời gian để thành nghề thì rất lâu, mà tiếc là năm nay tôi lớn tuổi rồi, chết sống không biết giờ nào nên tôi nghĩ không đủ khả năng để dạy”.
Ngót nghét 70 năm trong nghề làm tranh gói vải, ông Út Tai coi làm tranh là niềm vui tuổi già. Ông tâm sự: “Tôi còn ý nguyện là khi sức khỏe mình còn, tôi muốn làm một cuộc triển lãm từ 70 - 80 bức tranh với những đề tài khác nhau. Tôi mong, nó là kỉ niệm sau cùng để người ta nhớ đến mình, cũng như “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”. Tôi chỉ mơ ước vậy thôi”.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/nguoi-giu-hon-tranh-goi-vai-doc-dao-1675774.tpo