Người giữ 'kho báu' cho làng

Làng Thanh Lộc, xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên vẫn truyền tai nhau về 'kho báu' trong nhà ông Lý Văn Căn với hàng trăm cuốn sách Hán Nôm quý giá được lưu giữ cẩn thận và được truyền lại cho thế hệ con cháu. Dù ở tuổi 66 nhưng 'người giữ kho báu' này vẫn trân trọng, giữ gìn cho đời sau giá trị của văn hóa tín ngưỡng dân tộc mình.

Những cuốn sách chữ Hán Nôm được ông Lý Văn Căn cất giữ cẩn thận

Những cuốn sách chữ Hán Nôm được ông Lý Văn Căn cất giữ cẩn thận

Phải đặt lịch trước 2 tôi mới có thể gặp được ông Lý Văn Căn. Lý giải cho sự chờ đợi đó, anh Lê Viết Dũng, công chức văn hóa xã hội xã Ngọc Thanh cho biết: “Là người dự báo cũng như “hóa giải” mọi lo lắng, hoài nghi và cân bằng tâm lý cho người dân nơi đây, cứ trong làng có các nghi lễ lớn như cất nóc, động thổ làm nhà, cưới xin, đám hiếu… là ông Căn lại có mặt, nên muốn gặp ông phải hẹn trước vì thời gian của ông kín hết, đặc biệt ông là người rất chuẩn giờ”.

Từ thành phố Vĩnh Yên, chúng tôi mất 1 tiếng rưỡi đồng hồ mới có thể tới được ngôi nhà của ông. Đã được cán bộ xã hẹn trước, ông Căn ở nhà chờ đoàn tới. Ngôi nhà nhỏ nằm ngay đầu làng, bước vào bên trong, chúng tôi đã thấy sự tươm tất và chu đáo của chủ nhân qua cách sắp đặt, bày biện mọi thứ, nhưng có lẽ gian buồng bên trong - nơi cất giấu “kho báu” của ông Căn mới làm chúng tôi chú ý.

Gian phòng rộng chừng 10-15 m2 chứa đầy sách, tranh. Trên chiếc bàn nhỏ cũ kỹ còn bày khá nhiều sách ông đang đọc dở. Sau cuộc trò chuyện, ông Căn mới cho chúng tôi chiêm ngưỡng một vài cuốn sách gia truyền và bức tranh đặc biệt cất giữ trong chiếc hòm sắt. Nhìn qua toàn là chữ Hán Nôm, chỉ khi ông Căn nói cụ thể về từng cuốn sách, chúng tôi mới hiểu đó là những bí truyền của gia đình về các phong tục, tập quán, tín ngưỡng của người Sán Dìu.

Ông Căn chia sẻ: “Là người dân tộc Sán Dìu, gia đình tôi không có gì quý hơn là những thứ này do các cụ để lại. Thời xưa, truyền thống các cụ nhà tôi 7 đời nho giáo và làm thuốc đông y; các cụ dòng họ nhà tôi rất giỏi về chữ nho và làm thuốc. Từ năm 12 tuổi, tôi đã được học chữ nho. Khi các cụ mất, tôi giữ chúng như linh hồn của mình, hiện gia đình tôi còn giữ được hàng trăm cuốn sách để lại”.

Nhìn những cuốn sách đã cũ, thậm chí có phần phai mờ theo dấu thời gian, nhưng ông Căn vẫn nâng niu, gìn giữ chúng như một tài sản vô giá, chúng tôi mới hiểu giá trị của nó như thế nào. Ông chia sẻ thêm: "Nhiều cuốn sách đã có dấu hiệu mục và sờn, nên tôi phải cất trong hòm, khóa lại và cho lên cao, tránh ẩm mốc, côn trùng cắn. Mỗi một trang bị mờ là tôi chép lại, thậm chí sao lại cả cuốn trong nhiều ngày. Dù vất vả, nhưng giữ được "linh hồn" cho làng, để các thế hệ con cháu mai sau hiểu biết và giữ gìn văn hóa phong tục của dân tộc mình".

Ý thức được nguồn “tài sản” văn hóa vô cùng quý giá, ông Căn đã trau dồi kiến thức, thực hành thuần thục những giá trị lễ nghi cha ông để lại và khi được “cấp sắc”, rồi theo các cấp bậc, ông đã giúp dân làng thực hiện các nghi lễ vào những dịp đại sự… Người dân trong làng yêu mến, khâm phục luôn gọi ông là “thầy Căn”.

Theo phong tục của người Sán Dìu, tầng lớp tri thức dân tộc (thầy cúng) phải trải qua nhiều giai đoạn thử thách, phấn đấu học tập. Thứ nhất phải có “tâm” - tức là ý chí học tập từ thủa nhỏ, đồng thời là “con nhà nòi”. Người Sán Dìu có câu "Dịu thoi dịu coóc”, tức “có đầu thì mới có chân”.

Bức tranh các cụ để lại được ông Căn cất giữ cẩn thận

Bức tranh các cụ để lại được ông Căn cất giữ cẩn thận

Tầng lớp này phải qua mấy bước như: Một là tuổi 12-14 cấp tên pháp danh, tuổi 15-18 phải học chữ Nho và học cúng. Tuổi 20-30 học đạo - tiếp tục học chữ Nho - nâng cấp kiến thức. Tuổi 36-40 trở thành thầy bậc thấp được làm lễ “Đại phan - cấp sắc”. Có một “hội đồng thầy cúng” kiểm tra công nhận là “Phan chúy”.

Sau khi được qua lễ “Đại phan” thì được công nhận là thầy cúng chính thức có đủ “quyền bính” đi làm một số việc tâm linh cho cộng đồng như tạ thổ, tạ mộ, làm chay (làm ma), trấn trạch, giải hạn... Người giỏi có thể xem được ngày lành, tháng tốt để làm nhà, làm cổng, cưới xin... Và khi hành nghề, hầu hết thầy cúng phải theo sách.

Với ông Căn, từ những gì cha ông truyền dạy, ông đã giúp nhiều người dân hiểu, trân trọng giá trị phong tục riêng biệt của dân tộc mình. Với mỗi nghi lễ như cưới hỏi, đám tang, sinh con... người Sán Dìu đều coi là thiêng liêng, phải có thầy cúng "dẫn dắt" hay "làm phép" để mọi thứ diễn ra được an lành, tốt đẹp, không "phạm" vào quy luật của trời đất.

Ông Căn đã lưu giữ được hàng trăm cuốn sách gia truyền làm từ giấy dó mỏng, viết chữ Hán Nôm. Những cuốn sách này có tuổi đời hàng trăm năm, chủ yếu là sách nghi thức cúng, bùa phép, trừ ma, trừ tà, sách xem ngày làm nhà cửa, cất mả, cưới xin…

Cũng theo phong tục nơi đây, trước khi thực hành, sách phải được “trình” lên tổ tiên qua nghi thức cúng báo. Ông Căn cũng mở lớp truyền dạy cho những người dân trong làng, nhưng ông đặc biệt chú trọng, chỉ chọn dạy cho người có tâm đức. Một nghi lễ không thể thiếu là phải có lễ trình để học, học xong phải lễ tạ.

Thời gian trôi đi, xếp chồng thêm lớp bụi và sự phôi pha của văn hóa dân tộc khi luồng "gió" ngoại lai xâm lấn, ông Căn vẫn ngày đêm gìn giữ những cuốn sách như canh giữ "kho báu" cho làng để mỗi người dân nơi đây thêm trân quý, nể phục.

Bài, ảnh: Thu Thủy

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/94994//%EF%BB%BFnguoi-giu-%E2%80%9Ckho-bau%E2%80%9D-cho-lang