Người 'giữ lửa' cho thôn Kỳ Đu

Già làng Mang Hiếu đọc Báo Phú Yên để cập nhật chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Ảnh: NGÔ XUÂN

Ở tuổi 86 nhưng già làng Mang Hiếu ở thôn Kỳ Đu (xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân) vẫn còn minh mẫn, cứng cỏi và giòn giã với những câu chuyện bất tận của buôn làng. Nơi đây, già làng Mang Hiếu được người dân kính trọng và xem là người “giữ lửa” cho thôn Kỳ Đu.

Già làng Mang Hiếu kể lại: Xuất phát điểm của thôn Kỳ Đu là ở vùng Đá Chẹt, một hóc núi chật hẹp cách làng hiện nay chừng 6km. Trước đây, cuộc sống của bà con nơi đây vô cùng khó khăn, thiếu thốn; người dân nghèo đói, bệnh tật quanh năm. Sau này nhờ có Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình 135, nhiều công trình về điện, đường, trường, trạm đã làm cho buôn làng đổi mới, cuộc sống người dân dần khá lên.

Năm 1980, ông Mang Hiếu bắt đầu tham gia dân quân tự vệ ở thôn Kỳ Đu; sau đó làm phó thôn Kỳ Đu. Năm 2000, già làng Mang Hiếu được người dân tín nhiệm bầu là người có uy tín. Đến nay, với thời gian 20 năm, ông hiểu được những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và tìm ra nhiều hướng đi mới để cải thiện đời sống, phát triển kinh tế cho buôn làng. Già làng Mang Hiếu tâm sự: “Trước đây, người dân trồng lúa rẫy rất bấp bênh, không mang lại thu nhập, khó khăn trăm bề. Nghe theo cán bộ của Đảng, Nhà nước, tôi đã vận động người dân chuyển hướng sang trồng keo, mía, sắn với các giống mới có năng suất cao. Nhờ vậy, đời sống người dân Kỳ Đu ngày càng no đủ”.

Ngoài việc chăm lo đời sống vật chất thì đời sống tinh thần cũng được già làng Mang Hiếu xem trọng. Trước đây, việc đến trường, đến lớp chỉ là việc phụ; người dân còn bận tâm đến cái ăn, cái mặc nên chẳng mấy người để cho con cái theo đuổi cái chữ. Với sự tuyên truyền, vận động của già làng Mang Hiếu, hiện nay, người dân thôn Kỳ Đu hiểu rằng, phải đi học, phải có cái chữ mới thoát nghèo, mới cải thiện đời sống. Nhờ vậy đến nay, tỉ lệ trẻ em đến tuổi ra lớp của thôn đạt 100%; 100% trẻ em đến tuổi đều biết chữ; nhiều em học lên đại học, trung cấp và học nghề. Thôn Kỳ Đu không còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; không còn tồn tại các hủ tục lạc hậu; nhiều năm liền giữ vững danh hiệu thôn văn hóa của xã.

Ông Nguyễn Đức Thi, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2, cho biết: Ở thôn Kỳ Đu, già làng Mang Hiếu như người “giữ lửa” của người đồng bào dân tộc Chăm. Ông là người có công lưu giữ được bộ cồng ba chiêng năm và thường xuyên tổ chức cho người dân sinh hoạt vào các ngày lễ hội văn hóa đặc thù của người đồng bào nơi đây; tổ chức các buổi giao lưu văn hóa văn nghệ giữa các dân tộc trên địa bàn huyện. Trong thôn, khi triển khai những công việc cần sự đồng thuận cao của người đồng bào dân tộc thiểu số, hòa giải các tranh chấp, mâu thuẫn… đều có sự góp sức của già làng Mang Hiếu. Đặc biệt, mặc dù tuổi cao nhưng già làng Mang Hiếu luôn chủ động học tập, tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất để cải thiện đời sống người đồng bào dân tộc thiểu số thôn Kỳ Đu.

NGÔ XUÂN - DƯƠNG TRÍ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/245098/nguoi--giu-lua--cho-thon-ky-du.html