Người giữ 'lửa' Soọng cô

Hát Soọng cô là nét văn hóa lâu đời của đồng bào dân tộc Sán Dìu. Trải qua thời gian, do có sự giao thoa giữa các nền văn hóa, loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này đã có nguy cơ bị mai một, nhưng với quyết tâm không để những câu hát mang tâm hồn của dân tộc mình bị thất truyền, người dân tộc Sán Dìu ở Sơn Dương đã nỗ lực giữ gìn, bảo tồn để những lời hát Soọng cô vang mãi. Góp công đầu trong việc này là Nghệ nhân Ưu tú Lục Văn Bảy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) hát Soọng cô xã Ninh Lai.

Đam mê văn hóa dân tộc

Tiếp đón chúng tôi trong căn nhà nhỏ, ông Bảy kể, ông là con út trong gia đình có 7 anh chị em, mẹ làm nghề nông, bố làm nghề bốc thuốc nam. Cả gia đình đều đam mê hát Soọng cô, từ thuở nằm nôi, ông đã được bố mẹ ru bằng câu hát Soọng cô. Lúc lẫm chẫm tập đi, khi bi bô học nói, ông được bố mẹ dạy hát đồng dao. Năm 10 tuổi, ông theo các anh, chị trong làng đến các thôn, bản có đồng bào dân tộc Sán Dìu hát giao duyên. Thời son trẻ, những cuộc hát Soọng cô của ông và các bạn kéo dài hết thôn bản này, sang thôn bản khác, ông không nhớ nổi mình đã đi hát bao nhiêu cuộc như vậy.

Ông Lục Văn Bảy, Chủ nhiệm CLB hát Soọng cô xã Ninh Lai (Sơn Dương) dạy hát cho các em nhỏ.

Ông Lục Văn Bảy, Chủ nhiệm CLB hát Soọng cô xã Ninh Lai (Sơn Dương) dạy hát cho các em nhỏ.

Nhâm nhi tách trà, ông kể cho chúng tôi nghe câu chuyện lần ông được gặp cố Tổng Bí thư Đỗ Mười và được bác căn dặn như thế nào. Cũng chính từ câu nói đó mà ông quyết tâm giữ gìn và truyền dạy điệu hát Soọng cô cho đến nay. Năm 1991, ông được đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần VII. Giờ nghỉ giải lao, ông ra gặp bác Đỗ Mười. Lúc đó, ông mặc bộ quần áo sơ mi thắt cà vạt. Bác Đỗ Mười bảo: “Thế anh là người Sán Dìu mà mặc thế này ai biết anh là dân tộc Sán Dìu, tôi cứ tưởng anh là người Kinh”. Lúc đó, ông rất hồi hộp, báo cáo với bác Đỗ Mười rằng dân tộc cháu ngày xưa là quần nâu, áo vải. Bây giờ cháu đi đại hội, nên mới mặc quần áo sơ mi. Sau đó bác Đỗ Mười nói: “Anh là người con ưu tú của dân tộc Sán Dìu, là dân tộc thiểu số, hãy về tuyên truyền cho đồng bào mình phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là tiếng nói”.

Sau Đại hội trở về, lúc nào ông cũng đau đáu suy nghĩ làm thế nào giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Thế rồi ngày ấy cũng đến khi Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã thổi vào đời sống đồng bào một làn gió mới. Như cá gặp nước, ông tham gia phục dựng lại đám cưới và hát giao duyên của dân tộc Sán Dìu. Ông là người trực tiếp giúp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng lại cuốn phim đầu tiên của dân tộc Sán Dìu với tên gọi “Khát vọng”. Cuốn phim được phát cho bà con dân tộc mình xem ai cũng thích và tự hào.

Tâm huyết với thế hệ trẻ

Lo lắng bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc mình sẽ bị thất truyền, ông cùng các cụ cao niên trong xã đã đứng ra vận động những người biết hát trong làng thường xuyên tổ chức hát giao lưu với các địa phương khác. Đồng thời, quyết tâm thành lập CLB hát Soọng cô ngay tại địa phương. Và rồi, khi những làn điệu Soọng cô lan tỏa khắp các thôn, bản thì CLB hát Soọng cô của xã cũng chính thức ra đời năm 2004. Ông được bầu làm Chủ nhiệm CLB.

Các em nhỏ tham gia lớp học giữ gìn Tiếng hát Soọng cô trong dịp hè năm 2019.

Các em nhỏ tham gia lớp học giữ gìn Tiếng hát Soọng cô trong dịp hè năm 2019.

Chị Đỗ Thị Man, Đội trưởng thôn Cây Đa nói, ngày mới thành lập, nhiều người còn bỡ ngỡ về lời hát và nhịp phách. Nhưng rồi mọi người được ông Bảy hướng dẫn thuần thục, dần dần biết hát và hát hay hơn. Các bài hát ru, hát đối đáp, giao duyên, chào hỏi; hát mời khách, tiễn khách… với cách ví von rất ý nhị nhưng tình tứ và lãng mạn của làn điệu Soọng cô đã nói lên tâm tư, tình cảm của người hát. Tham gia CLB, mỗi thành viên thấy gần gũi và hiểu nhau hơn. Qua đó, còn góp phần truyền bá ngôn ngữ, khuyến khích mọi người tìm hiểu cái hay, cái đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc mình.

CLB luôn chú trọng đến việc phát triển hội viên mới. Theo đó, mỗi năm CLB phát triển thêm từ 5 - 10 thành viên, chủ yếu là do Chi hội Người cao tuổi, Chi hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên các thôn, bản giới thiệu. Đến nay, CLB đã có trên 120 hội viên, trong đó, người nhiều tuổi nhất là 80 tuổi, người nhỏ tuổi nhất chỉ mới 6 tuổi.

Em Trương Bảo Thi, thành viên CLB bày tỏ, mỗi khi đến CLB sinh hoạt, em còn được học đọc và viết rất nhiều chữ Sán Dìu. Qua đó, em đã hiểu được những bài học sâu sắc, ý nghĩa trong những câu hát Soọng cô luôn hướng con người đến điều thiện, sống có ích, biết yêu thương mọi người…

Với ông Bảy, còn sức khỏe, còn có thể hát thì phải cố gắng hết sức để truyền dạy những gì tinh túy nhất của làn điệu dân ca của dân tộc cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, ông cũng luôn trăn trở, việc “chiêu nạp” thành viên trẻ khá vất vả bởi là người dân tộc nhưng nhiều cháu hiện không biết nói tiếng Sán Dìu. Vì vậy, để hát được tròn vành rõ tiếng, rồi chỉnh sửa từng lỗi nhỏ trong câu hát, nhịp phách không hề đơn giản. Nhưng “mưa dầm thấm lâu”, ông và những thành viên có tuổi trong CLB vừa kiên trì uốn nắn, vừa động viên để các cháu hiểu được trách nhiệm của bản thân trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Giờ các cháu đã biết hát đúng giọng và biết được ý nghĩa từng lời hát, câu hát nên đã tích cực tham gia.

Ông Bảy không chỉ thuộc nằm lòng nhiều ca từ, mà còn là chủ sở hữu của những cuốn sách do các cụ ghi chép lại về phong tục tập quán và câu hát ví bằng chữ Hán cổ. Ông thường cặm cụi đọc lời bài hát bằng chữ Hán, rồi chép lại trên trang vở bằng tiếng dân tộc Sán Dìu. Nhìn từng cuốn sách bằng giấy đã ố vàng vì thời gian, ai cũng cảm phục đức tính kiên trì và niềm đam mê câu hát Soọng cô của ông. Đến nay, ông còn lưu giữ được hơn 1.000 bài hát Soọng cô và đang mang toàn bộ vốn liếng dân gian nắm giữ được để thực hành, truyền dạy lại cho thế hệ trẻ.

Ông còn cùng các thành viên trong CLB tổ chức dạy tiếng nói Sán Dìu cho thế hệ trẻ vào mỗi dịp hè; tổ chức cho các thành viên giao lưu với các CLB hát Soọng cô ở các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên và đạt được 3 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc tại các cuộc Liên hoan tiếng hát Soọng cô.

Đắm đuối, say mê và cống hiến hết mình cho nghệ thuật dân tộc, năm 2019, ông Lục Văn Bảy vinh dự là người đầu tiên của xã Ninh Lai được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Phần thưởng cao quý mà bất cứ người nghệ sỹ nào cũng mong muốn nhận được. Chia tay chúng tôi khi bóng chiều đã ngả sau dãy núi Ninh Lai, ông bày tỏ: “Mừng lắm khi cống hiến của mình cho nghệ thuật đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận. Giờ chỉ mong có sức khỏe để ông tiếp tục truyền dạy, giúp thế hệ trẻ tìm hiểu những cái hay, cái đẹp của văn hóa dân tộc; để di sản văn hóa dân tộc được gìn giữ, bảo tồn”.

Phóng sự: Minh Thủy

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/nguoi-giu-lua-soong-co-132188.html