Người giữ nét văn hóa đồng bào Êđê
Trăn trở trước vốn văn hóa của đồng bào Êđê đang dần mai một, từ hơn 20 năm nay, ông Y Hy (xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa) đã bỏ công đi tìm hiểu, sưu tầm những hiện vật, phong tục truyền thống của dân tộc với mong muốn những thế hệ sau biết về lối sống, cách nghĩ, tâm hồn của ông bà mình...
Ông bí thư tâm huyết
Từ 12 năm trước, chúng tôi đã có dịp làm quen với ông Y Hy, khi đó đang là Chủ tịch UBND xã Ninh Tây, còn bây giờ ông đang đảm nhiệm vai trò Bí thư Đảng ủy xã Ninh Tây. Được sinh ra, lớn lên ở mảnh đất Ninh Tây - nơi có đông đồng bào Êđê cư trú với những lời hát, tiếng chiêng ngân nga trong mỗi buôn làng, tâm hồn, tình cảm sâu nặng của ông dành tất cả cho văn hóa của đồng bào mình. Sau này, khi những giá trị văn hóa của cộng đồng người Êđê dần mai một, ông cứ trăn trở, mải miết đi tìm...
Ông thầm lặng đến các gia đình, mỗi buôn làng để nói cho người dân hiểu việc gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Nghiệt ngã thay, làm văn hóa không chỉ nói suông được. Những lời hay ý tốt của ông không giúp đồng bào no cái bụng, ấm cái thân nên những ngôi nhà sàn, những bộ chiêng, bộ ché… cứ dần bị bà con bán đi. Thất bại không làm cho ông nản chí mà lại thôi thúc ông nghĩ cách để giữ lại được những hiện vật gia truyền của đồng bào.
Hơn 20 năm nay, đôi bàn chân của ông Y Hy đã lặn lội đi đến các buôn làng Êđê ở trong và ngoài tỉnh để sưu tầm, tìm hiểu về các giá trị văn hóa truyền thống còn hiện hữu. Cứ nghe thấy ở nơi nào tổ chức lễ hội, nhà nào có ý định bán đi một món đồ nào đó, ông Y Hy lại tìm đến để được hòa mình với không khí lễ hội, được mua lại những thứ mà người dân bán đi. Tính đến nay, ông Y Hy đã sưu tầm, mua lại được hơn 200 hiện vật gắn liền với đời sống vật chất và tinh thần của người Êđê. Cùng với đó, ông còn giữ được bộ chiêng 11 chiếc với hơn 230 năm tuổi của gia đình truyền lại từ nhiều đời nay. Tất cả được ông cẩn thận gìn giữ từ trang phục, ché rượu cần, cồng chiêng, nhạc cụ, công cụ sản xuất, đồ cúng gia tiên…
Tiếp chúng tôi trong gian phòng khoảng 100m2 mới được xây dựng để làm chỗ trưng bày các hiện vật, ông Y Hy vẫn còn đó nhiều nỗi trăn trở. “Mong muốn của tôi là làm một ngôi nhà sàn theo đúng kiểu truyền thống của đồng bào Êđê để làm chỗ giới thiệu, sinh hoạt văn hóa, nhưng điều kiện chưa cho phép nên chỉ làm được căn phòng này. Đồng bào mình bây giờ ít người quan tâm đến văn hóa truyền thống lắm! Lớp trẻ bây giờ lại càng ít, may ra chúng còn có thể nói được tiếng dân tộc Êđê, nhưng viết chữ thì không mấy đứa biết”, ông Y Hy băn khoăn.
Để nối dài điệu hồn Êđê
Để những vật dụng, nhạc cụ đã sưu tầm được có thể phát huy tác dụng, ông Y Hy đã thành lập một đội cồng chiêng đánh biểu diễn trong các lễ hội và truyền dạy cho thanh niên trong buôn làng. Mỗi lần nhà có khách quý đến chơi, ông lại mời đội cồng chiêng đến đánh để chúc mừng. Với cương vị Bí thư Đảng ủy xã, ông đề xuất đưa lễ cúng bến nước của đồng bào Êđê vào trong nghị quyết của Đảng bộ xã để góp phần bảo tồn, phát huy giá trị. Hàng năm, các thôn buôn trong xã luân phiên nhau tổ chức lễ hội này vào sáng mùng 1 Tết. Chính điều này đã giúp cho lễ cúng bến nước được nhiều người, nhất là lớp trẻ quan tâm trở lại. Và mỗi kỳ diễn ra lễ hội, đồng bào Êđê lại có dịp được nghe những tiếng chiêng, tiếng trống, xem các nghi thức, hoạt cảnh độc đáo của chính dân tộc mình.
Trước thực trạng, đa phần người dân, nhất là lớp trẻ người Êđê chỉ biết nói tiếng mẹ đẻ chứ không biết viết chữ phiên âm tiếng Êđê. Ông Y Hy đã tìm mua những cuốn sách tập đọc và tập viết tiếng Êđê. Có sách rồi, ông dạy cho con gái của mình. “Hiện nay, tôi đang theo học chuyên ngành du lịch. Tôi đã biết tiếng Anh và bây giờ đã có thể nói thông viết thạo tiếng Êđê. Mong muốn của tôi là khi hoạt động du lịch ở địa phương phát triển, tôi có thể giới thiệu cho du khách những nét đẹp văn hóa truyền thống bằng nhiều thứ tiếng, trong đó có cả tiếng mẹ đẻ của mình”, chị H’Ngọc Nhi Niê - con gái ông Y Hy cho biết. Gia đình của ông Y Hy còn nổi tiếng trong vùng với việc làm rượu cần theo đúng công thức truyền thống của người Êđê. Để được như thế là kết quả của bao ngày ông thủ thỉ, vận động người vợ của mình đi học cách làm rượu cần của người già. “Thấy ổng nói đi học cách làm rượu cần, lúc đầu tôi cũng không đồng ý. Mình vừa đi dạy, vừa làm rẫy, lại còn lo việc nhà thì còn thời gian đâu mà làm rượu cần. Nhưng khi nghe chồng nói đây cũng là cách để giữ lại phong tục đẹp của cha ông nên tôi cũng cố gắng”, bà H Đ’ri - vợ ông Y Hy chia sẻ.
Những việc làm lặng thầm của ông Y Hy mấy chục năm qua, đến nay, đã được nhiều người ghi nhận và coi trọng. Nhiều bạn trẻ đã tìm đến ông để được học hỏi, hay đơn giản là được nghe ông nói về ý nghĩa của các loại nhạc cụ, kể những câu chuyện của người xưa truyền lại. Thông qua đó, có thể hiểu biết hơn về suy nghĩ, tâm lý của đồng bào Êđê trong cuộc sống trước đây và hôm nay.
“Tôi mới được luân chuyển về công tác tại xã Ninh Tây. Trong thời gian nắm bắt địa bàn, tôi thường xuyên đến gặp gỡ ông Y Hy để hiểu thêm về văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào mà mình còn chưa hiểu. Những điều đó, rất có ích cho tôi trong công tác để gần gũi, sâu sát hơn với người dân”, Thượng úy Y Bum - Trưởng Công an xã Ninh Tây cho biết. Còn theo ông Nguyễn Văn Lương - cán bộ Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao thị xã Ninh Hòa, những việc làm của ông Y Hy đã đóng góp thiết thực vào việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Êđê. Trên góc độ công tác chuyên môn, mỗi khi trung tâm cần hiện vật có liên quan đến đồng bào Êđê để nghiên cứu, giới thiệu thì ông Y Hy đều sẵn sàng hỗ trợ với một sự am hiểu rất sâu sắc.
Trong lời tâm sự với chúng tôi, ông Y Hy mong muốn sẽ sớm tạo dựng được không gian để làm nơi vừa trưng bày, giới thiệu các hiện vật, vừa trình diễn được các loại hình văn hóa của đồng bào Êđê và cũng làm nơi dạy ngôn ngữ Êđê cho lớp trẻ. Xa hơn, ông hy vọng khu du lịch suối khoáng nóng Trường Xuân sẽ được đầu tư bài bản, hoạt động tốt để có thể giới thiệu cho du khách gần xa nét văn hóa của cộng đồng người Êđê ở Ninh Tây.
Chia tay ông, chúng tôi mang theo niềm vui về tình cảm của một người tâm huyết với văn hóa truyền thống của dân tộc Êđê giữa bộn bề cuộc sống hiện đại.