Người giữ nghề làm bánh truyền thống
Bà Bàng Thị Vân Anh, thôn Thành Công 1, xã Thành Long (Hàm Yên), là người luôn dành nhiều tâm huyết để giữ gìn và đưa nét đẹp ẩm thực của dân tộc Cao Lan đến với nhiều thực khách trong và ngoài tỉnh.
Ngay từ nhỏ, bà Vân Anh đã được các bà, mẹ dạy làm các loại bánh truyền thống của dân tộc, đến năm lên 7, 8 tuổi bà đã làm thành thạo một số loại bánh dễ làm như bánh tro, bánh sừng, bánh vắt vai. Lớn hơn, bà biết đan hình làm bánh chim gâu, bánh chưng… Mỗi loại bánh đều gắn với một ngày lễ trong năm, vì vậy, mỗi phụ nữ dân tộc Cao Lan đều phải khéo léo làm ra được những chiếc bánh để dâng cúng tổ tiên, trời đất.
Bà Vân Anh bảo, bánh truyền thống của người Cao Lan làm cũng rất dễ, tuy nhiên, với loại bánh như bánh chim gâu, bánh gio, công đoạn khó nhất là làm tro. Để làm được tro bánh ngon, có vị mặn, thì người làm bánh phải đi lên rừng, đồi tìm đủ 20 - 30 loại cây như: cây xi phông (đài bi), mắc phời (dâu da đất), cơ mơi tôm (cây màu đất), cây mơ, mận, đào, vải, vỏ cam, quýt… mang đi phơi rồi được đốt thành tro.
Lá dong, lá chít, lá dứa rừng cũng được người Cao Lan thu hái từ trên rừng về. Sau đó, chọn loại nếp dẻo thơm, vo sạch, để ráo nước. Tro được lọc kỹ rồi mới mang đi ngâm gạo làm thành bánh. Bánh ngon nhất là khi được gói bằng lá chít, dứa rừng hoặc lá chuối tùy từng loại bánh. Bánh chỉ ngâm nước tro cho ra bánh màu nâu vàng hổ phách, vị đậm đà của tro quyện thơm mùi lá rừng.
Với giá cả phù hợp, những chiếc bánh truyền thống của dân tộc Cao Lan như bánh gio, bánh chim gâu, bánh vắt vai, bánh mật… do bà Vân Anh làm ra được nhiều người ưa chuộng, không chỉ được tiêu thụ trong xã, trong huyện mà còn được tiêu thụ ở những thị trường khó tính hơn như: Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh… Đó là động lực giúp bà Vân Anh càng thêm cố gắng để làm ra những chiếc bánh thơm ngon, mang đặc trưng riêng của dân tộc.
Để nghề làm bánh không bị mai một, bà đã có ý tưởng khôi phục lại nghề làm bánh truyền thống của dân tộc mình. Năm 2020, bà Vân Anh trở thành trưởng nhóm Cùng sở thích làm bánh truyền thống dân tộc Cao Lan. Với vai trò là trưởng nhóm, bà luôn vận động hội viên phụ nữ tham gia học nghề, làm nghề để giữ gìn nét văn hóa truyền thống vốn có. Hiện nhóm có 15 thành viên thường xuyên hoạt động.
Ngoài việc duy trì làm bánh trong dịp lễ, Tết, mùng một, ngày rằm của các gia đình thì một số thành viên trong nhóm đã làm bánh phục vụ nhu cầu thị trường. Có những thời điểm nhóm bán được gần 2.000 chiếc bánh/ngày. Nhờ làm bánh, nhiều thành viên trong nhóm có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Trong nhịp sống hiện đại hối hả, nhờ có những người như bà Bàng Thị Vân Anh mà các loại bánh truyền thống dân tộc vẫn giữ được hương vị đậm đà xưa vốn có.