Người giữ nhịp quân hành trong diễu binh, diễu hành kỷ niệm 30-4
Thượng tá Hồ Thị Hoàng Hà là một trong những thành viên của tổ thuyết minh, người giữ nhịp quân hành trong lễ diễu binh, diễu hành chào mừng đại lễ 30-4.
Không xuất hiện trong hàng quân, không được săn đón bởi công chúng và cũng chẳng có những khoảnh khắc gây xôn xao cõi mạng, nhưng chị và đồng đội lại là những người giữ nhịp quân hành trong lễ diễu binh, diễu hành.
Tiếng nói của chị, thậm chí còn truyền sức mạnh cho những bước chân của đồng đội. Chị là Thượng tá Hồ Thị Hoàng Hà – Phó chủ nhiệm khoa Thanh nhạc, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.
5 lần vinh dự, tự hào
Thượng tá Hồ Thị Hoàng Hà là một trong những thành viên của tổ thuyết minh 8 người. Những người ngồi trong cabin với giọng đọc quen thuộc trong diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025).

Thượng tá Hồ Thị Hoàng Hà. Ảnh: NVCC.
“Thuyết minh trong lễ diễu binh không giống như người dẫn chương trình một sự kiện bình thường. Nó đòi hỏi tính hiệu triệu, niềm kiêu hãnh, tự hào, tình yêu đất nước, sự biết ơn.
Trái tim người lính trong tôi được tôi luyện suốt những năm tháng quân ngũ, cùng những cơ hội tôi được cấp trên giao nhiệm vụ tham gia thuyết minh, để giờ đây tôi tiếp tục có điều kiện tham gia và hỗ trợ anh chị em tổ thuyết minh, tiếp tục truyền lửa cho những bước chân tiến vào lễ đài” - Thượng tá Hà tâm sự về công việc của mình.
Theo chị Hà, chính bởi vậy mà thuyết minh viên của buổi lễ diễu binh, diễu hành trọng đại được tuyển chọn kỹ lưỡng từ ba miền Bắc – Trung – Nam. Họ là những giọng đọc được rèn giũa từ thanh âm và tâm hồn của người lính, để mỗi câu chữ cất lên không chỉ là thông tin mà là khí phách, là niềm tự hào của cả dân tộc.

Giọng đọc của tổ thuyết minh còn truyền lửa cho những bước chân của đồng đội. Ảnh: HOÀNG GIANG
Không phải ai cũng biết, để có được những lời thuyết minh đong đầy cảm xúc ấy, những người thuyết minh đã ngày đêm luyện tập, chỉnh sửa từng nhịp điệu giọng đọc, từng hơi thở cất lên. Không đơn thuần là đọc, họ phải thổi hồn vào từng câu chữ. Phải có “chất thép” để giọng đọc vững vàng mà không lạnh lùng; phải có “chất lửa” để âm vang dậy mà không phô trương.
"Đọc trực tiếp cho dù bất cứ điều gì ảnh hưởng đến tinh thần cũng phải bỏ qua hết để truyền được lửa vào trong trái tim của mỗi người. Chúng tôi không phải chỉ kể một câu chuyện lịch sử, truyền đi những thông điệp của đất nước, của Đảng, của dân tộc mà nó là sự biết ơn, sự tự hào.
Chúng tôi coi mình như là người trung gian truyền lửa cho thế hệ sau. Tôi cũng tự thấy mình phải nỗ lực hơn nữa trong quá trình công tác, làm việc để xứng đáng với sự hy sinh, mất mát của cha ông" - Thượng tá Hồ Thị Hoàng Hà.
Đây không phải là lần đầu tiên đảm nhiệm một công việc vinh dự, tự hào này. Lễ diễu binh, diễu hành tại thành phố mang tên Bác đánh dấu lần thứ 5 Thượng tá Hồ Thị Hoàng Hà có mặt để thuyết minh cho những sự kiện diễu binh, diễu hành cấp quốc gia.
Gần đây nhất, vào năm 2024 chị cũng là người kể chuyện thầm lặng tại "Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ".

Thượng tá Hồ Thị Hoàng Hà và đồng đội trong phòng thuyết minh. Ảnh: NVCC
Xuất thân từ thanh nhạc, chị Hà cho biết kỹ thuật thanh nhạc cũng giúp chị biểu đạt được thần thái, cảm xúc trong từng lời thuyết minh, nhưng bên trong đó còn là tình cảm, sự tự hào và nền tảng từ truyền thống gia đình.
“Gia đình tôi từ ông bà đến bố đều có công với cách mạng. Bố tôi từng đi kháng chiến, anh trai tôi hy sinh năm 1969 đến giờ vẫn chưa tìm được mộ. Tôi cảm nhận giọng đọc của tôi được nuôi dưỡng trong truyền thống đó nên tình yêu và sự biết ơn cũng lớn hơn”- Thượng tá Hồ Thị Hoàng Hà bày tỏ.

Tình cảm người dân dành cho cán bộ, chiến sĩ tham gia diễu binh, diễu hành khiến cho Thượng tá Hà và đồng đội rất xúc động. Ảnh: HOÀNG GIANG
Một không khí tuyệt vời ở TP.HCM
Để đến TP.HCM, chị và những đồng đội tham gia lễ diễu binh, diễu hành đã xuất phát từ Hà Nội bằng tàu. Mỗi ga dừng nghỉ lại đem đến cho chị những cảm xúc khác nhau, ở đâu cũng thế, chị cảm nhận được tình cảm ấm áp từ đất và người những nơi đã qua.
‘Suốt chặng đường từ Hà Nội vào Đồng Nai để tập luyện, người dân đã khiến chúng tôi bất ngờ và cảm động với không khí mà họ đem lại. Khi đến TP.HCM, không khí đó còn tuyệt vời hơn nữa!”- chị Hà nói.

Thượng tá Hồ Thị Hoàng Hà nhận được rất nhiều tình cảm của mọi người trong thời gian làm nhiệm vụ. Ảnh: NVCC
Dù không ít lần chứng kiến tình cảm của người dân trong những buổi lễ quan trọng mà mình thuyết minh, nhưng với TP.HCM, chị Hà ấn tượng với từng cử chỉ, câu chuyện của người dân.
Cũng trong lần làm nhiệm vụ này, chị càng trân quý hơn những người lính, những người xuất hiện trong các khối tham gia diễu hành.

Tình cảm của người dân ở những nơi đoàn đi qua khiến cho chị và đồng đội càng thêm yêu công việc của mình. Ảnh: NVCC
Chị Hà cho biết mình đã chứng kiến khối đứng có thời điểm phải đứng trong vòng 4 tiếng, có người thậm chí đã bị khóa khớp, đến khi có khẩu lệnh di chuyển họ vẫn không thể điều khiển được bàn chân của mình bước đi. Đó là chưa kể họ phải luyện tập dưới trời nắng như đổ lửa và cả những cơn mưa bất ngờ.
"Chính điều đó làm cho chúng tôi càng cảm thấy phải làm tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Tổ thuyết minh 8 người không ai bảo ai đều cố gắng hết sức. Chúng tôi 7h30 sáng đã bắt đầu tập luyện, được nghỉ ngày nào cũng tự ôn luyện. Quân nhân, chiến sĩ rất vất vả. Họ phải vượt qua khó khăn của chính mình, đó thật sự là một sự hy sinh. Nếu không có tình yêu Tổ quốc, niềm tự hào dân tộc được nuôi dưỡng thì thật sự không đủ ý chí để có được những cảnh diễu hành, diễu binh đẹp như những ngày qua”- Thượng tá Hà nhận xét.