Người giữ rừng nghỉ việc, đào tạo lâm nghiệp ế ẩm, rừng Tây Nguyên lâm nguy

Thời gian gần đây, hàng loạt cán bộ kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng tại các tỉnh Tây Nguyên đã xin nghỉ việc. Nhiều đơn vị đang xảy ra tình trạng thiếu nhân lực bảo vệ rừng trầm trọng.

Số người nghỉ việc ngày càng tăng khiến cho công tác quản lý, bảo vệ rừng vốn đã khó nay càng thêm khó. Trong khi đó, ngành lâm nghiệp từng là ngành đào tạo trọng điểm ở Tây Nguyên thì nay đã thoái trào, rất ít sinh viên theo học, nguồn nhân lực cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng thời gian tới được dự báo sẽ thiếu hụt, gây khó khăn về căn bản cho bảo vệ- phát triển rừng.

Đứng giữa tan hoang của rừng vừa bị đốt phá, Tiểu khu 704, xã Cư Bông, ông Nguyễn Phi Tiến, Phó Giám đốc phụ trách Công ty Lâm nghiệp Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk, cho biết, đây chỉ là một trong nhiều điểm rừng của công ty bị tàn phá trong năm nay. Trước đây, khi đủ 27 cán bộ nhân viên, việc bảo vệ rừng đã quá sức, thì nay với 9 người nghỉ việc, 9 người khác đang làm thủ tục xin nghỉ, công tác này càng gặp nhiều khó khăn. Trong nỗ lực tuyển dụng thay thế, công ty đã hạ chuẩn trình độ xuống trung cấp lâm nghiệp, nhưng cũng không có người ứng tuyển, lý do chủ yếu là trách nhiệm cao mà thu nhập quá thấp.

Một trong nhiều điểm rừng của Công ty Lâm nghiệp Ea Kar bị tàn phá nghiêm trọng.

Một trong nhiều điểm rừng của Công ty Lâm nghiệp Ea Kar bị tàn phá nghiêm trọng.

“Hiện nay tình hình rất phức tạp, công ty phải đi liên tục mà chính sách hỗ trợ cho anh em còn quá thấp. Ví dụ lương trung cấp hiện nay chỉ có khoảng 3,2 triệu đồng, mà đưa vào chốt 704 ở thì tiền ăn đã hết 1 triệu, chưa tính tiền xăng xe họ đi lại. Số tiền còn lại quá thấp, chưa đảm bảo được đời sống”- ông Nguyễn Phi Tiến cho biết.

Cũng trong tình trạng thiếu nhân lực bảo vệ rừng là Công ty Lâm nghiệp Krông Bông, huyện Krông Bông. Ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc công ty cho biết, trong 1 năm nay, 20% số nhân viên bảo vệ rừng của công ty đã nghỉ việc. Trong khi đó, với đặc thù của địa bàn có đông dân di cư tự do, số người xâm hại rừng của đơn vị lại tăng lên đáng kể. Để khắc phục, ông Tuấn cho rằng Nhà nước cần tăng cường cơ chế, chính sách để tăng quyền hạn, tăng thu nhập cho lực lượng bảo vệ rừng, cùng với giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất cho người dân để giảm áp lực lên rừng tự nhiên.

Người làm nghề quản lý, bảo vệ rừng ồ ạt nghỉ việc, sinh viên lâm nghiệp cũng giảm nhanh, đang cho thấy rừng ở Tây Nguyên bị lung lay tận gốc rễ.

Người làm nghề quản lý, bảo vệ rừng ồ ạt nghỉ việc, sinh viên lâm nghiệp cũng giảm nhanh, đang cho thấy rừng ở Tây Nguyên bị lung lay tận gốc rễ.

“Giải quyết đất ở, đất sản xuất cho người dân là nhu cầu có thật, nhưng doanh nghiệp thì không thể thực hiện được. Đề nghị các cấp chính quyền, các ngành quan tâm. Quyền hạn của chủ rừng gần như là không có, cũng đề nghị sự vào cuộc quyết liệt hơn, nhiệt tình hơn của cơ quan, ban ngành, để rồi giúp nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn”- ông Bùi Quốc Tuấn cho biết.

Không chỉ ở các công ty lâm nghiệp, mà tại các ban quản lý rừng, khu bảo tồn, vườn quốc gia và hạt kiểm lâm, ở Đăk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung, hàng loạt cán bộ cũng đã xin nghỉ việc. Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết, riêng ngành kiểm lâm tỉnh năm nay có đến 13 người xin nghỉ việc, nhiều nhất từ trước tới nay. Đáng buồn là có kiểm lâm còn xin không hoàn thành nhiệm vụ để được nghỉ việc, lực lượng kiểm lâm vốn đã thiếu nay càng thêm thiếu.

“Vừa rồi ký cho nghỉ hàng loạt, nói chung là áp lực quá. Năm nay có một đồng chí ở Hạt Krông Ana xin không hoàn thành nhiệm vụ để được nghỉ, áp lực như thế nào mà vậy. Họp đánh giá cuối năm nghĩ mà buồn, tại sao anh em trong lực lượng lại phải như thế”- ông Nguyễn Quốc Hưng cho biết.

Tương lai nào cho rừng ở đây, phụ thuộc vào cách nhìn nhận, đánh giá của cả Trung ương và địa phương về vai trò, ý nghĩa của rừng với khu vực.

Tương lai nào cho rừng ở đây, phụ thuộc vào cách nhìn nhận, đánh giá của cả Trung ương và địa phương về vai trò, ý nghĩa của rừng với khu vực.

Công việc giữ rừng không còn hấp dẫn, công tác đào tạo cho ngành lâm nghiệp ở Tây Nguyên cũng có dấu hiệu thoái trào. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên cho biết, lâm nghiệp trước đây luôn một trong những ngành đào tạo chủ lực của trường với quy mô trung bình khoảng 300 sinh viên, với đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ có trình độ chuyên môn cao, trường đào tạo từ bậc đại học đến sau đại học. Tuy nhiên, hiện toàn ngành đào tạo lâm nghiệp của trường chỉ còn khoảng 100 sinh viên theo học, giảm khoảng 70% so 10 năm trước. Trong đó, bộ môn “quản lý tài nguyên rừng và môi trường” đã phải “đóng cửa” vì không có sinh viên đăng ký học. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trúc, ngành lâm nghiệp không còn sức hút với sinh viên vì môi trường làm việc rất khó khăn, khắc nghiệt nhưng thu nhập quá thấp, cơ chế, chính sách chưa đủ ưu đãi, cần phải được nghiên cứu điều chỉnh.

“Trước hết là nhận thức, nhìn nhận của xã hội, đây là lĩnh vực rất quan trọng để góp phần bảo vệ lá phổi xanh, bảo vệ rừng của Tây Nguyên. Khi thấy được vai trò, vị thế của lĩnh vực này sẽ dành sự quan tâm nhiều hơn, có những chính sách đãi ngộ để hỗ trợ, thu hút, giữ chân và quan trọng là tạo môi trường làm việc an tâm, lâu dài để có thể cống hiến, gắn bó với rừng”- Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trúc cho biết.

Người làm nghề quản lý, bảo vệ rừng ồ ạt nghỉ việc, sinh viên lâm nghiệp cũng giảm nhanh, đang cho thấy rừng ở Tây Nguyên bị lung lay tận gốc rễ. Tương lai nào cho rừng ở đây, phụ thuộc vào cách nhìn nhận, đánh giá của cả Trung ương và địa phương về vai trò, ý nghĩa của rừng với khu vực; kèm theo đó là các cơ chế, chính sách đãi ngộ đúng tầm quan trọng./.

Công Bắc/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nguoi-giu-rung-nghi-viec-dao-tao-lam-nghiep-e-am-rung-tay-nguyen-lam-nguy-post913073.vov