Người góp công đẩy lùi bệnh sốt rét
Cách đây hơn 30 năm, bệnh sốt rét rừng hoành hành phức tạp trên địa bàn H.Vĩnh Cửu, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa như Phú Lý, Mã Đà, Hiếu Liêm.
Với sức trẻ và nhiệt huyết của một y sĩ mới ra trường, chàng thanh niên Nguyễn Phước Tường đã làm đơn tình nguyện nhận nhiệm vụ tại Trạm Sốt rét tỉnh Đồng Nai, được điều động công tác biệt phái về Đội Vệ sinh phòng dịch TX.Vĩnh An (nay là H.Vĩnh Cửu).
Dùng “mồi người” để… bắt muỗi
Nhớ lại những ngày tháng tham gia chống sốt rét, BS Tường kể, trong hơn 17 năm, từ năm 1988 đến tháng 9-2005, ông cùng với 2 y sĩ, 2 điều dưỡng biệt phái và các nhân viên của Đội Vệ sinh phòng dịch TX.Vĩnh An đã tích cực thực hiện nhiệm vụ giám sát véc tơ truyền bệnh tại các vùng sốt rét trọng điểm lúc bấy giờ.
Trong hơn 35 năm công tác tại Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu, BS Nguyễn Phước Tường nhiều lần được nhận bằng khen của UBND tỉnh. Ông là một trong 2 cá nhân của trung tâm được đề xuất xét tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú tỉnh Đồng Nai năm 2023.
Bước đầu tiên trong hoạt động giám sát véc tơ truyền bệnh là bắt muỗi để làm thí nghiệm. Mỗi tối, y sĩ Tường cùng đồng nghiệp lại cầm trên tay những đồ nghề quen thuộc như: đèn pin, ống nhốt muỗi, bông nút miệng ống ra bờ ruộng, vườn để ngồi nhử muỗi. Mỗi lần cảm nhận có muỗi đậu vào chân, tay, y sĩ Tường bật đèn pin soi, khéo léo dùng ống nhựa chụp muỗi lại. Để thuận lợi cho việc nghiên cứu muỗi trong phòng thí nghiệm, sau mỗi lần chụp được muỗi, y sĩ Tường hít một hơi thuốc lá rồi thổi vào trong ống đựng muỗi. Cảm nhận được hơi khói, con muỗi sẽ xòe cánh ra. Lúc này, y sĩ Tường sẽ lấy bông gòn bịt ống nghiệm, mang về để bộ phận nghiên cứu ở phòng thí nghiệm quan sát, phân tích đời sống, hành vi, gene… của muỗi, xem đó là loại muỗi gì để thử nghiệm các loại thuốc diệt muỗi.
“Vì thường xuyên bị muỗi đốt nên nhiều người trong số chúng tôi cũng bị sốt rét. Tuy nhiên, nhờ kịp thời uống thuốc điều trị nên chúng tôi nhanh khỏi bệnh và lại tiếp tục công việc. Có những khi đi vào rừng bắt muỗi phải đi qua suối đá dựng, phải băng qua suối, nước cao đến ngang bụng, biết bao khó khăn, vất vả, nguy hiểm nhưng mọi người đều chung một quyết tâm, làm sao để sớm đẩy lùi được bệnh sốt rét” - BS Tường nói.
Ngoài việc giám sát véc tơ truyền bệnh, y sĩ Tường cùng đồng đội còn tham gia điều tra dịch tễ sốt rét tại các địa phương có bệnh sốt rét lưu hành; phun thuốc diệt muỗi gây bệnh sốt rét trên phạm vi toàn huyện; tẩm mùng bằng hóa chất cho bà con nhân dân.
Bên cạnh đó, y sĩ Tường còn tham gia đội điều trị sốt rét lưu động, thường xuyên đến các lán, trại trong tận rừng sâu để điều trị bệnh sốt rét, cấp phát thuốc dự phòng sốt rét cho người dân… Do đường sá đi lại khó khăn nên mỗi lần từ trung tâm huyện vào xã Phú Lý, đội của y sĩ Tường phải ở lại cả nửa tháng để làm nhiệm vụ. Có những điều dưỡng phải mang theo cả con nhỏ, đưa theo bà ngoại để giữ con.
BS Hồ Văn Hoài, Giám đốc Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu cho hay, những năm 1990, trên địa bàn huyện có 3 lâm trường, là nơi bùng phát dịch bệnh sốt rét dữ dội. Những xã nằm gần 3 lâm trường như: Vĩnh Tân, Vĩnh An, Trị An, Tân An đều có người đi làm rừng, có nhiều người còn tham gia đào đãi vàng trong rừng sâu. Và hễ người dân có đi rừng, khi về đều bị bệnh sốt rét. Nhờ có những việc làm thiết thực của y sĩ Tường và các đồng nghiệp trong Đội Vệ sinh phòng dịch, cộng với việc có thuốc điều trị đặc hiệu mà dịch bệnh sốt rét dần được kiểm soát trên địa bàn huyện. Từ chỗ là vùng trọng điểm của bệnh sốt rét, năm 2023, H.Vĩnh Cửu đặt mục tiêu sẽ loại trừ bệnh sốt rét.
Khám bệnh giỏi, tham mưu tốt
Để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năm 2005, y sĩ Nguyễn Phước Tường học bác sĩ đa khoa tại Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM). Sau khi tốt nghiệp, ông về công tác tại Bệnh viện Đa khoa H.Vĩnh Cửu (nay là Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu). Sau đó, ông lần lượt được tín nhiệm giữ các chức vụ: Trưởng khoa Điều trị tổng hợp, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Trưởng khoa Khám bệnh. Từ năm 2016 đến nay, BS Tường giữ chức Trưởng phòng Kế hoạch - nghiệp vụ.
BS Tường chia sẻ, trong suốt thời gian làm chuyên môn, ông luôn ý thức được vai trò của người thầy thuốc, luôn nỗ lực học hỏi ở những người đi trước, tự học để nâng cao kiến thức, nghiệp vụ. Ông hiểu rõ, bệnh nhân khi đến khám tại bệnh viện là khi họ cảm thấy không an tâm về sức khỏe của mình. Do vậy, khi khám bệnh, bác sĩ cần ân cần, biết lắng nghe và tận tình giải thích cho bệnh nhân. Qua đó, giúp bệnh nhân cảm thấy an tâm, tin tưởng bác sĩ, tin tưởng cơ sở y tế.
Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại trung tâm, BS Tường đã tham mưu Ban giám đốc Trung tâm sắp xếp cho các bác sĩ, kỹ thuật viên luân phiên đi học các chuyên khoa để về thực hiện được các kỹ thuật của tuyến bệnh viện hạng 3. Trong năm 2022, Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu đã triển khai được 3 kỹ thuật gồm: soi cổ tử cung để phát hiện dấu hiệu bất thường, nghi ngờ ung thư cổ tử cung; điều trị cai nghiện ma túy; điều trị phục hồi chức năng bằng sóng laser siêu âm.
Điều mà BS Tường trăn trở là hiện nay đội ngũ nhân lực tại trung tâm chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Toàn trung tâm hiện có 54 bác sĩ, trong đó có 5 bác sĩ đã nghỉ hưu được hợp đồng lại để triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), 7 bác sĩ y học dự phòng chưa được khám, chữa bệnh BHYT. Vài tháng tới sẽ có thêm 2 bác sĩ có kinh nghiệm, có chứng chỉ hành nghề nghỉ hưu.
Việc thiếu nhân lực sẽ ảnh hưởng đến định hướng phát triển chuyên môn của trung tâm. Do đó, với vai trò Trưởng phòng Kế hoạch - nghiệp vụ, BS Tường tham mưu Ban giám đốc trung tâm triển khai chính sách thu hút bác sĩ ở những vị trí còn thiếu để đảm bảo mô hình hoạt động của trung tâm. Khi đã đủ bác sĩ sẽ triển khai những kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, đem lại lợi ích cho người bệnh.