Người góp phần đưa nông nghiệp Thanh Hóa hội nhập với thế giới
Vào tháng 10-2019, Nhà máy Giết mổ - Chế biến gia cầm xuất khẩu Viet AVIS tại xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa) được khánh thành và đi vào hoạt động, đã trở thành sự kiện quan trọng của nền nông nghiệp Thanh Hóa. Đây là kết quả của sự hợp tác đầu tư giữa Công ty CP Nông sản Phú Gia (Thanh Hóa) và Tập đoàn Master Good của nước Cộng hòa Hung-ga-ry.
Ông Phạm Thanh Hà (người đầu tiên bên phải) chỉ đạo sản xuất tại Nhà máy Sản xuất thức ăn chăn nuôi của Công ty CP Nông sản Phú Gia tại Khu Công nghiệp Lễ Môn. Ảnh: lê đồng
Sau gần 1 năm đi vào hoạt động, nhà máy hiện đại này cùng các chuỗi sản xuất liên quan, đã giúp ngành chăn nuôi của Thanh Hóa tiếp cận được với những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới, từ khâu sản xuất con giống đến chăn nuôi, chế biến và xuất bán sản phẩm. Người có công đưa Nhà máy Giết mổ - Chế biến gia cầm xuất khẩu Viet AVIS về Thanh Hóa chính là ông Phạm Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông sản Phú Gia.
Nằm ngay sát Quốc lộ 1A qua huyện Hoằng Hóa, Nhà máy VietAVIS được cho là hiện đại bậc nhất Việt Nam hiện nay nhà máy trở thành biểu tượng cho sự hợp tác nông nghiệp giữa doanh nghiệp 2 nước Việt Nam và Hung-ga-ri. Công trình được xây dựng trên diện tích 60.000m2, tổng vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng. Với hệ thống máy móc hiện đại của Tập đoàn Master Good, nhà máy có công suất giết mổ và chế biến 2.500 con gia cầm/giờ, tương đương 40 tấn/ngày. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn châu Âu, dự kiến cung cấp cho các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, các nước châu Âu và thị trường nội địa. Với uy tín của Tập đoàn Master Good hơn 100 năm kinh nghiệm, có quy mô lớn thứ 3 thế giới về sản xuất, chế biến thịt gia cầm nên việc xuất khẩu sản phẩm thịt gà chất lượng cao đến các thị trường khó tính là hoàn toàn khả thi. Hiện, các sản phẩm từ thịt gà của doanh nghiệp này đã thâm nhập tốt vào thị trường trong nước, đang hoàn thiện các thủ tục để xuất khẩu.
Dự án đi vào hoạt động, bước đầu đã tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng lớn, tạo việc làm trực tiếp và thu nhập ổn định cho nhiều lao động; tăng thu ngân sách Nhà nước. Nhà máy chế biến hoạt động gắn với chuỗi liên kết chăn nuôi gà công nghệ cao 4A trên địa bàn tỉnh, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Thanh Hóa.
Nói về quá trình kêu gọi được dự án hiện đại về tỉnh, ông Phạm Thanh Hà, chia sẻ: Nhiều năm qua, Công ty CP Nông sản Phú Gia vẫn duy trì và phát triển tốt nhà máy sản xuất thức ăn gia súc tại Khu Công nghiệp Lễ Môn. Những năm 2015 - 2016, công ty xây dựng kế hoạch mở rộng sang lĩnh vực chăn nuôi, chế biến và xuất khẩu thịt gia súc, gia cầm. Để tiếp cận được công nghệ chăn nuôi và chế biến hiện đại tầm cỡ thế giới nhằm xuất khẩu được sản phẩm và nghĩ đến sự hợp tác với nước ngoài. Sau khi tìm hiểu các thông tin, phía công ty hướng đến những doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực chăn nuôi, chế biến và xuất khẩu thịt trên thế giới để tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Năm 2016, ông Hà cùng các cộng sự đã đi tham quan, tìm hiểu và mời gọi hợp tác ở nhiều nước. Khi đến Hung–ga–ri, ông có niềm tin vào sự hợp tác với Tập đoàn Master Good bởi hai nước Việt Nam và Hung-ga-ri có truyền thống quan hệ rất tốt đẹp, từng có nhiều hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp trước đây. Hình ảnh “Những chú gà Hung làm bạn với gà ri” trong thơ Tố Hữu đã phần nào nói lên điều đó. Khi trình bày ý tưởng, phía bạn cho người đến Việt Nam khảo sát, rồi đàm phán và đi đến quyết định đầu tư, hợp tác phát triển chi nhánh về phía châu Á. Với sự ủng hộ của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp 2 nước, vào tháng 5-2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định chấp nhận chủ trương đầu tư dự án. Ngoài nhà máy chế biến, các trại giống theo tiêu chuẩn châu Âu, với tổng vốn khoảng 300 tỷ đồng khác đã được đầu tư tại xã Xuân Phú (Thọ Xuân). Những chú gà giống Hung-ga-ri được sinh sản, chăn nuôi trên đất Thanh Hóa bằng những công nghệ tiên tiến bậc nhất của thế giới hiện nay. Cùng với đó, đã có gần 200 trang trại trong tỉnh và một số tỉnh miền Bắc hiện đang liên kết nuôi gà cho nhà máy. Giống gà, quy trình kỹ thuật chăn nuôi đều được phía công ty chuyển giao miễn phí. Qua đó, người chăn nuôi trong tỉnh đã được tiếp cận với công nghệ và phương thức chăn nuôi hiện đại, tiên tiến trên thế giới hiện nay. Ông Hà cho hay: Những chủ trang trại hợp tác với chúng tôi sau gần 1 năm, phần lớn đều đã mua xe ô tô. Sau mỗi lứa gà hơn 2 tháng nuôi theo hướng an toàn sinh học này, mỗi trang trại có lợi nhuận cả trăm triệu đồng.
Qua việc chăn nuôi gà theo hướng hiện đại, Công ty CP Nông sản Phú Gia và Tập đoàn Master Good đang giúp ngành chăn nuôi tỉnh nhà tiếp cận công nghệ hiện đại nhất hiện nay, hình thành nên các chuỗi giá trị, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đưa nông nghiệp Thanh Hóa tiếp cận và hội nhập với thế giới. Riêng về phía Công ty CP Nông sản Phú Gia, đã có gần 100 công nhân kỹ thuật, kỹ sư, chuyên gia được phía bạn tạo điều kiện đưa sang Hung-ga-ri đào tạo, tập huấn các khâu kỹ thuật liên quan. Đây chính là thành công trong việc học tập, thu hút công nghệ trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm về phát triển tại Thanh Hóa.
Phát huy vai trò chủ doanh nghiệp, cùng với đầu óc nhạy bén, ông Phạm Thanh Hà đã hướng công ty mình sang những hướng đi mới. Ngoài sản xuất giống và luôn duy trì đàn gà khoảng 6 triệu con, từ năm 2018 đến nay, Công ty CP Nông sản Phú Gia cho sinh sản và phát triển khoảng 1.000 con bò lai cao sản mỗi năm tại trang trại ở vùng bán sơn địa huyện Thọ Xuân. Cùng với mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi cho doanh thu khoảng 500 tỷ đồng mỗi năm, ước tổng doanh thu của doanh nghiệp trong năm 2020 này đạt khoảng 850 tỷ đồng. Gần 300 lao động tại các nhà máy và trang trại được giải quyết việc làm với thu nhập trung bình 7 triệu đồng/người/tháng, ông Phạm Thanh Hà và doanh nghiệp của mình đang góp phần không nhỏ trong đóng góp ngân sách Nhà nước và công tác an sinh xã hội của tỉnh.