Người Hà Nội học nhiều từ cái gác xép của mình
Nhà văn Nguyễn Bình Phương có góc nhìn rất lạ về tính cách người Hà Nội. Cách chia sẻ sâu sắc của ông có thể khiến ai đó ngỡ ngàng và nhận ra rằng 'cốt cách người Thăng Long là vậy'. Cũng vì thế cuộc trò chuyện giữa ông và phóng viên trở nên vô cùng thú vị…
- Người ta hay nói “dân Thủ đô, dân phố cổ hay dân Hà Nội”, để phân biệt các vùng khác. Điều gì khiến anh ấn tượng ở lối sống của người Hà Nội từ xưa đến nay?
- Với tôi thì cứ quẩn quanh ở cái gác xép là có thể mò ra được những nét chính của người Hà Nội gốc. Cái gác xép lạ lùng, cái khoảng trời nho nhỏ, được sáng tạo do hoàn cảnh đất chật người đông của chốn kinh kỳ kẻ chợ, chứa đựng vô vàn bí mật riêng tư.
Cái gác xép góp phần quan trọng vào việc hình thành nên tác phong khá đặc biệt của dân Hà thành. Bạn không thể ăn quăng bỏ vãi trên một cái gác xép mà chiều cao và bề rộng đều khiêm tốn.
Bạn cũng không thể huỳnh huỵch trên cái sàn gỗ mà ngay bên dưới nó là bộ bàn ghế tiếp khách của cả đại gia đình, bạn cũng khó lòng hấp tấp nổi với cái cầu thang dựng đứng, nhẵn bóng khi trèo lên với gác xép.
Từ cái gác xép linh hoạt và đặc biệt kia, người Hà Nội bước ra phố và mang theo tất cả những kinh nghiệm ứng xử mà chiếc gác xép đã dạy họ. Sự gọn gàng, chuẩn xác, tính thực dụng, kín đáo và một tinh thần ôn hòa.
- Vậy là từ căn gác nhỏ ở“phố xưa, nhà cổ mái ngói thâm nâu” (lời Trịnh Công Sơn) những con người Hà Nội sống âm thầm trong đó, sinh hoạt từ đời này qua đời khác đã tạo nên một linh hồn, kiểu cách của người Hà Nội mà khó lẫn với vùng đất khác?
- Trong quán nhậu, muốn tìm bàn chỉ có toàn là dân Hà Nội gốc, nghĩa là định cư ở đây phải tối thiểu từ ba đời trở lên, thì bạn chỉ cần chú ý một chút sẽ nhận ra được ngay. Bàn nhậu nào âm thanh chỉ rù rì, đồ nhậu số lượng vừa vừa phai phải thì đích thị đó là họ. Trong những cuộc nhậu dân Hà Nội không hoang phí, càng không mấy khi vung chân múa tay tranh luận với nhau kịch liệt đến mức đỏ mặt tía tai như người ở nơi khác tới.
Hy vọng tìm thấy một cuộc kịch chiến giữa người Hà Nội với người Hà Nội chỉ là “ngọn đèn trong mơ” mà thôi. Họ có thể bất đồng, có thể tranh luận nhưng ngay khi bắt đầu cuộc tranh luận thì kết cục sẵn có đã bày ra: chân lý sẵn sàng chia đều cho cả hai bên và không có kẻ thắng người thua, do đó cũng không có sự cay cú.
Lối ôn hòa khôn ngoan ấy tránh được những sứt mẻ không cần thiết. Gác xép dạy họ như vậy đấy. Gác xép bảo rằng trong thế giới của nó, mọi va chạm, xung khắc cần phải được giản trừ tối thiểu, để có sức mà tồn tại giữa sự chật chội, bức bối.
Một thế giới ôn hòa luôn luôn quẩn quanh trong không gian sống của người Hà Nội. Và khi ôn hòa tiến đến độ nào đó thì nó thành tự tại.
- Lý giải của anh rất thú vị, vậy từ căn gác xép chật chội do đô thị đất chật người đông, khiến người phố cổ có một cách ứng xử rất riêng, rất tinh tế mà không mất lòng ai. Vậy điều đó tạo nên ứng xử của người Hà Nội gốc, một tầng lớp “tinh hoa”?
- Tôi có nhiều bạn là dân Hà Nội gốc nhưng tôi chưa bao giờ cãi nhau với họ. Có tranh luận thì cũng không mấy bực tức bởi vì họ luôn tươi cười, luôn nhũn nhặn nhưng họ cũng không bao giờ cho tôi cơ hội kiêu ngạo với họ.
Giọng nói chuẩn xác, giàu âm điệu của họ, sự tự tin của họ, tinh thần mềm dẻo của họ luôn luôn khiến tôi bị chinh phục.
Cái gác xép nhắc người Hà Nội phải chính xác, điềm tĩnh. Một người Hà Nội bước vào siêu thị hay trong cửa hàng thời trang, dù “đạn dược” trong túi có “rủng rẻng” hay “héo hắt” thì thái độ cũng y chang như nhau, cũng rất bình tĩnh, không lúng túng, rối rít, không bị choáng ngợp. Với thái độ tự tin, họ chọn được cho mình những thứ họ cần, một cách chuẩn xác nhất.
Dân Hà Nội mua hàng bị hớ là sự kiện hiếm có. Đây là điều bí ẩn với nhiều người. Và nữa, thẩm mỹ của dân Hà Nội cũng là một bí ẩn. Rất khó gặp trong nhà của họ những đồ đạc lố bịch, trọc phú, những bức tranh lòe loẹt, rởm rít. Gác xép, lại cái gác xép màu nhiệm và tinh quái, đã đào luyện cho họ cái gu tinh tế nhẹ nhàng như vậy, chắc chắn là thế.
-Từ sự quan sát tinh tế của anh về lối sống, cốt cách con người Hà Nội, thì dòng chảy của họ có ảnh hưởng đến các tác phẩm của anh và đâu là hồn vía của họ trong “đứa con tinh thần” của anh?
- Ở tiểu thuyết “Trí nhớ suy tàn”, tôi viết về một cô gái Hà thành, tuy đang lúng túng với việc định hướng cuộc đời mình, vậy mà trong đầu cô vẫn vang lên ý nghĩ: “Dù gì mình vẫn phải là mình, vẫn phải là gái Hà thành, hơi lạnh lùng, hơi mơ màng, sống trên tất cả những gì từ nơi khác đến”.
Và nếu một người Hà Nội nào đó phản đối, cho rằng nhận định này sai, thì tôi xin nhận lỗi một phần, một phần nữa thì “chia” cho cái gác xép. Thái độ giải quyết ôn hòa ấy chắc sẽ được chấp nhận ngay tắp lự.
- Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Bình Phương và chúc anh thành công.
Nguyễn Bình Phương sinh năm 1965 ở Thái Nguyên, tốt nghiệp Trường viết văn Nguyễn Du, hiện là khoa Lý luận, Sáng tác, Phê bình văn học, Đại học Văn hóa Hà Nội. Anh từng là biên kịch tại Đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị, biên tập văn học tại Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, hiện là Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội và giữ chức Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam. Anh từng xuất bản một số tác phẩm như Vào cõi (1991), Những đứa trẻ chết già (1994), Người đi vắng (1999), Trí nhớ suy tàn (2000), Thoạt kỳ thủy (2004). Tiểu thuyết “Một ví dụ xoàng” của Nguyễn Bình Phương - kể về tử tù - đoạt Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam 2021.
Một ví dụ xoàng ra mắt tháng 8/2021, kể về vụ án một tử tù thời bao cấp. Anh tên Sang, có bằng tiến sĩ, một mình nuôi con túng quẫn, liều buôn bốn cân chè từ huyện Đại Từ về thành phố Thái Nguyên. Khi bị truy đuổi, anh vô tình bắn trúng một chiến sĩ, bị xử tử hình. Nhân vật “Khách” - người con trai của Sang - sau này cất công tìm hiểu cái chết của cha. Người cuối cùng anh gặp là chủ tọa phiên tòa xử bố mình trước đây. Đối với ông ta, cái chết của Sang là chuyện không đáng kể, bởi: “Nếu mỗi người là một ví dụ, thì cậu ấy là cái ví dụ xoàng, hết sức xoàng”.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đánh giá Nguyễn Bình Phương là nhà văn Việt Nam đương đại “được yêu thích” và rằng đọc văn anh phải kiên nhẫn, không thể thẳng tuột được. Ông Nguyên chia sẻ thêm: “Nguyễn Bình Phương là trường hợp duy nhất cho đến nay đoạt cả hai giải thưởng thơ và văn xuôi của Hội Nhà văn Hà Nội: giải thơ cho tập “Buổi câu hờ hững” (2012), giải văn xuôi cho tiểu thuyết “Mình và họ” (2015)”.
“Nếu đứng lẫn vào xã hội bây giờ, nhìn những thực tế tiêu cực thì chỉ thấy cướp, giết, hiếp, lừa đảo, trăm tỉ ngàn tỉ ra tòa... Nhưng lùi lại một chút thì thấy mọi thứ vẫn đang đi lên. Có tiền để mà tham nhũng cũng là một ví dụ của phát triển. Trong “Một ví dụ xoàng” cũng có một giai đoạn nó như thế, cái ác bủa vây. Nhưng không phải như thế mà tôi cho là đất nước này đã hỏng. Nó phải trải qua những giai đoạn cam go, lầm lỗi như thế, nhưng vẫn phải nhìn thấy nó đang đi lên. Nhà văn viết về cái ác nhưng không có nghĩa là cổ vũ cho cái thối nát mà là để cảnh tỉnh; viết về cái bế tắc, cùng quẫn nhưng không được tuyệt vọng” - Nguyễn Bình Phương.