Người Hà Nội khốn khổ vì nước

Hơn một tuần trôi qua, người dân ở khu vực tây nam Hà Nội kể từ khi phát hiện nguồn nước sinh hoạt có mùi khét và mùi clo đậm đặc hiện vẫn đang sống trong nỗi hoang mang, chật vật cùng nước bẩn. Được dùng những giọt nước sạch - tưởng là điều thiết yếu, là lẽ đương nhiên nhưng với người dân thủ đô giờ đây trở nên khó khăn và xa vời vợi...

Tằn tiện từng giọt nước

10 giờ sáng ngày 16-10, tại khu chung cư Gemek 2 thuộc khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, người dân xếp thành hàng dài chờ lấy nước từ xe téc. Ai cũng tay xách nách mang từ xô thùng, bình, chai, cả chậu tắm của con để đựng nước. Đứng cuối hàng, anh Nguyễn Văn Sơn một tay xách xô, tay kia ôm chiếc vỏ chai 1,5l nhấp nhổm chờ đến lượt lấy nước. Bởi rất có thể đến lượt anh, xe téc chẳng còn giọt nào.

Bao nhiêu gia đình cần nước trong khi việc cấp nước miễn phí lúc này có hạn. Những chiếc xe téc hoạt động hết công suất nhưng cũng chỉ đủ phân phối mỗi điểm một xe, chia ra mỗi nhà được 10-20 lít nước để cầm cự. Gương mặt mệt mỏi, anh Sơn cũng như dân cư ở khu này đã vật lộn với nước cả tuần nay. Ban đầu, cả khu chung cư hốt hoảng khi đến giờ nấu cơm, rửa rau, tắm giặt mà nước xả ra có mùi khét lẹt pha lẫn mùi clo đậm đặc không thể ngửi nổi.

Công ty Cổ phần kinh doanh nước sạch sông Đà (Viwasupco) đang cung cấp khoảng 300.000 m3 nước/ngày đêm cho toàn bộ khu vực Tây Nam Hà Nội gồm các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông và một số quận nội thành cùng một số khu vực khác thuộc hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông. 90% lượng nước của Viwasupco được bán cho 3 khách hàng chính là Công ty Viwaco, Công ty Hawaco và Công ty Nước sạch Hà Đông.

Hoang mang không biết có chuyện gì xảy ra, nhiều nhà đi mua bình nước đóng sẵn về uống và đun nấu. Những chiếc máy lọc nước hoạt động ngày đêm nhưng nước lọc ra vẫn không hết mùi khét. Lo lắng là thế nhưng không thể không dùng đến nước. Vì vậy, nhiều nhà vẫn xả nước ra tắm giặt.

Nhưng khi biết thông tin nước sông Đà bị nhiễm dầu thì họ hãi thứ nước mà họ bỏ tiền ra mua thực sự. Họ chuyển sang tắm gội bằng nước bình. Nước bình khan hiếm, có người nhịn luôn khoản tắm gội.

Khi phía Công ty Viwaco tiến hành súc xả các bể chứa nước công cộng thì nước bị cắt hoàn toàn, mọi sinh hoạt trong gia đình anh Sơn cũng như các hộ dân ở khu Gemek 2 đều giản tiện hết mức. Vì vậy, những chiếc xe téc chở nước sạch miễn phí là nỗi mong ngóng lớn nhất của người dân lúc này.

Người dân khu chung cư Gemek 2, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, chờ lấy nước miễn phí từ xe téc sáng 16-10.

Người dân khu chung cư Gemek 2, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, chờ lấy nước miễn phí từ xe téc sáng 16-10.

Chị Trần Lan Hoa một tay bế cậu con trai 1 tuổi, một tay xách 2 vỏ bình 5l đang thẫn thờ đợi nước. Chồng đi làm xa, nhà chỉ có hai mẹ con nên đi lấy nước, chị Hoa phải bế cả con theo, thành thử chỉ lấy được 10l nước. Mang được chút nước lên tầng cao, chị cũng như nhiều nhà có con nhỏ đều dành để tắm cho trẻ con.

Tình cảnh khan hiếm nước cũng phổ biến ở các quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Cầu Giấy. Từ sáng sớm tới đêm khuya đều có cảnh người dân xếp hàng chờ lấy nước, thậm chí tranh cãi nhau vì nước, chẳng khác nào thời bao cấp. 23 giờ ngày 16-10, khu chung cư trên đường Hoàng Đạo Thúy (quận Thanh Xuân) vẫn tấp nập người dân lấy nước.

Vì vội nên chẳng mấy nhà kịp chuẩn bị đồ tích trữ nước, trong nhà có gì thì mang xuống đựng, miễn sao có chút nước đánh răng, rửa mặt. Anh Nguyễn Văn Hải mang cả bình siêu tốc xuống hứng chút nước để cả nhà đánh răng. Cả tuần nay, vợ chồng anh sau giờ làm là đón con sang bà ngoài ở tận Gia Lâm để tắm gội, giặt giũ.

Bà ngoại ái ngại nên nấu luôn cơm cho gia đình anh, bởi có về nhà cũng chẳng có nước rửa rau, nấu cơm, rửa bát. Tắm gội, ăn tối xong, cả nhà anh lại rồng rắn về nhà. Anh Hải thở dài, không biết bao giờ mới có nước trở lại, mà có nước rồi liệu có dùng được không. Bởi từ hôm nước nhà anh có mùi khét, giờ cứ thấy nước là anh lại thấy bất an.

Nước cấp trở lại nhưng chưa yên tâm

Ngày 17-10, người dân phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân lại thêm một ngày điêu đứng vì nước. Không lâu sau vụ cháy Nhà máy Rạng Đông, cuộc sống của người dân chưa kịp trở lại bình thường, nỗi lo nhiễm độc thủy ngân chưa kịp tan thì nỗi lo nước nhiễm dầu lại ập đến.

Cửa hàng bán bình nước đóng sẵn của cô Vũ Thị Tĩnh ở ngay tầng 1 khu chung cư A2, ngõ 85 phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân. 4 giờ chiều, cô Tĩnh đang nhập thêm nước về bán. Bởi chỉ một lúc nữa thôi, khi các hộ dân cư tan tầm trở về nhà là đến giờ cao điểm bán hàng của cô. Cả khu nhà ai cũng gọi mua nước, cô lại thoăn thoắt khuân những bình nước lên các tầng cao.

Từ hôm phát hiện nước nhiễm dầu, cả khu chung cư chuyển sang dùng nước bình, cô Tĩnh nhập hàng liên tục mà không đủ bán. 5 ngày đầu từ khi phát hiện nước có mùi khét sực lên, dân ở đây dù hoang mang lo lắng nhưng cũng chẳng nhận được bất kì một thông báo, hướng dẫn chính thức nào từ phía công ty nước. Thế nên họ vẫn cố dùng nước, cố lọc nước qua hệ thống máy lọc để “gạn đục khơi trong”. Nhà nọ mách nhà kia, có cách nào xử lý nước tại nhà họ đều áp dụng.

Cô Vũ Thị Tĩnh ở chung cư A2, ngõ 85, phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân bán được vài chục bình nước mỗi ngày.

Cô Vũ Thị Tĩnh ở chung cư A2, ngõ 85, phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân bán được vài chục bình nước mỗi ngày.

Nhưng đến ngày 15-10, khi thành phố Hà Nội có khuyến cáo người dân chỉ nên dùng nguồn nước này để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống, thì cả khu hốt hoảng, đổ xô xuống nhà cô mua nước bình để nấu ăn. Nước ở vòi để tắm gội và giặt giũ. Rồi một vài người sau khi tắm bị ngứa, nổi mẩn khắp người thì các hộ dân lại thêm một lần thót tim, bỏ hẳn nước ở vòi. Thêm một ngày cắt nước để súc xả bể chứa, cả khu im ắng không có tiếng xả nước nhưng lại xôn xao, hoang mang vì các thông tin về nước. Một ngày, 50-60 bình nước xếp đầy cửa hàng nhà cô Tĩnh bán hết veo.

Cô Lương Thị Khuyên buồn bã nói rằng, có lúc sinh hoạt không có nước, nghĩ cực quá, cô đã nghĩ đến chuyện lại đi thuê trọ chỗ khác để có nước sinh hoạt. Là bởi mới đây, khi Nhà máy Rạng Đông nằm ngay phía trước khu chung cư bị cháy, họ đã phải di dời, thuê nhà trọ ở chỗ khác. Chủ nhà trọ nào cũng cho thuê ít nhất 3 tháng liền với giá trên dưới 10 triệu đồng/tháng.

Chị Tĩnh, cô Khuyên đều phải bỏ ra 30 triệu đồng thuê nhà nhưng chỉ ở khoảng 1 tháng thì được quay về nhà. Thế nhưng, mới về lại nhà được khoảng nửa tháng nay thì lại xảy ra vụ nước bẩn. Bảo sao, trong khu đã nhiều nhà chuyển nơi khác, chuyển trường cho con.

4 giờ 30 chiều, nước đã bắt đầu được cấp trở lại ở một số khu vực thuộc phường Hạ Đình. Chị Đinh Thị Hằng - nhân viên thuộc Ban Quản lý khu đô thị 54 Hạ Đình thở phào khi đưa tay vặn vòi xả, thấy nước chảy ra ào ạt. Vốc nước lên ngửi kiểm tra, chị bảo nước đã không còn mùi khét như mấy hôm trước. Nhưng, khi thành phố Hà Nội vẫn tiếp tục đưa ra khuyến cáo không nên ăn, uống thì trước mắt vẫn phải mua nước bình, có khi cũng chưa dám tắm gội bằng nước mới cấp.

Nhà chị Chiên ở số 49, ngõ 85, phố Hạ Đình cũng vừa có nước. Chỉ vì không có nước, vợ chồng chị phải gửi hai đứa con về quê cho ông bà nội cả tuần nay. Ngày nào bọn trẻ cũng gọi điện mếu máo đòi lên Hà Nội vì nhớ mẹ, chị đành phải hứa, khi nào có nước sạch, mẹ sẽ đón các con lên ngay. Giờ có nước rồi nhưng chị Chiên chưa dám đón con vội. Vì nước này vẫn đang phải mang đi xét nghiệm, chưa biết đã sạch hay chưa.

Người dân đến lấy nước tại Nhà máy nước Hạ Đình, chiều 17-10.

Người dân đến lấy nước tại Nhà máy nước Hạ Đình, chiều 17-10.

Chị cứ ám ảnh khi nghĩ đến cảnh dầu đổ tràn lan trên nguồn nước sông Đà, rồi dầu cứ theo ống nước mà chảy về đến tận Hà Nội, mà chẳng ai cảnh báo, để những người dân, những đứa trẻ cứ vô tư nuốt phải thứ nước bẩn đó, nuốt cả chất styren vượt ngưỡng cho phép vào người. Mấy ngày qua, cửa hàng gội đầu của chị Chiên không có khách, vì có nước đâu mà khách đến gội đầu.

Ngẩn ngơ nhớ con, chị Chiên thấy lo lắng bất an rằng không biết khi đã lỡ nuốt phải nước chứa dầu vào người, có bị bệnh tật gì không. Rồi chị lại bức xúc, chị bỏ tiền ra mua nước, chẳng bao giờ nộp chậm tiền nước ngày nào, vậy mà mua phải nước bẩn, giống như mua phải hàng giả, hàng không có chất lượng vậy. Chị là khách hàng mua nước, vậy mà quyền lợi của người mua hàng lúc này lại bị lãng quên...

Ngày 16-10, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 11/QĐ-CSĐT để làm rõ hành vi gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự. Đồng thời vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm, cung cấp thông tin có liên quan tới vụ việc để sớm tìm ra đối tượng đổ trộm dầu thải.

Sau nhiều ngày việc học tập bị ảnh hưởng bởi vụ cháy Nhà máy Rạng Đông, học sinh Trường Tiểu học Hạ Đình mới trở lại lớp đông đủ được khoảng 2 tuần nay. Hiện tại, nước cũng chưa được cấp trở lại trường. Mấy ngày nay trường được cấp 2 xe nước, mỗi xe 4 khối nước vào hai buổi sáng chiều để phục vụ học sinh. Giờ tan học, đón con ở cổng trường, bố mẹ nào cũng hỏi đầy lo lắng: “Trường con có nước chưa”...

5 giờ chiều, nhiều khu vực thuộc phường Hạ Đình vẫn chưa có nước. Vì vậy, trong khoảng sân Nhà máy nước Hạ Đình vẫn tấp nập cảnh người dân mang can, bình đến lấy nước chở về nhà. Những ngày mất nước làm ngưng trệ nhiều hoạt động nhưng lại khiến cuộc sống của người dân Thủ đô vốn là vội vã lại càng thêm tất bật. Bởi sau giờ làm, sau khi đón con tan học, họ còn có thêm việc đi chở nước về dùng. Những câu hỏi vội vã “Nhà anh có nước chưa”, “Sao mãi mà chưa có nước nhỉ” hòa vào tiếng nước xả ào ạt.

Chiều muộn ngày 17-10, Trường Tiểu học Hạ Đình vẫn chưa được cấp nước trở lại.

Chiều muộn ngày 17-10, Trường Tiểu học Hạ Đình vẫn chưa được cấp nước trở lại.

Anh Cao Văn Huy nhà ở cách xa nhà máy nước cũng đến lấy nước. Anh bảo, khu nhà anh có xe téc chở nước đến tận nơi nhưng nước lại bị vẩn đục và hơi tanh. Nghe đâu nhà cung cấp nước dùng xe tưới cây chưa thau rửa kĩ để chở nước nên thành ra nước sạch lại thành nước bẩn. Vì vậy, anh phải đến lấy nước trực tiếp trong nhà máy cho yên tâm.

Quần xắn cao, áo đẫm mồ hôi, anh Dương Thanh Tú - nhân viên Nhà máy nước Hạ Đình đang xả nước vào bình giúp người dân. Mấy ngày nay các anh phải chia nhau ra trực 24/24, ban đêm cổng nhà máy vẫn mở, sân vẫn sáng đèn để đảm bảo cho người dân và các xe téc đến lấy nước. Anh bảo, những lần trước, khi xảy ra sự cố vỡ đường ống nước sống Đà, người dân cũng phải đến lấy nước tận nhà máy nhưng không đông như lần này.

Có chứng kiến cảnh người dân đi lấy nước mới thấy khổ sở đến cỡ nào. Có gia đình chỉ có hai ông bà già, đi bộ mấy cây số đến lấy được bình nước xếp lên chiếc xe đạp, sau đó ông dong xe, bà đẩy phía sau, nhìn thật tội...

Huyền Châm

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/nguoi-ha-noi-khon-kho-vi-nuoc-566734/