Người Hà Nội lan tỏa thông điệp tích cực khi thả cá chép tiễn Táo quân về trời
Cá chép cúng ngày ông Công ông Táo thường là cá chép đỏ và phải đủ 3 con, mang ý nghĩa 'cá chép hóa rồng', đưa 3 vị Táo quân về trời. Vì thế, người ta không chọn cá chép đen hay cúng ít hơn/nhiều hơn 3 con cá trong ngày này...
Những ngày cận Tết ông Công, ông Táo, những vùng nuôi cá cảnh nổi tiếng tại tỉnh Nam Định trở nên nhộn nhịp bởi lượng xe cộ tấp nập ra, vào vận chuyển cá đi tiêu thụ. Theo ghi nhận, năm nay thị trường cá chép đỏ tiêu thụ khá nhanh. Tính đến chiều ngày 20/1 (ngày 21 tháng Chạp Âm lịch), hầu hết các hộ gia đình đều bán hết cá, thương lái nếu không đặt trước sẽ không còn hàng.
Giá cá chép đỏ năm nay cũng tăng cao hơn so với mọi năm, nếu như các năm trước giá bán chỉ dao động từ 80.000 - 90.000 đồng/kg thì năm nay đã lên tới 120.000 đồng/kg, thậm chí càng về những ngày cận Tết ông Công, ông Táo giá lại càng nhích lên. Theo các tiểu thương tại chợ đầu mối Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội), sát ngày người dân cúng ông Công, ông Táo theo truyền thống, cảnh mua bán cá chép đỏ diễn ra nhộn nhịp suốt đêm.
Khi mua cá về, các gia đình phải thả cá vào một bát nước sạch, có thể thả thêm cọng rêu xanh để cá có môi trường sống. Sau đó, bát cá cũng được đặt cạnh mâm lễ trên bàn thờ cúng ông Công ông Táo. Đặc biệt, chọn và thả cá chép đúng cách trong lễ cúng ông Công ông Táo không chỉ thể hiện lòng thành kính mà còn là hành động nhân văn, bảo vệ sự sống và môi trường.
Để phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc ý nghĩa hơn, ý thức tự giác và ứng xử văn hóa của người dân rất quan trọng. Việc thả cá là nét đẹp văn hóa của người Việt vì ngoài ý nghĩa tiễn ông Công, ông Táo về trời, còn mang nghĩa phóng sinh. Nhưng việc thả cá, để bảo đảm vệ sinh môi trường, không gây mất mỹ quan, cần ý thức của người thả.