Gói, luộc bánh chưng là truyền thống của người dân Việt Nam mỗi dịp Tết về. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại điều này dần bị mai một.
Vào những ngày giáp Tết Quý Mão, nhiều người dân Thủ đô vẫn giữ truyền thống cùng nhau ngồi gói bánh, canh bếp lửa chờ bánh chín.
Trong quan niệm của nhiều người, cùng gói bánh và đặc biệt là trông nồi bánh chưng là dịp mọi người trong gia đình, hàng xóm ngồi bên nhau chia sẻ những câu chuyện vui, buồn sau một năm bận rộn.
Dọc các con phố ở thủ đô ngày cận Tết không khó để bắt gặp hình ảnh người Hà Nội thức trắng đêm quây quần bên nồi bánh chưng nghi ngút khói.
Đặc biệt bên bờ sông Tô Lịch, đoạn phố Kim Giang hay bên đối diện là phố Vũ Tông Phan, nhiều gia đình vẫn giữ truyền thống gói và luộc bánh chưng mỗi độ Tết về.
"Với tôi, bánh chưng là nét văn hóa truyền thống. Cứ thấy nồi bánh chưng là thấy Tết, năm nào tôi cũng gói thật nhiều bánh, vừa để ăn vừa để biếu bà con, bạn bè thân thiết. Cần phải giữ những nét tinh hoa mà cha ông để lại", ông Sơn tâm sự khi đang gói bánh trên vỉa hè.
Để có được một nồi bánh ngon thì cần phải đun ít nhất 12 tiếng, ban ngày sẽ gây bất tiện nên nhiều người quyết định luộc bánh vào buổi tối.
Bánh chưng sau 12 tiếng mới có thể vớt ra, chưa kể phải cấp nước, cấp củi liên tục để bánh chín đều. Gia đình ông Sơn cho biết phải thay nhau xuyên đêm canh nồi bánh chưng.
Củi, nước liên tục được để ý vì nếu nhãng đi là cả nồi bánh sẽ không dền.
Trong cái giá lạnh của những ngày giáp Tết, hình ảnh những nồi bánh chưng đỏ lửa như gợi nhớ về một cái Tết xưa thật đầm ấm.
Mời độc giả xem thêm video Bánh Chưng nhân cá kho làng Vũ Đại (Nguồn: VTV TSTC)
Thiên Anh