Người Hàn bớt định kiến với cha, mẹ đơn thân

Sự xuất hiện của các hộ độc thân, cha mẹ đơn thân... trên các phương tiện truyền thông đã dần xoa dịu định kiến của công chúng xứ kim chi với các gia đình phi truyền thống.

2 năm trước, Sayuri (43 tuổi), MC người Nhật Bản sinh sống và làm việc ở Seoul (Hàn Quốc), trở thành tâm điểm dư luận khi tham gia chương trình The Return of Superman cùng con trai là Zen.

Sayuri đã chọn mang thai nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), làm mẹ đơn thân.

Ban đầu, nữ MC nhận về nhiều ý kiến trái chiều do đây là lần đầu tiên một bà mẹ đơn thân xuất hiện trên chương trình truyền hình xứ kim chi.

 Sayuri gây chú ý khi làm mẹ đơn thân ở Hàn Quốc. Ảnh: @Sayuriakon13.

Sayuri gây chú ý khi làm mẹ đơn thân ở Hàn Quốc. Ảnh: @Sayuriakon13.

Những năm gần đây, các hình thức gia đình ở xứ kim chi ngày càng đa dạng. Họ bao gồm các bậc phụ huynh đơn thân, vợ chồng đã ly dị, thậm chí là bạn bè sống chung dưới một mái nhà.

Sự xuất hiện của họ trên truyền hình đang góp phần làm thay đổi suy nghĩ của dư luận về khái niệm "gia đình".

Phá vỡ định kiến

Năm ngoái, chương trình thực tế Brave Solo Parenting: I Raise của JTBC gây chú ý khi mời người nổi tiếng chia sẻ về quá trình nuôi con một mình sau khi ly hôn.

Công chúng có cơ hội thấu hiểu niềm vui cũng như khó khăn của việc làm cha mẹ đơn thân. Điển hình là hành trình nuôi dạy cậu con trai mắc chứng ADHD của Lee Ji-hyun - cựu thành viên nhóm nhạc nữ Jewelry.

Sự đa dạng về hình thức gia đình cũng được nhiều tác giả Hàn Quốc đưa vào sản phẩm sáng tạo của mình.

 Cựu thành viên nhóm nhạc Jewelry Lee Ji-hyun xuất hiện trên truyền hình, chia sẻ về cuộc sống làm mẹ đơn thân hậu ly hôn. Ảnh: DB Entertainment.

Cựu thành viên nhóm nhạc Jewelry Lee Ji-hyun xuất hiện trên truyền hình, chia sẻ về cuộc sống làm mẹ đơn thân hậu ly hôn. Ảnh: DB Entertainment.

Tác phẩm I am Single by Choice and I Raise Children (tạm dịch: Tôi chọn sống độc thân và tự nuôi con) của Baek Ji-seon là những tâm sự cá nhân về hành trình nhận nuôi, chăm sóc và dạy dỗ 2 cô con gái.

Chia sẻ với Korea Times, Baek cho biết sau khi chứng kiến cuộc hôn nhân bất hòa, bạo lực của cha mẹ mình, cô quyết định từ bỏ đời sống hôn nhân.

"Một số người rơi vào cái bẫy vì nghĩ rằng 'gia đình' chỉ có thể được tạo thành nhờ hôn nhân. Nhưng có khi bạn đời lại là người đe dọa đến sự an toàn, hạnh phúc cá nhân và con cái nhiều nhất", cô nói.

 Tại Hàn Quốc, số hộ gia đình một người đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2020, trong khi tỷ lệ kết hôn và sinh giảm xuống mức thấp kỷ lục. Ảnh: AFP.

Tại Hàn Quốc, số hộ gia đình một người đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2020, trong khi tỷ lệ kết hôn và sinh giảm xuống mức thấp kỷ lục. Ảnh: AFP.

Bạn bè sống chung dưới một mái nhà cũng là hình thức gia đình "phi truyền thống" khác được đề cập trên truyền thông, sách báo.

Cuốn Lives of Women Forming a Two-Person Household đã kể về cuộc sống hàng ngày của 2 người bạn sống cùng nhau như các thành viên trong một gia đình.

Tác giả giải thích rằng họ lập thành một hộ gia đình 2 người để chia sẻ chi phí thuê nhà, sinh hoạt và xây dựng mối quan hệ gắn kết như những cô gái độc thân.

"Đó là khoảnh khắc mà mơ ước xây dựng 'tình chị em bền vững' của chúng tôi trở thành hiện thực", tác giả viết.

Thực tế

Korea Times đưa tin việc các phương tiện truyền thông bắt đầu đem tới những câu chuyện về đa dạng hình thức gia đình cho thấy sự thay đổi trong quan niệm xã hội.

Theo dữ liệu của Bộ Nội vụ và An toàn, tỷ lệ hộ gia đình độc thân ở xứ kim chi tăng nhanh chóng, đạt mức 9.487.295 hộ vào tháng 1, chiếm 40,4% tổng số.

Cục Thống kê Hàn Quốc cũng cho thấy lượng người đăng ký kết hôn từ tháng 1 tới tháng 11/2021 chạm mức thấp nhất mọi thời đại - 172.748 đôi.

Hơn nữa, tỷ suất sinh chung tại nước này vào năm 2020 đạt mốc thấp nhất thế giới là 0,84 và dự kiến tiếp tục giảm tới năm 2024, theo dự báo của Bộ Tài chính.

 Nhiều người trẻ Hàn Quốc theo đuổi cuộc sống độc thân. Ảnh: AP.

Nhiều người trẻ Hàn Quốc theo đuổi cuộc sống độc thân. Ảnh: AP.

Trong khi đó, khảo sát mới nhất của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình trên 1.500 công dân trong độ tuổi 19-79 chỉ ra 68,5% số người được hỏi cho rằng những thành viên sống chung dưới một mái nhà, chia sẻ chi phí sinh hoạt có thể được công nhận là "gia đình".

49% số thành viên tham gia khảo sát chấp nhận ý tưởng sinh con mà không cưới.

"Có thể nói, các chương trình truyền hình và ấn phẩm văn hóa đang phản ánh thay đổi trong chuẩn mực và thực tế ở Hàn Quốc. Sự xuất hiện của những tác phẩm và người có tầm ảnh hưởng như Sayuri đã góp phần làm giảm định kiến, nâng cao sự nhận thức về đa dạng hình thức gia đình", nhà phê bình văn hóa Kim Heun-sik nói.

Song, ông Kim nói rằng sự thay đổi này cần đi kèm với các chính sách và hệ thống phúc lợi phù hợp.

"Tất nhiên, vẫn có nhiều người quan niệm gia đình truyền thống phải có đủ bố mẹ, con cái, hoặc gia đình mở rộng. Các nhà hoạch định chính sách cần giảm thiểu sự xung đột thế hệ có thể phát sinh, hỗ trợ cho các kiểu gia đình khác nhau", ông nói.

Theo Luật Dân sự hiện hành, chỉ những hộ hình thành trên cơ sở kết hôn, sinh con hoặc nhận con nuôi mới được công nhận là gia đình.

Định nghĩa đó ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của những hình thức gia đình khác: từ chính sách chăm sóc trẻ em, trợ cấp thuế, thừa kế, khoản vay nhà ở và các trường hợp khẩn cấp về y tế.

Trong bối cảnh này, chính quyền Hàn Quốc đã công bố kế hoạch 5 năm cho tất cả hình thức gia đình vào năm ngoái nhằm mở rộng, thiết lập lại ranh giới pháp lý cho các hộ "phi truyền thống" như sống chung mà không kết hôn, nhận nuôi hay hộ độc thân.

Ông Kim cũng nhấn mạnh cần cẩn trọng khi miêu tả các hình thức gia đình mới mẻ trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tránh để những người tham gia bị tác động tiêu cực.

Trang Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-han-bot-dinh-kien-voi-cha-me-don-than-post1295282.html