Người Hàn lùng mua đồ sắp hết hạn, hàng đổi trả thời bão giá

Dân văn phòng Hàn tới các cửa hàng tiện lợi lùng mua đồ ăn sắp hết hạn giảm giá 40-60%, chấp nhận mua đồ có vài vết xước để tiết kiệm tiền.

Ảnh: Korean Herald

Ảnh: Korean Herald

Những hộp cơm trưa và các mặt hàng thực phẩm tươi đã chế biến sắp hết hạn sử dụng đang là mặt hàng hot được người tiêu dùng Hàn săn lùng. Bởi chúng được giảm giá mạnh so với hàng còn hạn dài, là cách để mọi người tiết kiệm tiền trong bối cảnh lạm phát tăng vọt.

Những nhân viên văn phòng là nhóm khách hàng thường xuyên thưởng thức bữa ăn giá rẻ này khi bữa trưa chốn công sở đang trở nên đắt đỏ. "Công ty tôi không hỗ trợ tiền ăn nên tôi phải tự trả tiền ăn hàng ngày. Gần đây, tất cả các nhà hàng gần văn phòng của tôi đều tăng giá. Vì vậy, tôi bắt đầu ăn trưa tại các cửa hàng tiện lợi, nơi thực phẩm đông lạnh được bán với giá rẻ. Đó là một lựa chọn tốt cho tôi", nhân viên văn phòng họ Kim, 32 tuổi nói. Theo tờ Hani, giá tiêu dùng tại Hàn Quốc trong tháng sáu đã tăng 4,1% so với cùng thời điểm năm ngoái, đánh dấu mức tăng lớn nhất trong 10 năm 3 tháng qua.

Jang, một nhân viên văn phòng khác, cho biết anh mua thực phẩm sắp hết hạn sử dụng cho bữa trưa của mình kể từ khi lạm phát tấn công các nền kinh tế trên toàn cầu từ đầu năm nay. Anh nói: "Trái cây và salad sẽ hết hạn sau một hoặc hai ngày được bán với giá giảm 40% tại E-mart. Tôi đang ăn các thực phẩm mua ở chuỗi cửa hàng tiện lợi để tiết kiệm tiền từ lâu, bởi chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ".

GS Retail, công ty điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25, bán các mặt hàng giảm giá tới 60%. Chúng chủ yếu là thực phẩm tươi sống sắp hết hạn sử dụng hoặc các sản phẩm không được ưa chuộng, bán không chạy. Với mức giảm giá này, các cửa hàng tiện lợi có thể giảm chi phí xử lý hàng tồn kho, trong khi người tiêu dùng có thể mua sản phẩm với giá rẻ hơn, vì vậy đôi bên cùng có lợi.

Kết quả, doanh số bán các sản phẩm giảm giá đã tăng gấp đôi trong tháng Năm so với tháng Một. Trong khi đó, giá tiêu dùng đã tăng trên 5% vào tháng Năm. "Khi chi phí sinh hoạt tăng, nhiều người tiêu dùng tìm kiếm các mặt hàng rẻ hơn hoặc tìm cách mua chúng với giá thấp hơn. Chúng tôi đang bán các hộp cơm trưa có giá rẻ hơn 50% trong vòng 5 giờ đồng hồ trước khi chúng hết hạn sử dụng", một quản lý của GS Retail cho biết.

Theo tờ Arirang, để đối phó với bão giá, người tiêu dùng còn tìm nhiều cách tiết kiệm tiền ngoài việc mua thực phẩm sắp hết hạn. Một công ty đã bắt đầu lộ trình "mua sắm tiết kiệm" chuyên bán các sản phẩm được định giá thấp hơn giá gốc và nhanh chóng tạo nên "cú hích". Theo đó, doanh thu của công ty đã tăng 279% vào tháng Năm so với tháng Tư.

Những mặt hàng được bán giá rẻ đều do chính nhân viên của công ty kiểm tra để đảm bảo chúng không gặp khiếm khuyết gì lớn gây ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. Lý do các mặt hàng được bán với giá thấp hơn nhiều so với giá ban đầu chủ yếu do đây là hàng bị đổi trả hoặc có vài vết xước nhỏ khiến khách hàng không sẵn lòng chi tiền để mua với giá gốc. Theo Arirang, việc mua hàng trưng bày hoặc đã qua sử dụng để tiết kiệm tiền là phương án của nhiều người tiêu dùng giữa thời kỳ kinh tế khó khăn.

Hằng Trần (Theo Korea Times, Arirang)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/nguoi-han-lung-mua-do-sap-het-han-hang-doi-tra-thoi-bao-gia-172220707180238244.htm