Người Hàn 'thắt lưng buộc bụng' để nghỉ hưu trước 40 tuổi
Nhiều người trẻ xứ kim chi theo đuổi phong trào FIRE (độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm) vì không thể chịu đựng môi trường làm việc độc hại, không có thời gian chăm lo cho cuộc sống.
Năm ngoái, Kim Min-jae đã từ bỏ công việc đáng mơ ước tại công ty phát triển trò chơi điện tử có tiếng ở Hàn Quốc để tập trung vào cuộc sống cá nhân.
Anh và bạn gái hiện dành phần lớn thời gian đi du lịch, tập yoga, đi dạo mỗi tối và không màng tới chuyện tìm việc nữa.
Kim (35 tuổi) theo đuổi lối sống FIRE - Financial Independence, Retire Early (dịch là độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm). Xu hướng này lần đầu được phổ biến bởi tựa sách Your Money or Your Life (1992).
Theo SCMP, những người theo đuổi FIRE thường sống tiết kiệm tối đa nhằm tích trữ tiền của, nghỉ việc trước tuổi hưu trí thông thường và sống tới cuối đời nhờ số tiền tích cóp.
Tích cóp để nghỉ hưu sớm
Hiện tại, Kim sở hữu khối tài sản lên tới 1,8 tỷ won, tích lũy nhờ tiết kiệm 90% mức lương hàng tháng suốt nhiều năm ròng.
Anh chỉ ăn cơm ở căng tin công ty, tránh các khoản mua sắm như quần áo và cà phê, duy trì mức chi hàng tháng dưới 200 USD.
"Tôi thích môi trường làm việc và đồng nghiệp của mình nhưng tôi không thể kiểm soát khối lượng công việc. Hơn nữa, chẳng có gì đảm bảo cho tương lai. Vì vậy ý tưởng FIRE phù hợp với tôi", Kim chia sẻ.
Suốt 11 năm làm việc ở vị trí nhà phát triển game, anh đã nhiều lần cân nhắc tới ý định nghỉ hưu sớm. Song, dưới sự thuyết phục của bạn gái, cả hai quyết định tích cóp tiền bạc và chuẩn bị cho dự định FIRE.
Họ chi khoảng 2 triệu won cho chi phí sinh hoạt, không có kế hoạch kết hôn trước năm 55 tuổi. Khi đó, họ có thể đăng ký khoản thế chấp nhà ở theo quy định.
"Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là tiêu hết số tiền tiết kiệm trước khi qua đời và không muốn có con", Kim nói.
Ở các nước phương Tây, những người theo đuổi phong trào nghỉ hưu sớm đa số đều có khoản tích lũy lớn như Kim. Nhưng ở xứ kim chi, nhiều người thuộc "nhóm ủng hộ FIRE" lại là người lao động trẻ bất bình với sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, thậm chí thất nghiệp, theo cựu nhà báo tài chính Shin Hee-eun.
Một khảo sát trên 707 người lao động từ website tuyển dụng Incruit năm 2021 chỉ ra rằng mức lương trung bình hàng tháng của những người theo lối sống FIRE là 2,67 triệu won.
Hơn 1/4 trong số những người được hỏi nói họ dành dụm khoảng 40% lương mỗi tháng. Phần lớn trong số đó đều mong muốn được về hưu trước 40 tuổi.
Shin cho biết phong trào nghỉ hưu sớm bắt đầu bén rễ ở Hàn Quốc vào năm 2017, khi các chiến lược đầu tư chủ động và bitcoin trở thành xu hướng.
Cân bằng cuộc sống nhờ FIRE
Lee Taek-gwang, nhà bình luận văn hóa kiêm giáo sư của ĐH Kyung Hee, nói rằng nhiều người trẻ tìm kiếm sự tự do, độc lập tài chính trước tuổi nghỉ hưu vì khó sinh tồn ở chỗ làm, làm việc quá sức.
Ông Lee cho biết sự trỗi dậy của phong trào này là kết quả của "sự xung đột giữa văn hóa tổ chức nơi làm việc và mong muốn của người trẻ".
Không hài lòng với công việc cũ, Jong Hyo-won quyết định nghỉ hưu sớm. Cô rời bỏ vị trí làm việc vào năm 2018 để thành lập Linchpin, nhóm chia sẻ về đầu tư và FIRE.
"Người trẻ muốn thay đổi cách họ sống và làm việc", cô gái 25 tuổi nói. Jong chia sẻ rằng nhiều người đồng trang lứa với cô đã bớt sự quan tâm tới các kỳ thi công chức - vốn là "cánh cửa" dẫn đến những vị trí cao, có thu nhập ổn định.
Jong hiện điều hành nhiều dự án kinh doanh, trong đó có một số không gian làm việc chung (co-working space) dưới thương hiệu Linchpin. Cô khẳng định phong trào FIRE sẽ tiếp tục phát triển ở Hàn Quốc.
Tuy nhiên, giáo sư Lee từ ĐH Kyung Hee cho biết trước tình trạng gia tăng tỷ lệ lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, việc tích lũy tài chính có thể gặp trở ngại.
Dù vậy, Kim và bạn gái vẫn không nao núng.
"Phong trào FIRE không chỉ là rời bỏ công việc, mà còn là trao quyền kiểm soát cuộc sống vào tay bạn. Bạn cần học cách quản lý tài chính, cân bằng cuộc sống của chính mình", anh nói.