Người hòa giải viên của khu phố

Khi phát sinh mâu thuẫn, người trong cuộc khó giữ bình tĩnh, rất dễ xảy ra những điều đáng tiếc, thậm chí là có thể va chạm. Những lúc như vậy, hòa giải viên cơ sở cần phải nhanh chóng nắm tình hình, thuyết phục, giải thích thấu tình đạt lý khiến nhiều tranh chấp từ có thành không.

Đó là những lời chia sẻ về công tác hòa giải của bà Đặng Thị Thành (SN 1949, tổ trưởng tổ dân phố, tổ trưởng tổ hòa giải số 13, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội). Là người từng hàn gắn không biết bao vụ việc về hôn nhân gia đình, giờ đây mỗi lần nhắc lại những câu chuyện hòa giải như thế, trên gương mặt người phụ nữ này lại rạng ngời niềm hạnh phúc.

Đó là câu chuyện về một gia đình đã chung sống được với nhau gần 20 năm. Khi người chồng, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ mà lớn tiếng đuổi người vợ về nhà mẹ đẻ. Cô vợ không vừa cũng xách đồ đi luôn. Nếu không có sự hàn gắn của bà Thành, có lẽ cặp vợ chồng này đã không thể cùng nhau đi tiếp con đường hạnh phúc.

Theo bà Thành, một trong những nguyên tắc của người làm hòa giải là phải khéo léo. Ảnh: N.Đ

Theo bà Thành, một trong những nguyên tắc của người làm hòa giải là phải khéo léo. Ảnh: N.Đ

Để hòa giải vụ việc này bà Thành đã vào đề luôn về những ấm ức, bí bách mà người vợ phải chịu khi chung sống cùng gia đình chồng trong một căn nhà chật chội. Khi người chồng hiểu ra đã gọi điện bảo cô vợ về nhà. Nhưng bà mẹ chồng không vừa, lập tức bảo “ai cho nó về”. Bà Thành không ngần ngại quyết định: “Tôi đưa nó về. Nó được cưới xin đàng hoàng nên giờ muốn đuổi nó đi thì phải có lời với nhà người ta”. Sau quyết định dứt khoát của bà Thành, đôi vợ chồng ấy lại hòa thuận, chung sống với nhau. Bà cho biết, sau mỗi lần hòa giải thành công, bà luôn để ý quan tâm xem tình hình gia đình ấy ra sao để can thiệp kịp thời.

Bà Thành chia sẻ: “Quan trọng là để người trong cuộc nói lên nguyên nhân của sự bất hòa và tự nhận thức về vấn đề đó. Sau khi nghe ý kiến thì người cầm trịch phải khéo léo để cuộc hòa giải không biến thành cuộc đấu tố nhau. Sau đó lắng nghe thêm ý kiến của những người xung quanh để tìm hướng giải quyết phù hợp nhất”.

Một trường hợp khác là của gia đình chị H, từ ngày chồng chị nghỉ việc ở Cty, anh không có việc làm nên thường xuyên tụ tập bạn bè để uống rượu. Hôm ấy, chị đi làm về muộn, thấy anh T đang tổ chức ăn nhậu trong nhà với đám bạn, trong khi nhà cửa bề bộn, con cái chưa được ăn uống gì. Bực mình, chị nói mấy câu trách móc chồng trước mặt bạn bè chồng. Anh chồng có tí men rượu, nghe thế, tự ái nổi lên, anh lớn tiếng mắng nhiếc vợ khiến cho mâu thuẫn vợ chồng bùng nổ.

Để giúp cặp vợ chồng trẻ “làm lành”, bà Thành đã lựa thời gian chị H đi làm để sang nhà, nói chuyện với chồng chị. Bà hỏi thăm về sức khỏe, công việc, rồi lân la trò chuyện. Anh ấm ức kể xấu vợ, rằng chị coi thường anh, chê bai anh, làm vợ như vậy là không tôn trọng chồng. Bà nghe hết, rồi chỉ ra cái sai của anh, rằng, anh phải bỏ rượu, vừa hại sức khỏe, vừa rượu vào lời ra có những lời lẽ thô tục với vợ.

Thấy anh T dịu dịu đi, bà lại gặp riêng chị H, nhắc chị không nên có những lời lẽ coi thường chồng khiến chồng tự ái. Anh T đang chưa có việc. Tổ dân phố sẽ tạo điều kiện cho anh làm bảo vệ khu dân cư. Thấy chị vẫn kiên quyết đòi ly hôn, bà Thành bảo: “Các cháu cứ sống chung với nhau trong 3-6 tháng và thực hiện đúng như những gì mà tôi nói, chồng quan tâm vợ, vợ yêu thương chồng. Nếu không hợp được thì các cô sẽ có biện pháp giúp đỡ khác”.

Quá trình đó, bà Thành vẫn thường xuyên thăm hỏi, gặp gỡ hai vợ chồng. Anh T làm bảo vệ khu dân cư, lấy cớ đi ngang qua, bà nhắc: “Hôm nay uống rượu ít thôi nhé”. Mỗi lần có việc, bà lại hỏi chị H tình hình thay đổi của chồng. Thấy chồng thay đổi, người vợ cũng nhẹ nhàng hơn. Đến nay, sau 2 năm, lá đơn ly hôn của vợ chồng chị H vẫn để trong ngăn kéo. Gặp bà Thành, chị H ngượng ngùng cảm tạ: “Nếu hồi đó không có bác khuyên giải, thì bây giờ gia đình cháu đã mỗi người một nơi”.

Nói về những đóng góp trong công tác hòa giải ở cơ sở của bà Đặng Thị Thành, người được mệnh danh là “hòa giải viên” của khu phố, ông Hoa Xuân Thuận, Phó Chủ tịch UBND phường Bưởi cho biết, trên địa bàn, các gia đình mâu thuẫn thường bắt nguồn từ những lý do nhỏ nhặt như kinh tế không ổn định, khác nhau về quan điểm sống, người vợ cư xử chưa khéo léo hay người chồng chưa mẫu mực và làm tròn vai. Do đó, để giữ hạnh phúc gia đình, vợ chồng cần biết chia sẻ với nhau. Vì thế, mỗi địa bàn dân cư rất cần những cán bộ cần mẫn, hiểu dân, có uy tín trong dân đồng thời kiêm nhiệm công tác hòa giải viên tận tâm như bà Thành. Có như vậy công tác hòa giải ở cơ sở mới đạt được những hiệu quả hết sức tích cực.

Nguyễn Đăng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nguoi-hoa-giai-vien-cua-khu-pho-182382.html