Người họa sĩ hơn 40 năm vẽ tranh Bác Hồ
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận cho các văn nghệ sĩ nói chung và họa sĩ nói riêng. Với họa sĩ Xuân Phúc, qua hơn 40 năm làm nghề, ông đã vẽ hơn 2.000 bức tranh về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở thành một trong những họa sĩ vẽ nhiều về Bác và thành công nhất hiện nay.

Bác Hồ là nguồn cảm hứng xuyên suốt trong các sáng tác của họa sĩ Xuân Phúc. (Ảnh: PV)
Họa sĩ Xuân Phúc sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống hội họa. Thời thơ ấu, ông đã được cha là họa sĩ Trần Xuân Vị dạy vẽ tranh. Chính ảnh hưởng từ truyền thống gia đình cộng với đam mê từ nhỏ, đã hình thành trong ông một hướng đi riêng trong lĩnh vực hội họa, đó là vẽ chân dung Bác Hồ.
Nói về cơ duyên vẽ tranh về Bác Hồ, họa sĩ Xuân Phúc chia sẻ: “Ngay từ lúc còn nhỏ, bố tôi đã được may mắn được ngồi bên cạnh Bác khi Bác về thăm Thanh Hóa. Và bố tôi vẽ rất nhiều về Bác Hồ. Ông cũng là một tấm gương mẫu mực, sống và làm việc theo Bác. Sau này trưởng thành, tôi cảm nhận được công lao trời biển của Bác, cả cuộc đời hi sinh cho đất nước, cho dân tộc. Xuất phát từ lòng kính yêu Bác, tôi vẽ Bác bằng trách nhiệm, bằng sự yêu thương, sự trân trọng.”

Tranh của họa sĩ Trần Xuân Phúc vẽ về Bác đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới.
Để vẽ được những bức tranh về Bác thành công, họa sĩ Xuân Phúc đã dành nhiều thời gian sưu tầm và nghiên cứu những tài liệu về Người. Ông có một hệ thống tư liệu theo chuyên đề như: Bác Hồ với công an, Bác Hồ với bộ đội, Bác Hồ với nông dân…tất cả đều được sắp xếp khoa học. Khi đã nghiên cứu kỹ các tư liệu về Bác, ông thấm nhuần được cả phong cách lẫn tư tưởng của Người để tạo nên những bức tranh đẹp nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Vẽ ánh mắt của Bác là quan trọng lắm. Lúc đối diện với kẻ thù, trước một chiến dịch ánh mắt của Bác rất là kiên định. Thế nhưng những bức tranh Bác với các cháu thiếu nhi hoặc Bác đang giao tiếp với nhân dân thì tôi thể hiện Bác với ánh mắt nồng ấm, nhân hậu”, họa sĩ Xuân Phúc chia sẻ.
Nguyễn Đức Dụ là họa sĩ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cũng là một người từng vẽ tranh về Bác Hồ. Ông từng đánh giá rất cao tranh của người đồng nghiệp: Xuân Phúc vẽ chuyên sâu về Bác Hồ và vẽ về Bác với một cách chân tình nhất. Đi đâu tôi nhìn thấy những bức tranh của Xuân Phúc là nhận ra ngay chứ không nhầm lẫn với ai được. Tranh của anh gọt giũa, tỉa tót rất là chỉn chu và lột tả được tinh thần của Bác Hồ trong từng hoàn cảnh, từng giai đoạn.
Khi nghiên cứu tư liệu, ông nghiêm túc và chỉn chu, nhưng khi vẽ người họa sĩ ấy lại để mình chìm đắm trong cảm xúc. Ông luôn vẽ với sự tôn kính và tình yêu vô hạn với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Họa sĩ Xuân Phúc đã nâng lối vẽ truyền thần lên trường phái tranh cực thực. Từng chi tiết về ánh mắt, vầng trán, chòm râu, sợi tóc của Bác trong tranh đều chân thực mà vẫn hiển hiện sự gần gũi, ấm áp và tình cảm. Xem tranh của ông, không ai nghĩ rằng ông chưa từng học qua một trường lớp về hội họa nào.

Tranh của họa sĩ Xuân Phúc luôn mang đến cảm giác gần gũi, thân thương về Bác.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam khẳng định, đây là đề tài mà không phải ai cũng có duyên để vẽ tốt: "Đề tài lãnh tụ không phải là họa sĩ nào cũng đủ rung động, cảm xúc để truyền đạt lại cho những người xem một cách thành công. Tôi cho đấy là sự khẳng định tài năng của Trần Xuân Phúc trong lĩnh vực vẽ về Bác Hồ. Các tác phẩm của anh được sử dụng rộng rãi nhiều nơi, đặc biệt là những cơ quan của Chính phủ, Nhà nước".
Còn họa sĩ Nguyễn Hồng Tuấn thì cho rằng mỗi một tác phẩm về Bác của họa sĩ Xuân Phúc xây dựng rất cầu kỳ về góc độ nghệ thuật từ ý tưởng, bố cục đến các cách thể hiện đều rất chỉn chu và chuyên nghiệp. Khiến bất cứ ai khi nhìn tranh đều cảm nhận được tình cảm của tác giả đối với Bác.
Với hơn 40 năm không ngừng học tập, sáng tạo nghệ thuật, họa sĩ Xuân Phúc đã cho ra đời hơn 2.000 bức tranh về Bác Hồ. Càng vẽ ông lại càng thấy yêu và cảm phục Bác hơn, để rồi qua những tranh vẽ của ông, người xem thêm phần yêu kính Người. Tâm nguyện lớn nhất của họa sĩ Xuân Phúc là mong muốn có được một bảo tàng mỹ thuật cho riêng mình, đó sẽ là nơi trưng bày các sáng tác trong suốt cả cuộc đời cầm bút vẽ, trong đó phần trang trọng nhất dành trưng bày các bức tranh về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nguoi-hoa-si-hon-40-nam-ve-tranh-bac-ho-post880460.html