Người Hồi giáo Rohingya lo sợ hồi hương về Myanmar sau cuộc đảo chính

(CLO Việc những người tị nạn Rohingya hồi hương về Myanmar từ các trại ở nước láng giềng Bangladesh đang ngày càng trở nên khó khăn khi quân đội thắt chặt sự kìm kẹp của họ đối với đất nước sau khi đảo chính vào ngày 1 tháng 2.

Người Hồi giáo Rohingya lo sợ rằng quân đội - lực lượng đã đuổi họ ra khỏi bang Rakhine vào năm 2017, sẽ tiếp tục đàn áp họ nếu họ quay trở lại. Ảnh: Reuters

Bài liên quan

Myanmar biểu tình kéo sang ngày thứ năm, bạo lực gia tăng

Quân đội Myanmar nắm quyền lực ở thế yếu: Nguy hiểm và nhiều rủi ro

Cảnh sát Myanmar bắn đạn cao su giải tán cuộc biểu tình, ba người bị thương

Người Hồi giáo Rohingya đã bị quân đội Myanmar đánh đuổi khỏi bang Rakhine vào tháng 8 năm 2017. Các tướng lĩnh quân đội Myanmar không coi việc đàn áp người Rohingya là một tội ác và phản đối tòa án quốc tế tìm cách truy tố những người có trách nhiệm.

Người tị nạn Rohingya, những người không quốc tịch mặc dù đã định cư ở Bang Rakhine trong nhiều thế hệ, cảm thấy sự an toàn của họ sẽ không được đảm bảo sau khi hồi hương.

Mohammad, một người Hồi giáo Rohingya sống trong trại tị nạn ở Cox's Bazar, đông nam Bangladesh, nói với Nikkei: "Cuộc đảo chính thật bi thảm và khủng khiếp. Nếu tôi có thể nhập quốc tịch ở đất nước của mình, tôi muốn quay trở lại. Nhưng tôi không biết khi nào điều đó sẽ xảy ra".

Bangladesh và Myanmar đã đồng ý khuyến khích người Rohingya tự nguyện trở về, nhưng rất ít người tị nạn sẵn sàng làm như vậy. Người theo đạo Phật chiếm đa số ở Myanmar.

Vào tháng 11 năm 2019, Tòa án Hình sự Quốc tế ở The Hague tuyên bố sẽ mở một cuộc điều tra chính thức về cuộc đàn áp người Rohingya và vào tháng 9 năm ngoái, họ đã bắt giữ hai binh sĩ. Tổng tư lệnh quân đội Myanmar, tướng Min Aung Hlaing cũng có thể phải chịu trách nhiệm.

Bangladesh đã miễn cưỡng tiếp nhận những người tị nạn Rohingya, hiện có khoảng 1 triệu người trong các trại biên giới, nhưng đã đàm phán với Myanmar để họ hồi hương. Trong một tuyên bố sau cuộc đảo chính, Bộ Ngoại giao Bangladesh bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán này sẽ tiếp tục.

Tờ Daily Star, một tờ báo tiếng Anh ở Bangladesh, đưa tin ngày 3 tháng 2 rằng chính phủ đã thắt chặt kiểm soát biên giới để ngăn chặn nhiều người tị nạn Rohingya vào nước này.

Chính phủ Bangladesh bắt đầu tái định cư những người tị nạn đến một hòn đảo xa xôi, Bhasan Char, ở Vịnh Bengal vào tháng 12 năm 2020, với lý do các vấn đề an ninh. Tổng số 5.000 người tị nạn đã được gửi đến đó cho đến nay - mục tiêu là chuyển tổng cộng 100.000 người.

Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn bày tỏ lo ngại về động thái này sau khi một số người Rohingya nói rằng họ bị buộc phải di cư.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguoi-hoi-giao-rohingya-lo-so-hoi-huong-ve-myanmar-sau-cuoc-dao-chinh-post118537.html