Người Hong Kong quyết bỏ việc chứ không tới Trung Quốc đại lục giữa dịch corona

Nhiều người Hong Kong lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi công việc yêu cầu họ phải di chuyển qua lại giữa thành phố này và Trung Quốc đại lục.

Tới Trung Quốc đại lục hay quyết định không đi - đó là vấn đề nan giải với Peter Choi. Choi thường xuyên đánh xe chở sếp, người điều hành một nhà máy sản xuất đồ kim loại ở Đài Sơn, Giang Môn, tỉnh Quảng Đông từ Hong Kong sang Quảng Đông.

Sau mỗi lần như vậy, anh ở lại Đài Sơn 2 ngày trước khi trở về Hong Kong.

Hôm 29/1, bà chủ tiếp tục yêu cầu Choi đưa mình và chồng tới đại lục. Lần này, họ dự định lưu lại 4 ngày. Choi nói không muốn đi vì lo sợ bị nhiễm virus corona.

"Vợ tôi và bố mẹ tôi đều phản đối kế hoạch đi lên phía Bắc", Choi nói.

Một cảnh sát đứng gác ở khu vực giáp ranh giữa Hong Kong và Thâm Quyến. (Ảnh: AP)

Một cảnh sát đứng gác ở khu vực giáp ranh giữa Hong Kong và Thâm Quyến. (Ảnh: AP)

Tài xế 51 tuổi đề nghị đưa bà chủ của mình qua khu vực giáp ranh giữa Hong Kong và Thâm Quyến. Tại đây, bà này cùng chồng sẽ được xe khác từ nhà máy tới đón.

"Tôi đã chuẩn bị nghỉ việc nếu bà chủ không chấp nhận đề nghị của mình. Không có gì quan trọng hơn cuộc sống và sức khỏe của gia đình bạn. Rất may, sếp hiểu được lo lắng của tôi và quyết định hoãn chuyến đi tới Đài Sơn", Choi nói.

Choi cho biết chủ của ông sẽ quyết định thời gian di chuyển tùy thuộc vào tình hình lây lan của dịch viêm phổi cấp.

Một người Hong Kong khác, Jack Chan lo ngại về tương lai trước mắt của nhà máy sản xuất phần cứng kim loại và nhựa của mình tại Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông.

Hôm 29/1, chính quyền Quảng Đông yêu cầu tất cả các nhà máy trên địa bàn tỉnh kéo dài thời gian ngưng hoạt động cho tới ngày 10/2, muộn hơn 1 tuần so với dự kiến ban đầu.

Chan đã lên kế hoạch trở lại nhà máy vào cuối tuần trước nhưng phải hoãn lại.

"Nhân viên của tôi nói rằng các công ty vận chuyển sẽ trở lại hoạt động vào ngày 10/2, điều này ảnh hưởng tới kế hoạch vận chuyển hàng hóa ra nước ngoài của tôi", Chan cho hay.

Ở Trung Quốc đại lục, người lao động không được trả lương trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Chan nói ông không rõ công ty của mình có bị yêu cầu trả một phần tiền lương cho công nhân trong kỳ nghỉ thêm kéo dài 1 tuần hay không.

"Đó là gánh nặng lớn với chủ các công ty", ông nói.

Một mối lo ngại khác của Chan là trước khi nhà máy mở cửa trở lại, làm thế nào để ông di chuyển tới Quảng Châu.

Hong Kong gần đây đóng nhiều cửa khẩu biên giới với Trung Quốc trong nỗ lực ngăn sự lây lan virus corona.

Các chuyến tàu cao tốc tới Trung Quốc đại lục và các chuyến tàu hỏa giữa Hồng Khám (thuộc Cửu Long, Hong Kong) và Quảng Châu bị tạm ngừng phục vụ cho tới khi có thông báo mới.

"Tôi từng đi và đến Quảng Châu bằng tàu cao tốc. Hệ thống mua vé cho phép theo dõi các hành khách bị nhiễm bệnh. Tôi không thích xe buýt xuyên biên giới vì họ thiếu hệ thống đó", Chan cho hay.

Liu, một người làm trong ngàng ngân hàng tại Hong Kong nói anh chưa bao giờ nghĩ kỳ nghỉ của mình sẽ kéo dài tới vậy.

Liu hiện sống tại Thâm Quyến và di chuyển bằng tàu cao tốc tới nơi làm việc tại Hong Kong mỗi ngày.

Anh trở về nhà hôm 23/1 để đón Tết cùng gia đình và dự định trở lại hôm 29/1, nhưng kế hoạch này phải dời lại ít nhất là cho tới ngày 17/2.

"Bố mẹ tôi từ Vũ Hán tới thăm gia đình tôi trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Chính quyền đại lục yêu cầu chúng tôi ở nhà trong 14 ngày để đảm bảo chúng tôi không nhiễm bệnh. Công ty của tôi nhận được thông báo tương tự từ chính quyền Hong Kong và yêu cầu tôi phải cách ly thêm 14 ngày trước khi trở lại", Liu chia sẻ.

Nguồn VTC: https://vtc.vn/thoi-su-quoc-te/nguoi-hong-kong-quyet-bo-viec-chu-khong-toi-trung-quoc-ar524717.html