Người kể chuyện bằng tranh về chiến trường Khu 5
Tháng 4/1972, trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt, 9 sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, trong đó có họa sĩ Triệu Khắc Lễ, đã tình nguyện vào chiến trường. Họ đã hòa mình vào đoàn quân giải phóng về với Khu 5. Nửa thế kỷ qua, những bức vẽ của họa sĩ Triệu Khắc Lễ về cuộc sống lao động, chiến đấu của quân và dân Khu 5 vẫn được lưu giữ, vẹn nguyên giá trị và đầy ắp những kỷ niệm đẹp về một thời 'cầm cọ' ra trận...
Mang cọ và giá vẽ vào chiến trường
Họa sĩ Triệu Khắc Lễ là cựu sinh viên ngành hội họa, hệ chính quy, khóa 12, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Thời Pháp thuộc, tên trường là Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Nơi đây đã đào tạo ra nhiều thế hệ họa sĩ tài danh của nền nghệ thuật hội họa Việt Nam.
Tháng 4/1972, ông cùng với 8 sinh viên gồm: Đoàn Văn Nguyên, Lê Khắc Cường, Trần Trung Chính, Lê Văn Thìn, Phạm Văn Vết, Trần Tuấn, Nguyễn Viết Ngọc, Trần Hữu Trí được đặc cách tốt nghiệp, tình nguyện vào chiến trường. Sau một thời gian ngắn huấn luyện, họ được đưa vào hỗ trợ cho văn nghệ Khu 5. Địa bàn hoạt động bao gồm các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk.
Họa sĩ Triệu Khắc Lễ kể lại, chúng tôi được đón tiếp ở K15 (nơi đón tiếp cán bộ đi B của Ban Thống nhất Trung ương). Sau một tháng luyện tập trong một khu rừng có mật danh là A105, thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, chúng tôi lên đường vào Khu 5. Sau ba tháng trèo đèo, lội suối, vượt dãy Trường Sơn, chúng tôi cũng đến được Hội Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Khu 5. Cơ quan nằm trong một cánh rừng ở Dốc Voi, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam (sau này là huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam).
Thời gian này, các cơ quan của Khu 5 đều đóng ở tỉnh Quảng Nam, chủ yếu trong rừng sâu, núi cao. Chúng tôi được phát quân tư trang như một quân nhân và được đi đến các cơ sở dân sự, quân sự thuộc Khu 5 để sáng tác. Tôi đã có 4 đợt đi thực tế chiến trường. Khi đi, ngoài tư trang, đồ vẽ, chúng tôi còn được trang bị vũ khí... Có lúc giáp mặt với địch đi tuần hoặc vào gặp ổ biệt kích, một số đồng đội của chúng tôi đã hy sinh...

Họa sĩ Triệu Khắc Lễ. Ảnh: NVCC
Chiến trường Khu 5 ngày ấy cực kỳ gian khó. Ngoài thời gian đi thực tế sáng tác, chúng tôi còn tranh thủ tăng gia trồng mì, bắp... Bữa ăn hằng ngày của chúng tôi chỉ có bắp, củ mì và rau rừng. Do thời chiến nên các đơn vị thường xuyên phải chuyển địa điểm. Chúng tôi tự dựng nhà tạm để ở... Chúng tôi thay nhau đi gùi, cõng hàng tiếp tế, mỗi chuyến mất cả tuần lễ, gặp cơn sốt rét, phải nằm lại giữa rừng. Cứ mỗi lần đi công tác, chúng tôi phải mang theo tư trang trong ba lô, vì nhỡ khi trở về, đơn vị đã di chuyển đi chỗ khác. Cuộc sống thời chiến buộc chúng tôi phải có các kỹ năng sinh tồn...”, họa sĩ Triệu Khắc Lễ chia sẻ.
Tháng 12/1972, ông được cử đến mặt trận Phú Yên để phối hợp làm công tác dân vận chuẩn bị cho ký kết Hiệp định Paris. Có lần đi ký họa phản ánh tình hình chiến sự, ông đã bò vào sát chân rào thép gai, quên mất rằng nơi đó là bãi mìn bố phòng của cả ta và địch. May mắn là ông không bị vướng mìn. Cũng lần đó, ông tận mắt chứng kiến cảnh các bà, các mẹ ở xã An Ninh kéo nhau rất đông lên chốt Hòn Bù của lính đánh thuê Nam Hàn để đấu tranh chống bắn pháo và đi càn. Vậy mà chỉ ít hôm sau, chúng bắn liên tiếp pháo chùm vào làng.
Tháng 3/1973, toàn bộ văn nghệ Khu 5 được cử đi các mặt trận. Ông được cử tham gia cùng Đoàn công tác Ban Tuyên huấn Phú Yên xuống Ban Chỉ huy chống lấn chiếm của tỉnh, ở xã Hòa Hiệp, huyện Tuy Hòa để sáng tác. Ở đây, ông đã vẽ nhiều tác phẩm sinh động như: Cảnh C22 bộ đội phòng không Tỉnh đội Phú Yên bắn hạ máy bay địch; cảnh bộ binh của ta chiến đấu giữ núi Hòn Một; cảnh cây cầu và cánh đồng ở xã Hòa Thịnh Anh hùng - nơi người dân biểu tình quyết liệt ngăn đoàn xe hành quân của lính đánh thuê Nam Hàn...
Sau khi về lại cơ quan Khu ủy Khu 5 ở Quảng Nam, ông đã cùng các họa sĩ Giang Nguyên Thái, Lê Khắc Cường, Đoàn Văn Nguyên, Tạ Quang Bạo, Phạm Văn Vết được phân công trang trí Đại hội Đảng bộ Khu 5 lần thứ III. Ông nhớ mãi kỷ niệm được giao nhiệm vụ vẽ chân dung Thủ tướng Phạm Văn Đồng, chỉ dựa vào bức ảnh đen trắng in trên báo Nhân Dân. Ông phải sửa nhiều lần, phải đến khi có ý kiến của đồng chí Võ Chí Công (lúc đó là Bí thư Khu ủy Khu 5), bức vẽ mới hoàn thành...

Khẩu đội 12 ly 7 Tuy Hòa 1, của C 22 phòng không Tỉnh đội Phú Yên chống lấn chiếm sau Hiệp định Paris ở núi Hòn Một, Tuy Hòa, Phú Yên. Tranh của Triệu Khắc Lễ (màu goat, tháng 3/1973)
Lần công tác thứ hai, vào tháng 5 và 6/1974, ông được cử đến K4 (mật danh của Ban đón tiếp tù chính trị Khu 5 từ nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc được trao trả). Ông đã vẽ các chân dung, cảnh sinh hoạt của người dân, cán bộ, chiến sĩ ở nơi đây. Lần thứ ba, ông được cử đi Gia Lai, vùng căn cứ tỉnh, thuộc các huyện 7, huyện 6 và huyện Đắk Krông Ba. Ông đã ở đây ba tháng, cùng ăn, ở với quân và dân bảo vệ tuyến đường xe vận chuyển hàng hóa, vũ khí vào chiến trường miền Nam.
Lần cuối cùng, vào tháng 2/1975, ông được tham gia chiến dịch Tây Nguyên cùng cán bộ các cơ quan văn nghệ Khu 5, báo Cờ Giải phóng, Thông tấn xã Giải phóng, Đài Phát thanh Khu 5, các đơn vị tuyên truyền, điện ảnh, văn công...
Tháng 11/1975, ông hoàn thành nhiệm vụ, được chuyển ra Bắc. Ông được tiếp nhận vào làm việc tại Tòa soạn Báo Thiếu niên Tiền phong. Trong thời gian này, ông đã viết và minh họa với nhiều tác phẩm sinh động. Năm 1980, ông chuyển công tác, về làm giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc Họa Trung ương (nay là Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương). Ông từng giữ chức vụ Trưởng khoa, rồi làm Phó Hiệu trưởng và sau là Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường cho đến khi nghỉ hưu.
Cuộc sống bình dị ở làng cổ
Gần 40 năm về trước, tôi may mắn được làm học trò của họa sĩ Triệu Khắc Lễ. Lúc đó, ông là giảng viên bộ môn hình họa và ký họa. Hình ảnh một người thầy say sưa giảng bài, nhận xét, góp ý tác phẩm kỹ lưỡng cho từng sinh viên vẫn in hằn trong tâm trí của tôi. Ông là một họa sĩ có phong cách sáng tạo nghệ thuật. Những tác phẩm của ông với hình họa vững chãi, đường nét, mảng khối sắc sảo, gam màu trong veo về đề tài cuộc sống gần gũi..
Gia đình họa sĩ Triệu Khắc Lễ sống ở làng cổ Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì (Hà Nội). Triều Khúc nổi tiếng ở đất Hà Thành với nét đặc trưng của ngôi làng Bắc Bộ xưa. Sinh viên các trường mỹ thuật ở Hà Nội thường đến thực hành sáng tác mỹ thuật. Cũng vì thế, bao lứa học trò mỹ thuật đều nhớ đến ông - một thầy giáo, họa sĩ ở ngôi làng cổ...
Họa sĩ Triệu Khắc Lễ đã có 3 triển lãm cá nhân vào năm 1986, 1997, 2014. Bên cạnh đó, ông thường xuyên gửi tranh tham dự triển lãm mỹ thuật toàn quốc hoặc của quân đội và Hà Nội. Tranh của ông được chọn, in trong tuyển tập “Một thế kỷ mỹ thuật Việt Nam” (năm 2000). Ông đã viết, in chung và riêng trên 50 đầu sách, tài liệu giảng dạy mỹ thuật.
Dù đã bước vào tuổi 80, nhưng trên Facebook cá nhân, hằng ngày đều thấy họa sĩ Triệu Khắc Lễ có những status mới, giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật của mình với sức sáng tạo như thuở ông cùng những người bạn đầy nhiệt huyết “cầm cọ” vào chiến trường Khu 5...