Người kể chuyện lịch sử

Một ngày thu tháng Tám lịch sử chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chúng tôi gặp cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Hồng Mao ở phường Vị Xuyên (thành phố Nam Định) - một trong những “nhân chứng sống” thường xuyên kể chuyện lịch sử cho các học sinh về chiến tranh, lịch sử dân tộc. Mỗi lần được nghe ông kể, người nghe thấm thía hơn bởi kinh nghiệm sống và vốn kiến thức được ông tích lũy.

Cựu chiến binh Nguyễn Hồng Mao, phường Vị Xuyên (thành phố Nam Định) nghiên cứu tài liệu lịch sử để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Cựu chiến binh Nguyễn Hồng Mao, phường Vị Xuyên (thành phố Nam Định) nghiên cứu tài liệu lịch sử để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Trong căn phòng làm việc nhỏ hẹp, CCB Nguyễn Hồng Mao vẫn dành một góc để đặt tủ sách. Trong số hàng chục cuốn sách, nhiều cuốn đã cũ vẫn được ông giữ gìn cẩn thận. Hầu hết đó là tài liệu về lịch sử, về Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các vị tướng, danh nhân của dân tộc Việt Nam. Để có được những câu chuyện sinh động kể cho mọi người như bây giờ, ông Mao đã có những năm tháng hoạt động cách mạng nhiệt huyết, mà mỗi thời kỳ đều để lại cho ông những ký ức không bao giờ quên. Tháng 2/1965, khi vừa tròn 19 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Hồng Mao xung phong lên đường nhập ngũ và trở thành lính pháo binh, thuộc Trung đoàn 14, Sư đoàn 324, trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Thời điểm ấy, cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra vô cùng ác liệt, với tinh thần của một người thanh niên yêu nước, Nguyễn Hồng Mao đã dũng cảm chiến đấu, cùng đồng đội lập nhiều chiến công hiển hách. Năm 1968, khi đang tham gia trận chiến đấu quyết liệt với địch, ông bị thương phải xuất ngũ.

Trở về quê hương, ông đã trải qua nhiều lĩnh vực công tác khác nhau như giáo viên, cán bộ Ban lịch sử của UBND tỉnh Hà Nam Ninh, tổ trưởng bộ môn nghiên cứu lịch sử Bảo tàng tỉnh Hà Nam Ninh. Đến năm 1992, ông về hưu và tham gia sinh hoạt chi bộ tại phường Vị Xuyên, thành phố Nam Định. Là người trực tiếp chiến đấu, cống hiến sức trẻ, xương máu cho độc lập, tự do của đất nước, bằng kiến thức, kinh nghiệm và những trải nghiệm thực tế trong chiến tranh, ông Mao được nhiều tổ chức đoàn thể tín nhiệm mời kể chuyện lịch sử trong các nhà trường, các buổi giao lưu với CCB trong các ngày lễ với tư cách là “nhân chứng sống” đã trải qua quá trình cách mạng gian lao nhưng đầy hào hùng của dân tộc. Từng câu chuyện chiến trường khốc liệt, dưới mưa bom bão đạn, nhịn đói, nhịn khát, ngâm mình suốt ngày đêm dưới nước thực hiện nhiệm vụ… được ông kể lại bằng một chất giọng ấm áp truyền cảm. Không chỉ các em học sinh mà cả các cô, bác đều say sưa nghe ông kể những câu chuyện gian khổ, khốc liệt về chiến tranh, về sự dũng cảm của quân và dân ta. CCB Nguyễn Hồng Mao cho biết: Đơn vị ông làm nhiệm vụ thông tin pháo binh trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chiến lược trong những lần xông pha thực địa để đo những mốc tọa độ, làm cơ sở điều chỉnh chính xác trước khi khai hỏa hệ thống pháo binh của quân ta. Ông nhớ như in trận đánh ngày 2/7/1967, khi Mỹ đổ bộ 1.000 tên lính xuống cánh đồng xã Gio An, huyện Gio Linh, ông cùng đồng đội đã dùng các loại pháo 150 li, cối 120 li đánh trả quyết liệt. Đến 17h30 phút, trung đoàn của ông tập kích bắn pháo đại bác và cối 120 li, chỉ trong 15 phút đã tiêu diệt gọn đội quân địch. Đó là những trận đánh tiêu diệt lính Mỹ nhiều nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ tại miền Nam Việt Nam mà ông tham gia. Hay câu chuyện mùa đông năm 1967 trong một trận đánh ở Khe Sanh, trung đoàn của ông bị địch phản pháo đánh vào căn cứ đang đóng quân. Do bị động bất ngờ, ông cùng nhiều đồng đội bị thương, trong đó bản thân ông bị thương phải cắt đi cánh tay phải...

Chia sẻ về cảm xúc của mình mỗi khi kể cho các cháu học sinh nghe về câu chuyện chiến tranh, ông Mao cho biết: “Tôi là người lính trực tiếp chiến đấu trên chiến trường, trải qua nhiều cuộc chiến đấu cam go, ác liệt… đặc biệt với người lính pháo binh, chuyện hy sinh không phải là quá lớn. Nhưng mỗi lần kể chuyện, những kỷ niệm về chiến trường, về các cuộc chiến cứ như đang diễn ra trước mắt, điều đó góp thêm cho tôi sự hào hứng trong khi truyền đạt, để các cháu học sinh hiểu biết và có thể hình dung được sự khốc liệt của chiến tranh từ đó ra sức học tập, công hiến cho đất nước, xứng đáng với thế hệ cha, anh”. Mỗi lần được các nhà trường, tổ chức đoàn thể mời đi kể chuyện, CCB Nguyễn Hồng Mao luôn sẵn sàng sắp xếp công việc để tham gia. Nói chuyện sử, ông Mao luôn chọn lối kể mộc mạc, từ ngữ gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ với từng đối tượng. Những nhân chứng lịch sử trong câu chuyện ông Mao kể đều là người thật, việc thật xảy ra ở chính chiến trường Quảng Trị nơi ông trực tiếp chiến đấu, khiến người nghe không chỉ hiểu được sự khốc liệt, gian nan, cực khổ, những hy sinh mất mát của chiến tranh mà người nghe như đang được tận mắt chứng kiến những năm tháng gian khổ mà hào hùng của dân tộc.

Nhận xét về cựu binh Nguyễn Hồng Mao, đồng chí Trần Văn Trường, Chủ tịch Hội CCB phường Vị Xuyên cho biết: Những buổi nói chuyện kể về "người thật, việc thật" trong chiến tranh của ông Nguyễn Hồng Mao có giá trị hơn nhiều lần tiết học trên lớp. Thông qua những câu chuyện đã truyền tải đến thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, tri ân đối với các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, những người có công với cách mạng đã đóng góp, hy sinh cho nền độc lập hòa bình ngày hôm nay, để thêm trân quý giá trị lịch sử, càng thêm tự hào và ra sức phấn đấu rèn luyện, học tập, công tác, lao động, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Đi qua những năm tháng gian khổ của chiến tranh, giải phóng dân tộc trở về cuộc sống đời thường, những CCB như ông Nguyễn Hồng Mao đã và đang khơi nguồn trong giáo dục truyền thống cách mạng. Đồng thời, phát huy vai trò gương mẫu của hội viên CCB với phương châm “Mỗi CCB là một tấm gương sáng về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" cho thế hệ trẻ noi theo.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202408/nguoi-ke-chuyen-lich-su-af77053/