'Người kêu gọi từ thiện phải có trách nhiệm công khai minh bạch số tiền'
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nhấn mạnh việc kêu gọi, tiếp nhận, quản lý, phân phát tiền từ thiện phải tuân thủ quy định của pháp luật để đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, tránh những trường hợp lợi dụng việc kêu gọi từ thiện để trục lợi.
Những ngày gần đây vụ việc Tiktoker Phạm Thoại kêu gọi tiền từ thiện ủng hộ bé Bắp - bệnh nhân ung thư đang nhận được nhiều quan tâm từ dư luận xã hội.
Trước đó ngày 4/11/2024, Tiktoker Phạm Thoại đăng bài viết kêu gọi quyên góp vì bé Bắp nguy kịch, cần gấp 6-7 tỉ đồng chữa trị tại Trung Quốc. Đến ngày 24/2/2025, tài khoản gây quỹ do Phạm Thoại đứng tên nhận tiền từ thiện ghi nhận số tiền tổng thu hỗ trợ bé Bắp là hơn 16,7 tỉ đồng, tuy nhiên, số tiền trong tài khoản hiện chỉ còn hơn 54,7 triệu đồng. Số còn lại đã được rút khỏi tài khoản. Nhiều người dùng mạng xã hội, đặc biệt là những người đã góp tiền ủng hộ mẹ con Bắp mong muốn được biết số tiền trên đã được sử dụng ra sao.

Bài đăng kêu gọi ủng hộ bé Bắp của Phạm Thoại
Trước những bình luận của cư dân mạng, mẹ bé Bắp là chị Lê Thị Thu Hòa cho rằng số tiền trên là tự nguyện quyên góp, không ai bị ép buộc, do đó không cần thiết phải sao kê hay giải trình. Phát ngôn của mẹ bệnh nhi càng đẩy cuộc tranh cãi về việc có cần sao kê tiền từ thiện hay không trên mạng xã hội lên cao trào.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết nối đã có trao đổi với VOV.VN về vấn đề này.
PV: Luật pháp Việt Nam có những quy định ra sao về việc quyên góp tiền từ thiện, đặc biệt là trách nhiệm của người kêu gọi tiền từ thiện và người nhận tiền từ thiện thưa Luật sư?
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Thời gian gần đây, mạng xã hội xuất hiện nhiều tranh cãi liên quan đến việc kêu gọi từ thiện để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Các tranh cãi xoay quanh vấn đề từ chối sao kê, không minh bạch khi nhận tiền quyên góp...

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng, người kêu gọi từ thiện giúp cần có trách nhiệm công khai minh bạch số tiền từ thiện và kiểm soát số tiền từ thiện mà người đó kêu gọi được sử dụng đúng mục đích
Pháp luật Việt Nam cho phép cá nhân đứng ra kêu gọi, tiếp nhận, quản lý, phân phát tiền từ thiện để hỗ trợ bệnh nhân hiểm nghèo, hoặc đồng bào gặp thiên tai, lũ lụt. Tuy nhiên, việc kêu gọi, tiếp nhận, quản lý, phân phát tiền từ thiện phải tuân thủ quy định của pháp luật để đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, tránh những trường hợp lợi dụng việc kêu gọi từ thiện để trục lợi. Đối với sự việc kêu gọi ủng hộ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo thì khoản 2 Điều 23 Nghị định 93/2021 quy định cá nhân tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện và sử dụng để hỗ trợ trực tiếp cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Cá nhân tổng hợp đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và thực hiện công khai trên các phương tiện truyền thông.
Như vậy, người kêu gọi từ thiện giúp cần có trách nhiệm công khai minh bạch số tiền từ thiện và kiểm soát số tiền từ thiện mà người đó kêu gọi được sử dụng đúng mục đích.
Người được nhận từ thiện không bị bắt buộc, ép buộc phải sao kê. Lúc này việc sao kê chỉ để cho người khác biết những cá nhân nào là người đóng góp. Do đó, việc sao kê là để xác nhận việc người nhận từ thiện sử dụng số tiền có đúng mục đích hay không, nếu sử dụng sai mục đích ban đầu đưa ra thì có khả năng sẽ vi phạm pháp luật.
PV: Khi đặt ra vấn đề cần sao kê khoản tiền từ thiện, mẹ bé Bắp tức chị Lê Thị Thu Hòa – người nhận tiền từ thiện cho rằng số tiền này là tùy tâm, mọi người quyên góp tự nguyện nên việc sao kê là không cần thiết, ông nghĩ sao về ý kiến này?
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Trong trường hợp của mẹ bé Bắp, với vai trò là người nhận từ thiện để lo cho con, theo tôi, chị cần phải thể hiện trách nhiệm của mình với xã hội hay cụ thể hơn là những người đã chung tay giúp đỡ con mình như công bố số tiền được nhận, công bố số tiền còn lại sau khi đã thanh toán chi phí lo cho con… để người khác biết.
Đồng thời, trong tình huống này mẹ bé Bắp cũng cần phải lên tiếng, xác nhận là đã nhận được bao nhiêu tiền và có sử dụng tiền đúng mục đích hay không để công khai minh bạch các khoản hỗ trợ thiện nguyện, tuân thủ các quy định của pháp luật về kêu gọi, tiếp nhận, sử dụng tiền từ thiện.
Trường hợp nghi ngờ có sự không trung thực có thể đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xác minh
PV: Theo luật, người từ thiện có quyền giám sát khoản tiền mình đã ủng hộ qua yêu cầu sao kê hay không, thưa Luật sư?
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Theo khoản 2,3 Điều 5 Nghị định 93/2021/NĐ-CP quy định rõ hành vi bị cấm trong vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo bao gồm báo cáo, cung cấp thông tin không đúng sự thật; chiếm đoạt; phân phối, sử dụng sai mục đích, không đúng thời gian phân phối, đối tượng được hỗ trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện; lợi dụng công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để trục lợi hoặc thực hiện các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Do đó, người đã chuyển tiền vào các tài khoản này hoàn toàn có quyền giám sát việc sử dụng tiền, yêu cầu sử dụng tiền đúng mục đích, đúng cam kết. Mọi người gửi tiền vào tài khoản nhận tiền từ thiện là tặng cho có điều kiện, tặng cho để chữa bệnh chứ không để dùng vào mục đích khác. Trong trường hợp nghi ngờ có sự không trung thực, không minh bạch thì có thể đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ để có kết luận, giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
PV: Quyên góp từ thiện là việc làm tốt,có tính nhân văn, tuy nhiên cần có những giải pháp nào để các khoản tiền từ thiện được minh bạch, rõ ràng, tránh tiêu cực thưa Luật sư?
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Có thể thấy, việc quyên góp làm từ thiện cơ bản là rất tốt, phù hợp với truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc Việt Nam ta. Chính phủ đã ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP như là một hành lang pháp lý cho các hoạt động quyên góp triển khai từ thiện, nhất là đối với các cá nhân. Đây là việc làm cần thiết để đảm bảo quá trình vận động, quyên góp, triển khai thực hiện được minh bạch và hiệu quả, đảm bảo sự hỗ trợ của công chúng tới được những người có hoàn cảnh khó khăn hay đến được địa chỉ cần thiết. Tuy nhiên, những hoạt động từ thiện cá nhân còn đang thiếu những quy định cụ thể, ràng buộc chặt chẽ nên lĩnh vực này đã nảy sinh khá nhiều bất cập. Do đó, cần có những quy định cụ thể, chi tiết hơn để các cá nhân, tổ chức thực hiện từ quyên góp, vận động cho tới sử dụng, phân phối, thậm chí sau này có thể đánh giá hiệu quả được thực hiện một cách công khai và minh bạch.
Để tránh những tiêu cực trong hoạt động thiện nguyện, các tổ chức, cá nhân tham gia cần phải tổ chức, thực hiện một cách chuyên nghiệp trên cơ sở pháp luật, như phải có tài khoản riêng cho hoạt động từ thiện, công khai các khoản quyên góp, các địa chỉ hỗ trợ từ thiện, giá trị các khoản hỗ trợ với hóa đơn, chứng từ hợp pháp và hợp lý... Những hành vi lợi dụng, trục lợi từ thiện khi bị phát hiện cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thiện nguyện cùng với hệ thống pháp luật, quy định đầy đủ, chuyên nghiệp cũng là yếu tố quan trọng để công tác này ngày càng lan tỏa mạnh mẽ và thực hiện hiệu quả hơn.