Người khách lạ trong đêm gần 80 năm trước

Đó là câu chuyện về người đảng viên cộng sản Trần Đức Tiêu, trong khi bị địch lùng bắt đã về Chí Linh lánh nạn và được người dân địa phương giúp đỡ.

Chân dung cán bộ lão thành cách mạng, đại tá Trần Đức Tiêu (ảnh trái). Chân dung cụ Phó Vẽ, người bảo vệ, che giấu cán bộ tiền khởi nghĩa (ảnh phải do gia đình cung cấp)

Chân dung cán bộ lão thành cách mạng, đại tá Trần Đức Tiêu (ảnh trái). Chân dung cụ Phó Vẽ, người bảo vệ, che giấu cán bộ tiền khởi nghĩa (ảnh phải do gia đình cung cấp)

Theo sách “Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Thái Học giai đoạn 1930-1954”, thì “Tháng 12.1943, ông Trần Đức Tiêu (Khúc Hữu Diễm), đảng viên cộng sản hoạt động ở Thái Bình bị địch lùng bắt, lánh ở phố Thiên, dựa vào người nhà là cụ phó Vẽ... Chính quyền huyện Thiên của Nguyễn Ngọc Hà đã tổ chức truy lùng. Gia đình cụ Vẽ đã giúp đỡ và đưa ông vào Miễu Sơn. Ở Miễu Sơn cụ Tụng đã bảo vệ đưa đường cho ông vào Cộng Hòa. Sau ông Tiêu đi Hải Phòng hoạt động”.

Huyện Thiên là tên gọi của Chí Linh xưa. Năm 1889, dưới triều vua Thành Thái, huyện lỵ Chí Linh được triều đình nhà Nguyễn đặt tại phố Thiên (tục gọi huyện Thiên, nay thuộc khu dân cư Lạc Sơn, phường Thái Học, TP Chí Linh). Đây là đại bản doanh, dinh lũy của chính quyền phong kiến, thực dân sau này. Ở đây có một dòng sông có cây cầu nhỏ bắc qua. Trên bờ có chợ, dưới sông là nơi thuyền bè hội tụ giao lưu buôn bán của các vùng như Kinh Môn, Nam Sách, Chí Linh, Đông Triều… Ở dưới chân đồi là phố huyện, tuy nhỏ nhưng có cửa hiệu bán hàng, hàng ăn, cả quán hút thuốc phiện phục vụ các chức việc trên huyện.

Ở phố huyện bấy giờ có một gia đình quê gốc tỉnh Thái Bình ngụ cư làm nghề thợ mộc, kẻ vẽ sinh sống. Dân phố huyện quen gọi là cụ Phó Vẽ.
Ông Khúc Hữu Diễm, bí danh Trần Đức Tiêu sinh năm 1915, một người cộng sản hoạt động ở xã Canh Tân, huyện Hưng Nhân cũ (Thái Bình). Ông được tổ chức phân công bắt và giết một tên cường hào ác bá, từng làm chỉ điểm cho Pháp, gây nhiều tội ác với cách mạng và nhân dân. Một bản án viết chữ to được treo lên cây đa đầu làng để răn đe và cảnh cáo những kẻ làm "chó săn". Giặc Pháp truy lùng ráo riết, khi biết không thể ẩn náu ở Thái Bình, Trần Đức Tiêu sực nhớ có người bà con của mình đang sinh sống ở huyện Thiên (Chí Linh) nên tìm đường đi lẩn trốn, tá túc trong khi bị truy sát.

Bấy giờ là năm 1943, đêm cuối tháng 12, trời không trăng sao. Bà Phó Vẽ mở cửa ra sân thấy một người đội nón lá, quần áo tả tơi thập thò, rụt rè ngoài cổng. Bà đến gần hỏi nhỏ:

- Anh tìm nhà ai?

Một giọng lí nhí trong miệng

- Dạ, cháu tìm nhà bà Phó…

Bà Phó thoáng giật mình, vẫn thăm dò:

- Thế anh là… ? Vì sao tìm bà Phó?

- Dạ, cháu là Diễm… ở làng Vế.

Bà Phó bấy giờ đã ngờ ngợ khách là người nhà, quê bên chồng:

- Thế… cháu ở đâu về đây mà đêm hôm tối tăm rét mướt thế này?

Vẫn chỉ là tiếng nói rất nhỏ:

- Cháu ở nhà, muốn ra ngoài này xem có việc gì làm không?

Là một người từng trải, bà Phó nghe vậy cảm thấy là lạ. Mấy đời rồi, Thái Bình đất chật người đông, cha con thất nghiệp phải bôn ba đi kiếm ăn các nơi. Nhưng thường là sau Tết thì khăn gói ra đi, hết năm phải về nhà còn lo chuyện sưu thuế, mồ mả tổ tiên… Bây giờ đã giáp Tết, người đi làm ăn xa cũng đang thu xếp trở về đằng này lại từ nhà quê đi ra ngoài để tìm việc làm? Phân vân là vậy, nhưng bà Phó để bụng, bảo người nhà lấy quần áo cho khách thay rồi soạn cơm cho khách.

Bà Phó Vẽ ngồi bên cạnh, hỏi han chuyện sinh sống trong quê nhưng người thanh niên chỉ ậm ờ cho qua chuyện. Bất chợt bà bảo:

- Chẳng biết tại sao, chiều hôm qua, có 3-4 tên lính huyện xuống nhà này, chúng chia nhau ra sân ngơ ngáo nhìn bốn phía, chúng dò hỏi vu vơ vài câu rồi kéo nhau đi ngay...

Khách nghe thế, mặt biến sắc, tắc nghẹn không ăn hết bát cơm, anh đành nói thật tình với ông bà Phó Vẽ rằng đang gặp nguy, phải trốn tránh truy sát của địch. Anh lại không nghĩ rằng trốn về đúng nơi có huyện đường, có lính huyện đang lùng sục… Kẻ thù đang đánh hơi.

Bà Phó mới nghe rất hoảng hốt nhưng bà trấn tĩnh được ngay. Bà tên thật là Dương Thị Thư, sinh năm Kỷ Sửu 1889, người làng Miễu Sơn, lấy chồng làm nghề thợ mộc quê Thái Bình, đang sinh sống ở phố huyện. Năm ấy bà đã ngoài 50 tuổi, có tấm lòng thiện cảm với cách mạng. Khi biết chuyện động trời như thế, bà vẫn bình thản bảo người nhà tìm bộ quần áo khá tươm tất cho khách thay. Bà cho sửa soạn một ít thức ăn đựng trong tay nải rồi dặn dò một người nhà lập tức đưa ngay vị “khách lạ” tới làng Miễu Sơn, cách nhà vài cây số. Tại đây bà có người em ruột là Dương Văn Tụng đang sinh sống, giúp đỡ.

Đêm cuối năm giá lạnh, trời nhập nhoạng hai người qua điếm gác. Bọn tuần tra gặp một thanh niên ra dáng cậu chủ, có một gia nhân khoác đồ đi theo, cứ tưởng người làm ăn xa, cuối năm về quê, lơ đãng không hỏi giấy tờ tùy thân... Thế là thoát...

Vào Miễu Sơn, “người khách lạ" được ông Tụng dẫn ra vùng Đông Triều rồi từ đó đi Hải Phòng như trong cuốn sách Lịch sử đã viết ở trên.

Sau ngày giành được chính quyền tháng 8.1945, ông Trần Đức Tiêu làm Bí thư Huyện ủy Vũ Tiên (sau là Vũ Thư, Thái Bình), từng kết nạp Vũ Ngọc Nhạ (nhà tình báo huyền thoại sau này) vào Đảng. Ông Tiêu từng là Chính trị viên Tỉnh đội dân quân Thái Bình. Thời kỳ toàn quốc kháng chiến, ông từng làm chỉ huy một đơn vị quân chủ lực. Năm 1954, ông trở về Bộ Quốc phòng giữ chức Cục phó Cục Bảo vệ an ninh Quân đội, rồi Cục Phó Cục Tổ chức cán bộ quân đội. Những năm chống Mỹ, ông từng làm Chính ủy Sư đoàn 365 phòng không, rồi dẫn quân vào Nam chiến đấu… Cuối cùng ông về quê nhà, giữ chức vụ Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Bình.

Ba chục năm sau đêm trốn về huyện Thiên, được người dân che giấu bảo vệ, năm 1972, đại tá Trần Đức Tiêu có lần về Bộ Tư lệnh Quân khu Tả ngạn (lúc đó sơ tán ở xã An Lạc, Chí Linh) công tác. Ông vào thăm gia đình cụ Phó Vẽ. Bấy giờ cả hai cụ đã mất nhưng con cháu cụ vẫn lưu truyền câu chuyện về “người khách lạ” đêm cuối năm…

KHÚC HÀ LINH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/nguoi-khach-la-trong-dem-gan-80-nam-truoc-211725