Người khiến NSND Thanh Hoa từ bỏ ý định giải nghệ ở tuổi 46
Ở tuổi 46 NSND Thanh Hoa từng có ý định bỏ nghề hát nhưng một người thầy đã khiến bà thay đổi ý định này.
Đó là câu chuyện xúc động được NSND Thanh Hoa chia sẻ khi gặp lại người thầy của mình – nhà giáo Hồ Mộ La ở buổi kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của nhà giáo. Theo lời kể của NSND Thanh Hoa, khi đó bà từng nghĩ đến việc giải nghệ, không đi hát nữa nhưng đúng lúc ấy, bà có duyên được gặp gỡ và theo học nhà giáo Hồ Mộ La và chính người thầy này đã khuyên nhủ, động viên NSND Thanh Hoa tiếp tục theo đuổi nghề. Cũng chính nhờ lời khuyên ấy mà NSND Thanh Hoa đã quyết định từ bỏ ý nghĩ giải nghệ.
Nhớ lại kỷ niệm này, NSND Thanh Hoa kể, năm đó bà 46 tuổi và bỗng dưng rơi vào cảm giác không còn ham muốn lên sân khấu biểu diễn nữa. Sở dĩ vậy bởi khi ấy, nhạc thị trường và nhạc hải ngoại gần như áp đảo, rất ít các chương trình nghệ thuật được đầu tư thực hiện, có chăng thì chỉ có chương trình do một số đơn vị nghệ thuật Nhà nước đứng ra làm. Thời bấy giờ, bà đang công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam, công việc chủ yếu là chịu trách nhiệm thu thanh, rất ít có cơ hội biểu diễn trên sân khấu.
Đúng lúc đó, NSND Thanh Hoa quyết định quay trở lại học tại chức ở trường Nhạc viện Hà Nội (bây giờ là Học viện Âm nhạc Quốc gia) và được theo học cô Hồ Mộ La. Biết được ý định giải nghệ của NSND Thanh Hoa, nhà giáo Hồ Mộ La đã ra sức khuyên nhủ: “Em xem nên tiếp tục ca hát, đừng giải nghệ. Cô rất tiếc vì em đến học cô muộn. Em là người có giọng hát đặc biệt và rất thông minh, giọng hát của em rất tình cảm, âm sắc riêng nên đừng bỏ nghề sớm thế”.
Thời gian sau đó theo học nhà giáo Hồ Mộ La, NSND Thanh Hoa dần dà tìm lại được niềm cảm hứng với âm nhạc. Nữ nghệ sĩ tâm sự, bà như được tiếp thêm “lửa” nghề vì càng học, bà càng cảm thấy tự tin hơn, kỹ năng thanh nhạc cũng được hoàn chỉnh hơn, hát chắc chắn hơn.
Nhắc đến người thầy đã kéo mình khỏi ý định giải nghệ, NSND Thanh Hoa xúc động tâm sự, trong mắt bà thì đó là một người thầy đầy nhân hậu và trí tuệ, một nhà văn hóa – nhà nghệ sĩ tầm cỡ lớn. Đặc biệt, nhà giáo Hồ Mộ La rất yêu thương và luôn chia sẻ với vất vả của những người học trò – nghệ sĩ.
Lúc bấy giờ, NSND Thanh Hoa có mở phòng trà ca nhạc Aladin và chính nhà giáo Hồ Mộ La nhiều lần nói với bà: “Em giúp cô cho một số học sinh cô đang dạy ra đó biểu diễn, để các em được tiếp xúc với khán giả sớm một chút cho tự tin, chứ nếu chỉ học ở trong trường thôi, e rằng đến lúc đi làm nghề, các em sẽ bị ngỡ ngàng, thiếu tự tin”. Trong số những người học trò được nhà giáo Hồ Mộ La gửi gắm NSND Thanh Hoa cho ra phòng trà Aladin biểu diễn có ca sĩ Anh Thơ. Khi ấy, nhà giáo Hồ Mộ La đã phát hiện ra tố chất âm nhạc, chất giọng đặc biệt cũng như những điểm cần phải hoàn thiện trong cách hát của Anh Thơ. Vì thế, bà gửi gắm Anh Thơ đi hát ở phòng trà Aladin không chỉ cho quen sân khấu, mà còn thay đổi về cách phát âm, cách thẩm định âm nhạc.
Cho tới bây giờ, đi đâu NSND Thanh Hoa cũng tự hào khi giới thiệu mình là học trò của cô Hồ Mộ La và luôn dành cho người thầy của mình sự trân trọng, biết ơn sâu sắc.
“Tôi biết ơn cô nhiều, cô là tấm gương cho tôi và tất cả các thế hệ sau học tập, noi theo.” – NSND Thanh Hoa xúc động bày tỏ.
Về phần mình, ca sĩ Anh Thơ – một trong những học trò xuất sắc của nhà giáo Hồ Mộ La bày tỏ, cô được may mắn theo học người thầy đáng kính này trong 5 năm. Suốt thời gian ấy, cô đã được dạy bảo rất nhiều để có kinh nghiệm và những kỹ năng thanh nhạc giảng dạy cho các thế hệ sinh viên bây giờ. Nhớ lại, Anh Thơ bảo, ngày mới học nhà giáo Hồ Mộ La, nhiều hôm cô trò say sưa học suốt 2 tiếng đồng hồ.
“Cô là người rất kín tiếng, không chia sẻ chuyện gia đình, vừa dạy thanh nhạc vừa phiên dịch tiếng Trung để có tiền nuôi các con. Cô cũng là người rất tình cảm, mộc mạc, dễ gần, mỗi lần đi thi cô chỉ mong tôi được 9,5 nhưng tôi luôn được 10 vượt ngoài mong đợi của cô.” - ca sĩ Anh Thơ tâm sự.
Nhà giáo Hồ Mộ La sinh năm 1931, còn có nghệ danh là Hồng Lam. Dành trọn cả cuộc đời cho âm nhạc, nhà giáo Hồ Mộ La không chỉ được biết đến là một ca sĩ, nghệ sĩ, nhà giáo ưu tú của nền âm nhạc Việt Nam mà còn là người có công phát hiện, đào ra rất rất nhiều giọng ca tên tuổi, đặc biệt là ở dòng nhạc thính phòng, cổ điển. Học trò của vị nhà giáo ưu tú này kể ra có rất nhiều thế hệ ca sĩ hàng đầu của làng nhạc Việt như: NSND Thanh Hoa, NSƯT Hà Thủy, NSƯT Rơ Chăm Pheng, NSƯT Tố Uyên, NSƯT Thúy Loan, Anh Thơ, Nông Trung Bộ…Bà cũng được biết đến là bậc thầy của các thầy giáo thanh nhạc đào tạo ra nhiều thế hệ học trò là ca sĩ nổi tiếng hiện nay.
Bước sang tuổi 90, nhà giáo Hồ Mộ La vẫn rất minh mẫn và nhanh nhẹn. Gặp lại các thế hệ học trò mà mình từng dạy, bà nhớ như in tên từng người một. Trong số những giọng ca từng được theo học bà, nhiều người giờ đã 60, 70 tuổi, cũng nốt gót bà làm công việc “người lái đò” chuyên chở “qua sông” thành công nhiều tài năng âm nhạc Việt Nam.
NSND Quang Thọ tuy không theo học nhà giáo Hồ Mộ La nhưng có duyên gặp gỡ với bà từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Khi ấy, nhà giáo Hồ Mộ La đang là giảng viên trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đi tuyển sinh miền Bắc ở Quảng Ninh còn NSND Quang Thọ đang là công nhân mỏ nhưng tham gia phong trào ca hát. Nghe tin, ông đến tuyển sinh với mong muốn có cơ hội để theo học âm nhạc chuyên nghiệp. Có điều, đúng thời điểm đó, tỉnh Quảng Ninh thành lập đoàn văn công xung kích đi phục vụ chiến trường nên ông đã từ bỏ ý định thi tuyển để khoác balo lên đường làm nhiệm vụ trong suốt 2 năm. Sau này, NSND Quang Thọ về học ở Nhạc viện Hà Nội, rồi làm giảng viên ở đây và may mắn có cơ duyên làm đồng nghiệp với nhà giáo Hồ Mộ La.
“Lẽ ra tôi phải là người học trò đầu tiên từ những năm 1970 của nhà giáo Hồ Mộ La nhưng duyên phận thay đổi.” - NSND Quang Thọ hào hứng chia sẻ.
Ngồi bên cạnh hàn huyên tâm sự chuyện xưa, nhà giáo Hồ Mộ La cười nhắc lại, khi ấy anh chàng Quang Thọ là người có nhạc cảm khiến cả trường ai cũng thích và khi nhận được tin ông phải ra chiến trường, cả trường ai cũng tiếc vì mất đi một người có giọng hát đẹp, rất tình cảm. Suốt cuộc đời bà cho tới bây giờ, dù dạy cho rất nhiều học sinh thành tài nhưng vẫn yêu quý và ngưỡng mộ nhất “cậu” Quang Thọ.
Mặc dù được các thế hệ học trò dành rất nhiều tình yêu thương nhưng Hồ Mộ La chỉ nhận mình với 2 chữ “nhà giáo”. Bà dành cả đời đến tận tuổi 90 và sau này đến khi nhắm mắt xuôi tay vẫn luôn giản dị,là người là lái đò đứng sau chuyên chở các thế hệ học trò đến bến đỗ thành công.