Người Khmer ở Sóc Trăng liên kết làm giàu

Sóc Trăng là một trong những tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống nhất cả nước. Để nâng cao đời sống cho người dân, tỉnh đã tích cực lồng ghép các chương trình hỗ trợ, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả cao, tạo điểm tựa phát triển sản xuất cho nông dân.

Xuất phát điểm từ một tổ hợp tác trồng lúa, HTX Thọ Hòa Đông An đang trở thành điểm sáng trong phát triển sản xuất, tạo việc làm cho người Khmer ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành.

Bắt tay cùng làm giàu

Chính thức “lên đời” HTX từ năm 2015, đến nay HTX là tập hợp của hơn 320 thành viên. Trong đó các thành viên dân tộc Khmer chiếm hơn 50%. HTX có tổng cộng 624 ha chuyên canh lúa, cùng thực hiện sản xuất trên cánh đồng lớn của địa phương, sản xuất 2-3 vụ lúa/năm.

Vào HTX, các hộ nông dân được cán bộ nông nghiệp địa phương tập huấn kỹ thuật canh tác lúa theo tiêu chuẩn cao, hiện đại, từ đó giảm chi phí sản xuất lúa, mang lại giá trị kép về kinh tế và môi trường.

Người nông dân Khmer vốn quen “chân lấm tay bùn”, nhưng khi được HTX tập huấn về kỹ thuật mới như 3 giảm-3 tăng, 1 phải-5 giảm… thì tiếp thu rất nhanh. Hiệu quả mang lại sau mỗi vụ lúa trúng mùa, đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của các hộ thành viên HTX.

Các HTX đang là điểm tựa cho nhiều nông dân người Khmer ở Sóc Trăng thoát nghèo, làm giàu.

Các HTX đang là điểm tựa cho nhiều nông dân người Khmer ở Sóc Trăng thoát nghèo, làm giàu.

Ông Lý Quyền, thành viên HTX Thọ Hòa Đông A, cho hay từ khi vào HTX, học hỏi được nhiều kiến thức mới và áp dụng ngay trên ruộng lúa của mình. “Vào HTX có nhiều lợi ích. Trước mỗi vụ lúa, HTX kết nối mua vật tư, thuê máy móc, giúp giảm được chi phí đầu vào. Khi thu hoạch, toàn bộ sản lượng lúa của HTX được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra thông qua hợp đồng liên kết, đảm bảo lợi nhuận hơn rất nhiều so với trước”, ông Quyền tâm sự.

Giám đốc HTX Ninh Văn Quảng cho biết, nhờ hoạt động hiệu quả, năm 2022, Dự án VnSAT đã xây dựng và bàn giao nhà kho cho HTX với sức chứa 1.000 tấn để vừa tạm trữ phân bón, lúa giống và máy sấy lúa thương phẩm sau thu hoạch.

Bên cạnh HTX Thọ Hòa Đông A, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng còn có nhiều mô hình kinh tế điểm do người Khmer thành lập. Điển hình như mô hình vườn ao chuồng của anh Lý Hường ở ấp Sa Bâu, xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành.

Từ năm 2017, sau nhiều lần tham quan học hỏi về các mô hình hiệu quả, anh quyết định phát triển mô hình vườn ao chuồng trên diện tích 3.000m2 đất vườn của gia đình, với hệ thống chuồng nuôi heo khoa học, ao nuôi các loài cá chép, cá trê… Ngoài ra, anh còn thả gà quanh vườn và dùng phân gà sau khi ủ để làm phân bón cho các loại hoa màu.

Lan tỏa tinh thần sản xuất

Anh Lý Hường bộc bạch: "Hàng ngày, tôi thu hoạch khoảng hơn 200kg rau dền, rau muống, cải ngọt, cải xanh… bán với giá từ 7.000 - 10.000 đồng/kg. Bình quân một ngày, tôi thu nhập gần 700.000 đồng. Nhờ vậy, gia đình tôi mới có tiền mua đất, cất được căn nhà khang trang”.

Đáng chú ý, theo anh Lý Hường, đối với lĩnh vực chăn nuôi, do được các nhà khoa học chỉ dẫn, anh luôn chú trọng tiêm phòng đúng định kỳ, đúng liều lượng nhằm giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế. Từ mô hình chăn nuôi heo, mỗi năm, gia đình anh có thu nhập gần 300 triệu đồng.

Với ao nuôi cá, anh cũng tích cực tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, kết quả sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi khoảng 20 triệu đồng/lứa. Bên cạnh đó là các khoản thu hàng trăm triệu từ rau màu.

Cùng với Châu Thành, Mỹ Xuyên cũng là địa phương đang tích cực xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả cho người dân đồng bào Khmer. Điển hình như mô hình trồng rau màu VietGAP ở xã Tham Đôn.

Anh Lý Ươl, ấp Bưng Chụm, xã Tham Đôn, cho biết hiện gia đình trồng 3.000m2 rau màu gồm xà lách, hẹ, hành, bắp cải, bắp de. Nếu không có biến động lớn, thu hoạch mỗi ngày cũng được gần 400.000 đồng.

Cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ để quá trình giảm nghèo ở Sóc Trăng đi vào thực tiễn, hiệu quả hơn.

Cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ để quá trình giảm nghèo ở Sóc Trăng đi vào thực tiễn, hiệu quả hơn.

Trong vụ đầu năm 2023, gia đình anh Lý ƯơI đã bán được khoảng hơn 40 triệu đồng, trừ chi phí khoảng hơn 10 triệu, lời gần 30 triệu đồng. “Gia đình tôi nhờ có miếng rẫy trồng màu này nên cuộc sống thoải mái hơn”, anh Lý ƯơI chia sẻ.

Theo thống kê, xã Tham Đôn hiện có hơn 50ha đất trồng rau màu các loại cùng lợi thế gần chợ trung tâm, sản xuất và cung ứng rau xanh của các hộ dân ở các ấp trong xã rất thuận lợi.

Hướng tới mục tiêu bền vững

Còn tại xã Lâm Kiết (huyện Thạnh Trị) phum sóc đã có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.

Nói về sự đổi thay của làng quê mình đang sống, ông Sơn Thương, ở ấp Kiết Lợi (xã Lâm Kiết, huyện Thạnh Trị) chia sẻ: “Khoảng 10 năm trở lại đây, đời sống bà con Khmer ở sóc này khá sung túc. Ấp Kiết Lợi được Nhà nước đầu tư các tuyến đường giao thông, đào kênh thủy lợi rộng khắp, có cả trạm bơm điện... Đặc biệt là người dân được hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi cùng việc hỗ trợ cây, con giống từ các chương trình, dự án nên việc trồng trọt, chăn nuôi thuận lợi hơn”.

Có thể thấy, nhờ những mô hình kinh tế điểm, đời sống của người Khmer ở Sóc Trăng ngày càng được cải thiện. Thời gian qua, tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực, lồng ghép hiệu quả nhiều chương trình, dự án để thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội.

Trong đó, một số chương trình, dự án đã mang lại hiệu quả cao, phù hợp với nhu cầu, điều kiện của các địa phương như: Dự án phát triển chăn nuôi bò sữa tỉnh Sóc Trăng; xây dựng mô hình liên kết tôm-lúa; chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo...

Bên cạnh việc giúp đồng bào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, Sóc Trăng xác định giáo dục là mục tiêu hàng đầu để nâng cao dân trí. Nhiều năm qua, hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên trong toàn tỉnh, nhất là vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống được đầu tư xây dựng nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu dạy và học.

Thời gian tới, để tiếp phát huy những kết quả hiện tại, tỉnh dự kiến tiếp tục các chính sách hỗ trợ, trong đó chú trọng phát huy vai trò của các mô hình HTX, tổ hợp tác, nhằm kết nối nông dân với doanh nghiệp, hình thành chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất, qua đó thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới, toàn tỉnh Sóc Trăng tính đến đầu năm 2023 còn khoảng 22.120 hộ nghèo, chiếm 6,64%. Để hướng tới mục tiêu “xóa trắng” hộ nghèo, cần sự chung tay của tất cả các cấp ngành, địa phương và người dân.

Mỹ Chí

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/nguoi-khmer-o-soc-trang-lien-ket-lam-giau-1092065.html