Người Khơ Mú gìn giữ nghề đan lát

Từ bao đời nay, đồng bào dân tộc Khơ Mú huyện Than Uyên luôn gìn giữ nghề đan lát truyền thống. Qua đó, không chỉ phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân mà còn góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, hướng đến phát triển sản phẩm du lịch mới ở địa phương.

Đồng bào dân tộc Khơ Mú huyện Than Uyên luôn gìn giữ nghề đan lát truyền thống.

Đồng bào dân tộc Khơ Mú huyện Than Uyên luôn gìn giữ nghề đan lát truyền thống.

Huyện Than Uyên có 10 dân tộc cùng sinh sống như: Thái, Mông, Dao, Tày, Nùng, Hoa… Tuy là đồng bào có số dân ít, chiếm khoảng 3% dân số toàn huyện, thế nhưng người Khơ Mú là một trong 4 dân tộc tiêu biểu ở địa phương có kho tàng văn hóa đặc sắc, phong phú và đa dạng. Điều này thể hiện rõ từ phong tục tập quán, tín ngưỡng, văn nghệ, ẩm thực, âm nhạc, lễ hội, nghề truyền thống. Nhắc đến người Khơ Mú, không thể không kể đến lễ hội Mừng cơm mới; điệu múa trống, múa chiêng rộn ràng; vò rượu cần thơm phức; những món ăn chế biến từ cá, rau rừng ngon và hấp dẫn. Đặc biệt là nghề đan lát được bà con gìn giữ, truyền từ đời này sang đời khác, tạo ra nhiều sản phẩm đẹp, hữu ích trong đời sống hàng ngày như: rổ, rá, nơm, thúng, gùi, giỏ đựng lúa, sọt bắt cá…

Người Khơ Mú ở Than Uyên hiện nay sinh sống tập trung ở các bản: Thẳm Phé (Mường Kim), Bản Mè (Ta Gia) và Noong Ỏ, Noong Ma (Tà Hừa). Theo lời chia sẻ của người dân Khơ Mú, nghề đan lát có từ bao giờ không ai biết; bất kể đàn ông hay phụ nữ, người nào cũng biết đan lát. Do nhu cầu lao động sản xuất phải thường xuyên lên nương rẫy cho đến sinh hoạt hàng ngày gắn liền với sông nước, khe suối mà đồng bào Khơ Mú cần những đồ dùng, nông cụ. Vì thế, từ những nguyên liệu sẵn có ở địa phương như: tre, trúc, giang… dưới đôi bàn tay khéo léo của mỗi người mà tạo nên những sản phẩm đan lát rất đẹp mắt, bền, chắc để phục vụ đời sống thường nhật.

Theo dòng chảy của thời gian, nghề đan lát trở thành nghề thủ công truyền thống có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân Khơ Mú. Mặc dù, xã hội hiện đại phát triển, kèm theo đó là những sản phẩm như rổ, rá, đồ đựng lúa được làm từ nhựa, vừa rẻ, đẹp, tiện dụng; thế nhưng bà con người Khơ Mú vẫn tranh thủ những lúc nông nhàn để đan lát. Đặc biệt là vào dịp lễ, tết, ngày hội của dân tộc, nhân dân các bản cùng nhau thi tài làm các đồ dùng sinh hoạt để xem ai khéo tay, đan nhanh hơn. Bởi với họ nghề đan lát là văn hóa, tình yêu của đồng bào luôn hướng về cội nguồn dân tộc.

Anh Hoàng Văn Phó - bản Thẳm Phé, xã Mường Kim cho hay: Nhiều năm nay, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo huyện, xã, nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc Khơ Mú, trong đó có nghề đan lát được bảo tồn, gìn giữ và phát huy hơn. Nhân dân phấn khởi khi vào dịp Tết Độc lập, Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc; Tết Dương lịch… bản sắc văn hóa, nghề truyền thống được quảng bá, giới thiệu đến nhiều du khách trong nước, quốc tế. Nhìn các du khách cùng vui lễ hội, tham gia đan lát, chúng tôi thấy rất tự hào.

Trước những nguy cơ mai một nghề truyền thống của người Khơ Mú nói riêng, các dân tộc trên địa bàn nói chung, huyện Than Uyên triển khai đồng bộ nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo để bảo tồn, phát huy nghề đan lát.

Đồng bào Khơ Mú chú trọng truyền dạy nghề đan lát truyền thống cho thế hệ trẻ.

Đồng bào Khơ Mú chú trọng truyền dạy nghề đan lát truyền thống cho thế hệ trẻ.

Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các xã có người dân tộc Khơ Mú sinh sống tích cực phối hợp với Phòng Văn hóa thông tin, Ban vận động bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Khơ Mú huyện Than Uyên tổ chức các lớp truyền dạy nghề đan lát; phát huy vai trò của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản trong việc “cầm tay dạy nghề” cho đội ngũ thanh niên; tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đan lát từ tre, trúc do người dân làm ra trên các nền tảng mạng xã hội, kênh truyền thông đại chúng. Đồng thời định hướng xây dựng các sản phẩm đan lát thành sản phẩm du lịch ở bản du lịch cộng đồng Thẳm Phé. Qua đó, không chỉ phát huy giá trị nghề truyền thống dân tộc mà còn giúp người dân có việc làm, nâng cao nguồn thu nhập; thu hút du khách từ khắp nơi về du lịch ở Than Uyên.

Thiết nghĩ, để nét đẹp văn hóa người Khơ Mú nói chung, nghề đan lát truyền thống nói riêng được gìn giữ và phát triển trong xã hội hiện đại, bên cạnh sự vào cuộc của hệ thống chính trị thì điều quan trọng nhất là mỗi người con của dân tộc Khơ Mú cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, niềm tự hào dân tộc. Qua đó, cùng góp sức, chung tay bảo tồn, để bản sắc văn hóa dân tộc trường tồn theo thời gian; góp phần tô đẹp cho bức tranh văn hóa đa sắc màu của Than Uyên ngày càng rạng rỡ, giàu sức sống; tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Đinh Đông - Ngọc Duy

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/ng%C6%B0%E1%BB%9Di-kh%C6%A1-m%C3%BA-g%C3%ACn-gi%E1%BB%AF-ngh%E1%BB%81-%C4%91an-l%C3%A1t