'Người khổng lồ' thép Nhật Bản chuyển hướng chiến lược
Chiến lược toàn cầu của tập đoàn thép Nhật Bản Nippon Steel đang ở 'ngã ba đường', khi nhà sản xuất thép này tìm cách thiết lập chuỗi sản xuất hoàn thiện ở các thị trường Mỹ, Ấn Độ và Đông Nam Á.
Việc đề xuất mua lại U.S. Steel và kế hoạch xây dựng lò cao tại Ấn Độ là những phần quan trọng trong kế hoạch lớn này nhằm đưa Nippon Steel
bứt phá khỏi các đối thủ như POSCO của Hàn Quốc. Để thực hiện thương vụ mua lại U.S. Steel trị giá 14,1 tỷ USD (vốn được giám sát chặt chẽ), Nippon Steel đã mời cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo làm cố vấn chiến lược.
Việc Nippon Steel sắp mua lại U.S. Steel đặt "công nhân thép trong nước, gia đình họ và ngành sản xuất của Mỹ lên hàng đầu", Ngoại trưởng Pompeo viết trong bài xã luận được The Wall Street Journal đăng vào ngày 10/8.
Phó Chủ tịch Nippon Steel Takahiro Mori, người đang dẫn đầu các cuộc đàm phán với U.S. Steel, cho biết ông Pompeo "được không chỉ đảng Cộng hòa mà cả đảng Dân chủ tôn trọng". Tập đoàn đang trông cậy vào ông, người từng phục vụ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, để thúc đẩy động lực cho thỏa thuận này. Bản thân ông Mori đã đến thăm Mỹ tới 5 lần trong năm nay, gặp gỡ khoảng 700 người liên quan. Ông tự tin về thành công của thỏa thuận này.
Mỹ là một ngoại lệ trong số các nước phát triển vì dân số vẫn tiếp tục tăng, dự kiến sẽ tăng từ 335 triệu người vào năm 2023 lên 370 triệu người vào năm 2080, theo các nhà chức trách Mỹ. Với việc hoạt động sản xuất cũng quay trở lại Mỹ, nhu cầu thép mạnh mẽ có thể được ghi nhận trong tương lai.
Trong khi đó, Nippon Steel đã quyết định thu hẹp quy mô tại Trung Quốc. Ngày 29/8, công ty sẽ rút khỏi liên doanh với Baoshan Iron & Steel, một công ty con của Baowu Steel Group (Baosteel), công ty hàng đầu thế giới.
Sáu trong số 10 nhà sản xuất thép thô hàng đầu thế giới đang hiện diện ở
Trung Quốc. Ngay cả khi nhu cầu về thép trở nên chậm chạp do thị trường bất động sản của nước này gặp khó khăn, sản lượng vẫn ở mức cao, cho thấy sự cạnh tranh quá mức.
Hơn nữa, sự chuyển dịch nhanh chóng của Trung Quốc sang sản xuất xe điện đã gây khó khăn cho các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản là khách hàng của Nippon Steel, với Honda Motor đang thu hẹp quy mô sản xuất. "Đã có thời điểm Trung Quốc là một cơ hội, nhưng giờ đây lại là một rủi ro", Phó Chủ tịch Mori cho biết.
Chiến lược ở nước ngoài của Nippon Steel trong quá khứ không thể được gọi là thành công. Năm 1958, Usiminas được thành lập như một dự án quốc gia giữa Nhật Bản và Brazil, với các công ty tiền nhiệm của Nippon Steel cung cấp hỗ trợ kỹ thuật. Họ cũng hỗ trợ thành lập POSCO vào năm 1968. Mặc dù Nippon Steel vẫn nắm giữ cổ phần tại Usiminas, nhưng cuối cùng họ đã biến Baosteel và POSCO thành những đối thủ mạnh.
Hoạt động sản xuất thép ở nước ngoài của Nippon Steel thu được lợi nhuận khoảng 100 tỷ yen (679 triệu USD). Lợi nhuận từ hoạt động sản xuất thép trong nước của công ty cao gấp ba lần con số đó, nhưng thị trường đang thu hẹp.
Kể từ khi Nippon Steel ra đời thông qua việc sáp nhập Yawata Iron & Steel và Fuji Iron & Steel vào năm 1970, công ty đã trải qua một số lần tái tổ chức, bao gồm cả việc mua lại Sumitomo Metal Industries. Nhiều đợt suy thoái trên thị trường thép cũng buộc công ty phải đưa ra các cải cách cơ cấu.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nguoi-khong-lo-thep-nhat-ban-chuyen-huong-chien-luoc/343473.html