'Người khổng lồ' thời trang nhanh Shein đối mặt vụ kiện vi phạm bản quyền
Gã khổng lồ thời trang nhanh nổi tiếng Shein đang bị kiện bởi các nguyên đơn cho rằng nhà bán lẻ trực tuyến này vi phạm bản quyền và gian lận.
Ba nhà thiết kế độc lập hôm 18/7 đã đệ đơn kiện lên tòa án quận liên bang ở California, Mỹ, cáo buộc Shein bán “các bản sao chính xác” tác phẩm của họ, vi phạm Đạo luật Tổ chức Tham nhũng và Ảnh hưởng của Racketeer (RICO). Theo Bộ Tư pháp Mỹ, Đạo luật RICO ban đầu được đưa ra để nhắm mục tiêu vào tội phạm có tổ chức, nhưng hành vi gian lận cũng áp dụng cho “vi phạm bản quyền nghiêm trọng”.
“Shein trở nên giàu có nhờ thực hiện nhiều lần các hành vi vi phạm cá nhân, trong một mô hình gian lận lâu dài và liên tục, không có dấu hiệu giảm bớt", hồ sơ tòa án cho biết. “Không phải là cường điệu khi cho rằng mô hình hành vi sai trái của Shein liên quan đến việc thực hiện các hành vi vi phạm bản quyền và thương hiệu mới mỗi ngày”.
Các chủ doanh nghiệp nhỏ từ lâu đã lên tiếng phản đối công ty ăn cắp thiết kế, mặc dù luật bản quyền phức tạp trong ngành thời trang gây khó khăn cho việc thực hiện hành động pháp lý đối với các thiết kế quần áo sao chép.
Đáp lại vụ kiện, Shein nói với hãng tin AP rằng họ “xem xét nghiêm túc tất cả các khiếu nại vi phạm và sẽ có hành động nhanh chóng khi các chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ hợp lệ đưa ra khiếu nại”.
"Người khổng lồ" Shein
Shein, thương hiệu thời trang được tìm kiếm nhiều nhất qua Google trên toàn thế giới, là một nhà bán lẻ có trụ sở tại Trung Quốc được thành lập vào năm 2008. Công ty đạt doanh thu 100 tỷ USD vào năm 2022, bán các loại hàng hóa từ quần áo đến đồ trang trí nhà cửa.
Mặc dù công ty nổi tiếng nhờ giá cả phải chăng và nhanh chóng bắt kịp xu hướng, nhưng đằng sau là những vấn đề. Nhiều cuộc điều tra về Shein đã làm hoen ố danh tiếng của Shein thành một thương hiệu không tuân thủ các quy định về lao động, với các báo cáo cáo buộc rằng công nhân có ca làm việc tới 75 giờ với thời gian nghỉ hạn chế và điều kiện làm việc không an toàn, không có cửa sổ hoặc lối thoát hiểm khẩn cấp. Công ty cũng bị chỉ trích vì tiêu chuẩn môi trường kém, thải ra khoảng 6,3 triệu tấn carbon dioxide mỗi năm.
Shein gần đây đã gây chú ý khi mời những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đến tham quan nhà kho của công ty. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh có thông tin rằng Shein đang tìm cách thay đổi hình ảnh thương hiệu để chuẩn bị cho Đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Shein bị cáo buộc ăn cắp bản quyền tác phẩm gì?
Các nhà thiết kế Krista Perry, Larissa Martinez và Jay Baron là nguyên đơn trong vụ kiện.
Perry, một nhà thiết kế ở Massachusetts, nói rằng Shein đã bán tác phẩm đồ họa “Make it fun” mà cô sáng tạo trực tuyến. Khi Perry liên lạc với Shein về thiết kế áp phích bị đánh cắp, công ty đề nghị trả cho cô 500 USD. Perry không chấp nhận. Theo đơn khiếu nại, năm kế tiếp, Shein đã liên hệ với Perry để đề nghị cô đóng góp tác phẩm cho bộ sưu tập do các nghệ sĩ thiết kế.
Perry nói với nhà bán lẻ: “Làm sao các ông dám liên lạc với tôi sau khi tác phẩm nghệ thuật của tôi đã bị đánh cắp và tôi phải trải qua khoảng thời gian chật vật giải quyết vụ việc với những người ở Shein". Cô cũng nói rằng Shein đã đánh cắp một thiết kế chăn hoa mà cô có quyền sở hữu trí tuệ vào năm 2020.
Trong khi đó, Baron, người sáng lập Retrograde Supply Co., tuyên bố Shein đã đánh cắp một miếng vá thêu mà anh tạo ra với cụm từ "Hello, I’m Trying My Best". Còn Martinez, Giám đốc điều hành công ty quần áo Miracle Eye có trụ sở tại Los Angeles, nói rằng nhà bán lẻ đã đánh cắp thiết kế quần yếm hoa cúc màu cam của cô.